Tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng Hàn Quốc được cải thiện
Theo Cơ quan Dịch vụ giám sát tài chính Hàn Quốc (FSS), "sức khỏe" của các ngân hàng nước này đã cải thiện trong năm 2020 khi các tổ chức này ghi nhận lợi nhuận và nguồn huy động vốn cao hơn.
Theo Cơ quan Dịch vụ giám sát tài chính Hàn Quốc (FSS), "sức khỏe tài chính" của các ngân hàng nước này có sự cải thiện trong năm 2020 khi các tổ chức tài chính này ghi nhận lợi nhuận và nguồn huy động vốn cao hơn, giữa bối cảnh bùng phát đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo FSS, tỷ lệ an toàn vốn của 19 ngân hàng thương mại và quốc doanh Hàn Quốc tính đến hết năm 2020 ở mức 15%, tăng 1,08 điểm phần trăm so với cuối năm 2019. Tỷ lệ an toàn vốn là thước đo quan trọng về sự lành mạnh tài chính giữa tỷ trọng vốn của ngân hàng so với tài sản rủi ro nắm giữ.
FSS cho hay hầu hết các ngân hàng đều có tỷ lệ an toàn vốn cao hơn so với tiêu chuẩn quốc tế, bất chấp sự gia tăng trong hoạt động cho vay liên quan đến việc bùng phát đại dịch COVID-19.
Tính đến hết cuối năm ngoái, các ngân hàng KB Kookmin, Hana, Shinhan và các tổ chức tài chính cho vay lớn khác duy trì được tỷ lệ an toàn vốn ổn định ở mức 14-16%, trong khi hai ngân hàng quốc doanh - Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc - có tỷ lệ an toàn vốn lần lượt là 15,96% và 15,3%.
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) có trụ sở tại Thụy Sỹ đã khuyến nghị các tổ chức tài chính cho vay duy trì tỷ lệ an toàn vốn ở mức từ 8% trở lên./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận