Tỷ lệ nợ xấu nội bảng các ngân hàng đến cuối tháng 8/2020 ước tính ở mức 1,96%
Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 7/2020, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng ước tính đã xử lý được 1.113,81 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) hiện đang triển khai Đề án Cơ cấu lại và nâng cao năng lực giai đoạn 2017-2020 (ban hành theo Quyết định số 28/QĐ-NHNN ngày 05/01/2018 của Ngân hàng Nhà nước) theo hướng tiếp tục duy trì vai trò của VAMC là công cụ đặc biệt của Nhà nước trong xử lý nợ xấu và là trung tâm thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ.
Theo báo cáo, nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được xử lý, kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng qua các năm 2016 là 2,46%; năm 2017 là 1,99%; năm 2018 là 1,91%; năm 2019 là 1,63%; ước tính đến cuối tháng 8/2020 ở mức 1,96%.
Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 7/2020, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng ước tính đã xử lý được 1.113,81 nghìn tỷ đồng nợ xấu (riêng năm 2019 xử lý được 159,7 nghìn tỷ đồng và 7 tháng đầu năm 2020 xử lý được 63,81 nghìn tỷ đồng).
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng đến tháng 7/2020 ở mức 4,47%, ước tính đến cuối tháng 8/2020 ở mức 4,49%, giảm mạnh so với mức 10,08% cuối năm 2016, mức 7,36% cuối năm 2017 và mức 5,85% vào cuối năm 2018.
Về xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 7/2020, cả hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 303,1 nghìn tỷ đồng (không bao gồm nợ xấu xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro).
Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng (không bao gồm xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro và bán nợ cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt) là 164 nghìn tỷ đồng (chiếm 54,1% tổng nợ xấu đã xử lý).
Xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42 là 71,2 nghìn tỷ đồng (chiếm 23,5% tổng nợ xấu đã xử lý). Xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 68 nghìn tỷ đồng (chiếm 22,4%).
Sau gần 7 năm thành lập, hoạt động mua nợ của VAMC góp phần quan trọng trong việc duy trì tỷ lệ nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng ở mức dưới 3% trong suốt giai đoạn từ 2015 đến nay.
Lũy kế từ khi thành lập năm 2013 đến 31/8/2020, VAMC đã thực hiện mua nợ với 337.348 tỷ đồng giá mua nợ (tăng 91.424 tỷ đồng - tương ứng tăng 37% so với tổng lũy kế giá mua nợ giai đoạn 2013 đến 31/12/2016), dư nợ gốc nội bảng đã mua đạt 369.244 tỷ đồng (tăng 93.689 tỷ đồng - tương ứng tăng 34% so với tổng dư nợ gốc đã mua giai đoạn 2013 đến 31/12/2016).
Trong đó, đối với khoản nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt, VAMC đã thực hiện mua nợ đối với 27.516 khoản nợ của 17.037 khách hàng với dư nợ gốc nội bảng là 361.102 tỷ đồng, giá mua nợ đạt 329.007 tỷ đồng.
Đối với khoản nợ mua theo giá trị thị trường, VAMC đã thực hiện mua nợ đối với 84 khoản nợ của 37 khách hàng với dư nợ gốc nội bảng là 8.142 tỷ đồng, giá mua nợ đạt 8.341 tỷ đồng.
Lũy kế từ khi thành lập năm 2013 đến 31/8/2020, VAMC đã thực hiện thu hồi nợ đạt 155.674 tỷ đồng (tăng 104.658 tỷ đồng - tương ứng tăng 205% so với tổng thu hồi nợ giai đoạn 2013 đến 31/12/2016), trong đó: Thu hồi nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt đạt 150.281 tỷ đồng; Thu hồi nợ mua theo giá trị thị trường đạt 5.393 tỷ đồng. Đặc biệt, từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đến 31/8/2020, kết quả thu hồi nợ của VAMC đạt 94.303 tỷ đồng, bằng khoảng 60% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận