Tỷ giá tăng 4,9%, Ngân hàng Nhà nước có biện pháp can thiệp
Giá USD giao dịch trên kênh ngân hàng nối dài chuỗi ngày tăng ở mức kịch trần, từ đầu tuần đến nay, giá USD trên kênh này đã tăng gần 300 đồng, còn tỷ giá trung tâm cũng tăng đến 154 đồng. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết từ ngày 19/4, NHNN bán can thiệp ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0. Đây là biện pháp rất mạnh mẽ của NHNN để giải tỏa tâm lý thị trường.
Thống kê của NHNN cho thấy, tỷ giá USD từ đầu năm đến nay đã tăng tới 4,9%. song vẫn thấp hơn so với đồng tiền của nhiều quốc gia trên thế giới. Đồng tiền của nhiều quốc gia mất giá từ 5%- 8% từ đầu năm đến nay. Chỉ số USD (DXY) tăng rất nhanh trong 3 tháng đầu năm với mức tăng hơn 5% đã gây áp lực lớn lên đồng nội tệ của nhiều nước, không riêng Việt Nam.
Tỷ giá vẫn 'nóng bỏng'
Chẳng hạn, so với USD, đồng Baht (Thái Lan) mất giá 7,13%, đồng Yen (Nhật Bản) mất giá 9,69%, Won (Hàn Quốc) mất giá 7,71%, Ringgit (Malaysia) mất giá 7,36%...
Về áp lực đối với tỷ giá USD/VND, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết là do kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm hạ lãi suất trong năm 2024, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Thậm chí, lạm phát của Mỹ vẫn duy trì cao, số liệu việc làm tích cực, thị trường liên tục điều chỉnh.
Tỷ giá USD/VND từ đầu năm đến nay đã tăng tới 4,9%.
"Quan điểm điều hành tỷ giá của Việt Nam rất linh hoạt. Mặc dù chúng ta vẫn tiếp tục ổn định tỷ giá cho nền kinh tế nhưng không cố định, ngược lại còn lên xuống để phù hợp với tình hình và tránh những tác động mạnh của thế giới", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Theo ghi nhận của VnBusiness, hiện tỷ giá đang dao động ở mức 23.400 VND/USD (mua vào) và 25.450 VND/USD (bán ra).
Tỷ giá biến động đang gây ảnh hưởng lớn cho các doanh nghiệp có dư nợ ngoại tệ lớn. Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho hay, với 1% thay đổi tỷ giá, hãng mất 300 tỷ đồng. Trong khi đó, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cũng cho hay, trong quý I/2024, Hòa Phát ước phải trích lập dự phòng tỷ giá khoảng 200 tỷ đồng.
Với tình hình diễn biến tỷ giá hiện nay, phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại nhà nước đưa ra lời khuyên doanh nghiệp – kể cả doanh nghiệp có nguồn thu bằng ngoại tệ, nên chuyển sang vay tiền đồng thay vì vay ngoại tệ để phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Hiện nay, lãi suất cho vay bằng tiền đồng tại nhiều ngân hàng thương mại thấp kỷ lục, đặc biệt là cho vay xuất nhập khẩu.
Dù tỷ giá nóng trong nửa đầu năm, song các chuyên gia phân tích của KBSV cho rằng tỷ giá năm nay chỉ tăng ở mức 3%, tức tỷ giá sẽ hạ nhiệt trong nửa cuối năm. Nếu xét với đồng tiền các quốc gia khác trong khu vực, VND vẫn đang duy trì độ mất giá tương đương với Nhân dân tệ (Trung Quốc), Won và Baht.
KBSV kỳ vọng xuất nhập khẩu sẽ phục hồi, dự báo cán cân tổng thể trong năm 2024 với mức thặng dư 10 – 12 tỷ USD, do các hoạt động xuất nhập khẩu tính đến quý I/2024 tích cực hơn và được dự báo sẽ còn tăng trưởng, trong khi áp lực từ hoạt động đầu cơ chênh lệch tỷ giá của ngân hàng sẽ giảm do mặt bằng lãi suất liên ngân hàng sẽ không còn thấp như giai đoạn trước. Bên cạnh đó, dòng vốn FDI, kiều hối tiếp tục ổn định và tăng trưởng sẽ là nguồn cung ngoại tệ ổn định cho năm 2024.
Dùng biện pháp mạnh để ổn định tỷ giá
Tại cuộc họp báo về kết quả điều hành quý I/2024 tổ chức ngày 19/4, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định: "Nếu tỷ giá USD có những biến động bất lợi, NHNN sẵn sàng can thiệp, thậm chí can thiệp ngay từ hôm nay, ngay từ bây giờ".
Đầu giờ sáng ngày 19/4, NHNN thông báo sẽ bán can thiệp ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0, với mức bán tỷ giá can thiệp là 25.450 đồng/USD.
Cập nhật về biện pháp can thiệp trên trong bối cảnh tỷ giá rất nóng và diễn biến bất lợi các ngày qua, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết: "Đây là biện pháp rất mạnh mẽ của NHNN để giải tỏa tâm lý thị trường, đảm bảo nguồn cung thị trường, nguồn cung ngoại tệ thông suốt, đảm bảo đầy đủ nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế. Ngay khi NHNN có công bố, thị trường đã có phản ứng tích cực, giao dịch ngoại tệ đã dưới mức bán ra của NHNN".
Trong thời gian tới, ông Quang khẳng định NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường ngoại tệ, đảm bảo nhu cầu của nền kinh tế, quản lý tốt lạm phát.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế trưởng Cơ quan đại diện thường trú tại Việt Nam của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), biến động tỷ giá hiện nay vẫn nằm trong biên độ kiểm soát của NHNN, chưa đến mức phải lo lắng về việc sử dụng dự trữ ngoại hối để can thiệp.
“Bản thân chỉ số DXY từ đầu năm đến nay đã tăng khoảng 3%. Nói cách khác, nguyên nhân dẫn đến USD tăng so với VND đến từ chính bản thân đồng USD. Ngoài ra, biến động tỷ giá vừa qua liên quan đến yếu tố lịch sử, mùa vụ của thị trường Việt Nam. Thông thường vào quý đầu năm, cầu ngoại tệ sẽ tăng, là hệ quả do kết thúc năm tài chính và những nhu cầu như đầu tư, cất trữ ngoại tệ của người dân. Đây là những động thái tự nhiên của thị trường. Tôi cho rằng diễn biến tỷ giá là phù hợp với xu hướng chung và nằm trong biên độ của NHNN, chưa cần thiết phải sử dụng dự trữ ngoại hối để can thiệp”, ông Hùng nêu.
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần xác định tỷ giá biến động là hết sức bình thường. Chính sách tỷ giá không thể đứng yên được, bởi không phụ thuộc hoàn toàn vào một nền kinh tế mà là diễn biến chung của kinh tế khu vực và thế giới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận