menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Như Hoa

Tỷ giá USD/VND tăng 15 đồng sau hành động của Fed

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà khẳng định kiểm soát tỷ giá USD/VND là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cơ quan quản lý tiền tệ từ nay tới cuối năm.

Tỷ giá trung tâm VND/USD sáng 22/9 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 23.316, tăng 15 đồng so với hôm qua. Ngày 19/9, tỷ giá trung tâm cũng tăng 12 đồng so với cuối tuần trước. Sau 5 phiên thay đổi, tỷ giá trung tâm tăng 57 đồng. So với đầu năm, tỷ giá trung tâm tăng 171 đồng, tương đương 0,73%.

Tỷ giá tham khảo USD tại Sở giao dịch NHNN tiếp tục duy trì ở mức 23.700 đồng (bán ra) ngày 22/9. Vietcombank niêm yết giá mua - bán USD sáng 22/9 ở mức 23.515 - 23.825 đồng/USD, tăng 15-10 đồng so với phiên hôm qua. VietinBank niêm yết giá mua - bán USD ở mức 23.553 - 23.853 đồng/USD, tăng 20 đồng cả hai chiều. Trong khi tại ACB, giá bán USD ở mốc 23.900 đồng/USD và mua vào là 23.530 đồng/USD.

Giá USD thị trường tự do sáng 22/9 được giao dịch phổ biến quanh mốc 24.060 - 24.130 đồng (mua vào - bán ra), tương đương phiên giao dịch hôm qua.

Trên thị trường ngoại hối, từ đầu năm đến nay, đồng VND đã mất giá hơn 3,8% so với đồng USD, tỷ giá USD/VND ở mức 23.690 đồng/USD lên mức cao nhất từ trước tới nay.

Tỷ giá USD/VND tăng 15 đồng sau hành động của Fed
Tỷ giá VND/USD đạt đỉnh cao nhất từ năm 1998 đến nay. Nguồn: TradingView

Những động thái của NHNN

Chứng khoán VNDirect đề cập đồng USD tăng gây áp lực lớn lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam. Để ổn định tỷ giá, thời gian qua, NHNN đã phải can thiệp vào thị trường và bán ra một lượng lớn dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, nếu đồng USD tiếp tục mạnh lên, NHNN sẽ có ít nguồn lực hơn để can thiệp do dự trữ ngoại hối đã mỏng hơn trước. Trong trường hợp xấu hơn, NHNN có thể phải tính đến việc tăng lãi suất điều hành, từ đó làm tăng chi phí kinh doanh và ảnh hưởng tiêu cực tới đà phục hồi kinh tế.

Tại báo cáo triển vọng thị trường tháng 9, Chứng khoán ACB (ACBS) ước tính NHNN đã bán ra khoảng 21 tỷ USD từ đầu năm 2022. Tổng dự trữ ngoại hối giảm về 89 tỷ USD và tỷ lệ bao phủ nhập khẩu xuống còn khoảng 12 tuần, nằm trong ngưỡng an toàn. Riêng trong tháng 8, ACBS ước tính Ngân hàng Nhà nước đã bán ra hơn 3 tỷ USD, tức là đã gián tiếp hút hơn 70.000 tỷ đồng khỏi hệ thống.

Tỷ giá USD/VND tăng 15 đồng sau hành động của Fed
Trong 8 tháng đầu năm, VNDirect nhận định VND có diễn biến tích cực hơn so với các đồng tiền khách trong khu vực.

Tại diễn đàn kinh tế 2022, TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá NHNN đã làm tốt việc để tỷ giá trung tâm chỉ tăng khoảng 0,6% từ đầu năm đến nay và trên thị trường dao động trong biên độ cộng trừ 3%. Như vậy, sự lan truyền của lạm phát vào Việt Nam đã bị ngừng lại bởi phòng tuyến tỷ giá. Ông Phước nhấn mạnh Việt Nam phải giữ bằng được ổn định tỷ giá vì đây là “phòng tuyến sông Cầu”, nếu vỡ phòng tuyến này thì lạm phát sẽ tràn vào.

Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện của IMF tại Việt Nam và Lào nhấn mạnh, chính sách tiền tệ cần phải rất cẩn trọng trước những rủi ro lạm phát. Nếu áp lực lạm phát tiếp tục tăng, NHNN cần thắt chặt hơn chính sách tiền tệ và truyền thông rõ ràng bởi những động lực chính sách giúp kiềm chế lạm phát. Để có thể đạt hiệu quả nhất, NHNN sử dụng các chính sách và công cụ tiền tệ hiện hành như lãi suất, tăng trưởng tín dụng và các biện pháp can thiệp ngoại hối thực hiện nhất quán.

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cũng từng đề cập kiểm soát tỷ giá USD/VND là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cơ quan quản lý tiền tệ từ nay tới cuối năm. Trong đó, áp lực tỷ giá hối đoái cũng là một trong những lý do khiến NHNN không có chủ trương nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng trong năm nay.

Giáo sư Andreas Hauskrecht dự báo đồng Việt Nam sẽ tăng so với euro và các đồng tiền khác. Khi đó, Việt Nam sẽ phải đối mặt với vấn đề thanh toán, ảnh hưởng nhất đến giá trị xuất nhập khẩu. Ông cũng đưa ra đề xuất Việt Nam không nên tăng lãi suất hay sử dụng các công cụ tài chính mà nên dùng các chính sách tài khóa an toàn.

Tỷ giá vẫn áp lực nhưng có thể dịu hơn

Ngày 7/9, NHNN quyết định nâng giá bán ngoại tệ tăng 300 đồng lên 23.700 đồng/USD, cao hơn 1,3% so với tỷ giá thay đổi lần gần nhất vào ngày 4/7. Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định mức điều chỉnh này cũng cao hơn so với lần điều chỉnh trước, đồng nghĩa với việc NHNN chấp nhận cho tiền đồng mất giá thêm trong bối cảnh khó cân đối cung-cầu tiền trong hệ thống.

Nhóm chuyên gia VDSC cho rằng kỳ họp nâng lãi suất tháng 9 của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) là một phép thử quan trọng đối với sức bền của các bộ đệm giúp ổn định tỷ giá trong nước. Thực tế diễn ra sớm hơn kỳ vọng của VDSC theo hướng NHNN buộc phải nâng tỷ giá để chuẩn bị trước cho biến động của kỳ họp ngày 21/9 của Fed, khi áp lực bên ngoài vẫn tăng cường và bộ đệm dự trữ ngoại hối và cán cân thanh toán đã yếu đi đáng kể.

Góp ý với cơ quan quản lý tiền tệ tại diễn đàn kinh tế, Giáo sư Andreas Hauskrecht, Đại học Indiana (Mỹ) cho rằng Việt Nam không nên giảm giá tiền đồng vì những rủi ro tài chính có thể gây ra. Theo vị giáo sư, động thái dự kiến tăng lãi suất trong tháng cuối năm 2022 và 2023 của Fed sẽ dẫn đến nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ và ngày càng rõ rệt hơn. Điều này sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam, nhất là tỷ giá VND/USD.

Giới phân tích và các chuyên gia đồng quan điểm trong bối cảnh Fed kiên trì với lập trường nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát và các động thái tương tự của một số ngân hàng trung ương áp lực lên tỷ giá USD/VND từ nay đến cuối năm vẫn hiện hữu.

VNDirect cho rằng tỷ giá hối đoái sẽ tiếp tục chịu áp lực trong những tháng cuối năm do đồng USD neo cao khi Fed duy trì lộ trình tăng lãi suất. Tuy nhiên, nhóm phân tích vẫn nhận thấy những yếu tố hỗ trợ tỷ giá, bao gồm dòng vốn FDI mạnh hơn, thặng dư thương mại cải thiện (dự báo khoảng 8,9 tỷ USD năm 2022), thặng dư cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối đạt ngưỡng an toàn (tương đương 3,3 tháng nhập khẩu). Do đó, tỷ giá USD/VND được dự báo sẽ duy trì trong khoảng 23.300-23.500 vào cuối năm 2022, tương ứng với mức tăng không quá 3% so với cuối năm 2021.

Về cuối năm, SSI Research kỳ vọng nguồn cung ngoại tệ sẽ tích cực hơn theo yếu tố mùa vụ, đến từ hoạt động xuất – nhập khẩu và kiều hối. Năm 2022, sức ép lên tỷ giá vẫn còn và có thời điểm VND có thể mất 2,5-3% so với USD, nhưng có thể tình hình sẽ dịu bớt vào cuối năm khi đà tăng lãi suất của Fed có thể đi vào giai đoạn cuối và rủi ro về tăng trưởng/lạm phát của kinh tế thế giới có thể được nhìn nhận rõ ràng hơn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại