24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
SAIGON FUTURES Pro
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tỷ lệ ép dầu tăng thúc đẩy Trung Quốc tăng mua đậu tương trở lại

Trong hai ngày giao dịch đầu tiên của tuần bắt đầu từ ngày 15/11, thị trường liên tục ghi nhận các đơn hàng đậu tương tư nhân từ Mỹ với lô lớn vụ 2021/22 bán sang một quốc gia giấu tên. Giới phân tích dự đoán rằng quốc gia giấu tên đó không phải quốc gia nào khác ngoài Trung Quốc.

Cuộc khủng hoảng điện năng tại Trung Quốc dần hạ nhiệt, tỷ lệ ép dầu đậu tương cao hơn trong bối cảnh tồn kho vẫn ở mức thấp sẽ thúc đẩy quốc gia này gia tăng thu mua trở lại trên thị trường thế giới. Tháng trước, Trung Quốc nhập khẩu phần lớn đậu tương từ Brazil, nhưng giới phân tích kỳ vọng rằng lần này Trung Quốc sẽ quay lại thị trường Mỹ.

Sản lượng than đá gia tăng giúp cải thiện tình trạng thiếu điện

Cuộc khủng hoảng điện năng kéo dài tại Trung Quốc trong nhiều tháng trước đã khiến cho giới chức nước này đau đầu và buộc phải dùng nhiều biện pháp căng cơ để cải thiện tình trạng thiếu điện trên diện rộng tại nhiều tỉnh sản xuất công nghiệp chủ lực của Trung Quốc. Trong ngắn hạn, quốc gia này không còn lựa chọn nào khác trong việc yêu cầu các mỏ than cũng như các công ty cung cấp phải gia tăng sản lượng than đá để phục cho cho nhu cầu tiêu thụ điện năng. Các biện pháp can thiệp này của chính phủ đã phát huy tác dụng khi đưa sản lượng than nguyên khai của Trung Quốc từ mức giảm chuyển sang tăng.

Theo Tổng Cục thống kê Trung Quốc, sản lượng than nguyên khai của Trung Quốc trong tháng 10 đạt 360 triệu tấn, tăng 9% so với tháng trước và tăng ở mức 4% so với cùng kỳ năm trước, con số này thậm chí cao hơn năm 2019 đến 5.5%. Sản lượng than nguyên khai hàng ngày trung bình trong tháng 10 đạt 11.52 triệu tấn, tăng 3.4% so với tháng trước. Mức gia tăng sản lượng khai thác trong tháng 10 đã kéo mức tổng khai thác từ đầu năm của Trung Quốc lên mức 3.3 tỷ tấn than nguyên khai, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4.1% so với năm 2019.

Sản lượng khai thác than đá tăng lên giúp cho tình trạng căng thẳng về than đá đầu vào tại các nhà máy nhiệt điện than – chiếm phần lớn trong việc cung ứng điện của quốc gia này dần được giải tỏa. Mức điện năng cung ứng tăng lên kéo theo hoạt động của các ngành công nghiệp trong đó có các nhà máy ép dầu đậu tương tại Trung Quốc được tái khởi động trở lại. Điều này đã phản ánh qua các số liệu về tỷ lệ ép dầu đậu tương với hai tuần liên tiếp phục hồi.

Tỷ lệ ép dầu đậu tương tại Trung Quốc đã tăng trở lại

Sản lượng ép dầu đậu tương tại Trung Quốc tính đến tuần kết thúc ngày 07/11 đạt 2.07 triệu tấn, tăng 170,000 tấn so với tuần trước (tương đương với mức tăng 9%) – đây là sản lượng ép dầu đậu tương cao nhất trong 10 tuần. Các căng thẳng về tình trạng phân bổ điện được giải tỏa đúng lúc Trung Quốc đang bước vào giai đoạn mà hoạt động ép dầu đậu tương sẽ diễn ra vô cùng hối hả để có thể đáp ứng cho nhu cầu về dầu đậu tương dự kiến tăng vọt trước kỳ lễ Tết Nguyên đán của quốc gia này.

Theo xu hướng được mô tả trong biểu đồ về ép dầu đậu tương của Trung Quốc bên dưới, thì ép dầu đậu tương tại quốc gia này sẽ duy trì ở mức trên 1.5 triệu tấn từ tháng 10 cho đến khi kỳ nghỉ lễ bắt đầu. Thậm chí với việc gián đoạn sản xuất trong nhiều tuần liên tiếp, thì sản lượng ép dầu đậu tương sẽ được đẩy mạnh hơn nữa trong những tuần tiếp theo để bù đắp lại sự thiếu hụt trước đó. Điều đó là còn chưa kể đến việc biên lợi nhuận nghiền của quốc gia này đã hồi phục mạnh mẽ trong tháng 10 đạt 9 USD/tấn so với mức 7 USD/tấn trong tháng 9 cũng sẽ thúc đẩy các nhà chế biến đậu tương tích cực hơn trong việc ép dầu đậu tương.

Tỷ lệ ép dầu tăng thúc đẩy Trung Quốc tăng mua đậu tương trở lại

Tuy nhiên, khi xem xét lại mức tồn kho đậu tương hiện có tại Trung Quốc thì có thể thấy mức tồn kho liên tục suy giảm và đang ở mức thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước. Tính đến tuần kết thúc ngày 07/11, tồn kho đậu tương Trung Quốc đạt 4.5 triệu tấn, thấp hơn 310,000 tấn so với tuần trước, giảm đến 1.1 triệu tấn so với cùng kỳ tháng trước và thậm chí là thấp hơn đến 2.37 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, trong bối cảnh nhu cầu sử dụng đậu tương tăng cao nhưng tồn kho ở mức thấp, đòi hỏi Trung Quốc sẽ phải cần bổ sung thêm trước khi tồn kho chạm mức an toàn tối thiểu cho sản xuất. Chính điều này, đã tạo nên sự lạc quan cho thị trường rằng trong ngắn hạn Trung Quốc sẽ nhập khẩu khối lượng đậu tương rất lớn trên thị trường thế giới. Trung tâm Thông tin Ngũ cốc và Dầu quốc gia Trung Quốc cũng đã nâng mức nhập khẩu dự kiến trong tháng 11 lên mức 7.4 triệu tấn, điều chỉnh tăng 200,000 tấn so với tuần trước đó.

Tỷ lệ ép dầu tăng thúc đẩy Trung Quốc tăng mua đậu tương trở lại

Các số liệu tháng vừa qua cho thấy, Trung Quốc đã nhập khẩu khá nhiều đậu tương từ khu vực Nam Mỹ nhất là từ Brazil trong bối cảnh tắc nghẽn hậu cần tại Mỹ. Tuy nhiên, khi nguồn cung tại Brazil dần cạn kiệt và với việc quay trở lại mạnh mẽ hơn trên thị trường thế giới thì Mỹ được kỳ vọng sẽ là nơi mà Trung Quốc hướng tới. Trong phiên hôm thứ 6 và hai phiên đầu tuần này, thị trường đã ghi nhận tổng cộng là hơn 684 nghìn tấn đậu tương vụ 2021/22 sang một quốc gia giấu tên.

Thông thường các quốc gia giấu tên này sẽ là Trung Quốc hoặc châu Âu, nhưng các số liệu nhập khẩu vừa công bố từ Ủy ban Liên minh châu Âu đã chứng minh rằng các đơn hàng này khả năng rất lớn là từ Trung Quốc. Theo Ủy ban Liên minh châu Âu, nhập khẩu đậu tương của khối này trong tuần kết thúc ngày 13/11 đạt 245,387 tấn, con số này đưa tổng mức nhập khẩu đậu tương từ tháng 7 năm 2021 lên mức 4.5 triệu tấn, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước.

Khối này đang có sự sụt giảm về nhập khẩu hay nói cách khác là không có nhu cầu thu mua đậu tương lô lớn trong thời gian ngắn như vậy. Hơn thế nữa, trong cơ cấu các quốc gia nhập khẩu đậu tương của khối EU thì Brazil chiếm đến 73% đạt khối lượng là 3.3 triệu tấn, trong khi đó nhập khẩu đậu tương từ Mỹ chỉ ở mức 19% hay với khối lượng là 845,823 tấn (khi so sánh với các số liệu ghi nhận từ USDA trong 3 ngày liên tiếp vừa qua là hơn 684 nghìn tấn thì đã hoàn toàn phủ nhận khả năng quốc gia giấu tên đó là khu vực châu Âu).

Tỷ lệ ép dầu tăng thúc đẩy Trung Quốc tăng mua đậu tương trở lại

Mặt khác, trên thực tế mức nhập khẩu đậu tương Mỹ từ Trung Quốc mặc dù thấp (so với nhập từ Brazil) nhưng các đơn hàng đặt mua từ Mỹ vẫn duy trì khá ổn định. Đồ thị bán hàng đậu tương hàng tuần thậm chí cho thấy trong tháng 10, Trung Quốc có sức mua khá mạnh vượt lên trên mức cao nhất trong vòng 5 năm và cao hơn trung bình 5 năm, kỳ vọng trong thời gian tới Trung Quốc sẽ duy trì lực mua trên và thúc đẩy được doanh số bán hàng đậu tương Mỹ. Trong khi đó, các dữ liệu giao hàng hàng tuần cho thấy số liệu giao hàng đã bắt đầu tăng rất mạnh, vượt qua mức trung bình 5 năm kể từ đầu tháng 10, đây có thể là các động thái đẩy nhanh tiến độ đáp ứng các cam kết giao hàng do gián đoạn hoạt động tại các cảng trong tháng tháng 9 bởi sự tàn phá của cơn bão Ida.

Việc đẩy tiến độ giao hàng các đơn ùng ứ trước đó và nếu USDA tiếp tục báo cáo các đơn hàng lô lớn vụ 2021/22 sang Trung Quốc hoặc một quốc gia giấu tên thì khả năng lớn mức nhập khẩu 7.4 triệu tấn trong tháng 11 dự báo từ CNGOIC sẽ tương đối chính xác và phá vỡ xu hướng giảm nhập khẩu bắt đầu từ tháng 8. Từ đó, tiếp tục tạo lực đỡ chi giá đậu tương tăng trong ngắn và trung hạn.

Bài phân tích được thực hiện bởi đội ngũ Phân tích CTCP Saigon Futures - TVKD xuất sắc của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam năm 2020. Mọi thắc mắc về thị trường và tư vấn đầu tư, Quý NĐT vui lòng liên hệ:

- Hotline: 0286 686 0068
- Email: dvkh@saigonfutures.com
- Fanpage: Saigon Futures Inc.
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

SAIGON FUTURES Pro

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả