Tỷ giá tăng cao, thanh khoản liên ngân hàng tiếp tục ổn định
(TBKTSG Online) - Tỷ giá tăng mạnh trong suốt tuần qua khi có nguồn tin về dòng ngoại tệ rút khỏi thị trường, trong khi nguồn cung nội tệ tiếp tục dồi dào.
Tỷ giá bất ngờ tăng cao sau giai đoạn ổn định quanh mức 23.200 - tỷ giá NHNN mua vào ngoại tệ kéo dài suốt từ đầu năm khi diễn biến vĩ mô tiếp tục củng cố cho tỷ giá.
Nhìn từ các yếu tố tài chính quốc tế, tỷ giá tiếp tục được hỗ trợ bởi nhiều thông tin, đặc biệt là diễn biến tỷ giá Trung Quốc. Theo đó, tỷ giá đô la/nhân dân tệ có đà giảm từ đầu năm từ mức 6,9 về 6,7 và ổn định quanh mốc này sau cú tăng mạnh trong suốt năm 2018. Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục có những chuyển biến tích cực khi cả hai bên đều nỗ lực tìm kiếm các thỏa thuận thương mại mới.
Ngoài ra, triển vọng kinh tế thế giới tăng trưởng chậm đi kèm chính sách tiền tệ thế giới đang có xu hướng nới lỏng, hoặc chí ít là hạn chế thắt chặt cũng làm giảm áp lực đáng kể cho mặt bằng lãi suất trong nước, cũng như tỷ giá.
Cụ thể, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục trì hoãn tăng lãi suất và ngày càng có nhiều nguồn tin về việc cắt giảm lãi suất ngay trong năm nay. Bên cạnh đó, Trung Quốc tiếp tục nới lỏng tiền tệ và mở rộng tài khóa là những động lực hỗ trợ cho tỷ giá trong nước.
Nhìn từ phía cung - cầu ngoại tệ trong nước, cần kể tới nguồn cung ngoại tệ tiếp tục dồi dào trong quí 1 khi vốn ngoại đổ vào Việt Nam liên tiếp đạt kỷ lục. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thì khu vực FDI đã đổ 10,8 tỉ đô la vào thị trường Việt Nam, tăng hơn 80% so với cùng kỳ 2018.
Môi trường vĩ mô ổn định có nhiều cơ hội đầu tư đã khiến dòng vốn ngoại đổ mạnh vào thị trường nội địa trong bối cảnh nền kinh tế nhiều quốc gia đang có dấu hiệu suy yếu, điển hình là Trung Quốc, Nhật Bản, các nước EU và cả Mỹ.
Quí 1-2019 đã chứng kiến giới đầu tư Trung Quốc rót khoảng 5,87 tỉ đô la vào Việt Nam, chiếm một nửa tổng vốn từ khu vực FDI. Mục đích của nhà đầu tư Trung Quốc hướng tới Việt Nam ngoài việc tăng trưởng trong nước đang suy yếu, các lệnh trừng phạt từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, còn để tận dụng cơ hội từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Việt Nam đang có nhiều cơ hội để thu hút nguồn vốn nước ngoài, trong khi tín dụng ngoại tệ đang dần bị thắt chặt. Theo thông tư 42/2018/TT-NHNN, hiện tại các doanh nghiệp không được phép vay ngắn hạn ngoại tệ để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh cho nhu cầu trong nước.
Ngoài ra, việc cho vay ngoại tệ trung và dài hạn để thực hiện thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi có đủ nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng chỉ thực hiện đến hết ngày 30-9-2019. NHNN đang hạn chế và chuyển đổi nhu cầu ngoại tệ từ cho vay sang mua - bán, chỉ cho phép tín dụng ngoại tệ đối với các doanh nghiệp có nguồn thu là ngoại tệ.
Việc tỷ giá đột ngột tăng những ngày qua, phần nhiều do có tin tức từ nguồn ngoại tệ rút khỏi thị trường. Đây là yếu tố mang tính thời điểm và theo người viết không chịu tác động từ cú sốc tài chính nào. Ngoài ra, nội tệ đang dư thừa khá nhiều trên thị trường LNH cũng góp phần đẩy tỷ giá lên cao.
Một yếu tố nữa là do NHNN liên tục tăng tỷ giá trung tâm suốt tuần qua, ít nhiều gây sức tâm lý trên thị trường. Thanh khoản đồng đô la trên thị trường LNH tiếp tục ổn định, cùng những tin tốt từ tài chính quốc tế và trong nước vẫn hỗ trợ đáng kể cho tỷ giá và dự báo đà tăng bất ngờ này chỉ trong ngắn hạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận