Tỷ giá liệu có còn 'dậy sóng' cuối năm?
VNĐ đến nay vẫn mất giá 4,4%, dù NHNN đã sử dụng nhiều biện pháp như phát hành tín phiếu điều tiết lượng tiền dư thừa, hạn chế các yếu tố gia tăng áp lực lên tỷ giá, và bán ngoại tệ can thiệp hỗ trợ thanh khoản thị trường.
Mặc dù vẫn kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất, làm giảm áp lực đối với tỷ giá tại Việt Nam, song áp lực tỷ giá có thể đến đầu năm 2025 mới được hóa giải.
Áp lực vẫn bao phủ
Ngày 25-7, tỷ giá trên thị trường tự do được niêm yết ở mức 25.650 - 25.700 đồng/USD, tăng 3,8% so với cuối năm ngoái. So với tháng 6, tỷ giá trên thị trường tự do có xu hướng hạ nhiệt trong tháng 7 này.
Còn trên thị trường chính thức, giá USD khoảng 1 tháng qua duy trì xu hướng đi ngang. Cùng ngày 25-7, Vietcombank niêm yết giá mua - bán USD ở mức 25.148 - 25.478 đồng/USD, ngang ngửa giá niêm yết vào cuối tháng 6, và giá bán tiếp tục duy trì xu hướng kịch trần cho phép. Như vậy tính từ đầu năm, tỷ giá USD/VNĐ tại các ngân hàng thương mại (NHTM) đã tăng khoảng 4,4%.
Trước diễn biến căng thẳng của tỷ giá, NHNN đã liên tục có những động thái can thiệp ổn định tỷ giá, bao gồm thực hiện nghiệp vụ bán ngoại tệ và điều tiết thanh khoản hệ thống thông qua thị trường mở, kết hợp với việc tăng lãi suất OMO, tín phiếu (đạt 4,5% vào cuối tháng 6), với mục đích giữ nền lãi suất liên NH ở mức cao, vừa đủ để hạn chế các giao dịch đầu cơ chênh lệch lãi suất.
Một số liệu được công bố gần đây cho biết, đến ngày 3-7 ước tính NHNN đã bán ra khoảng 6,4 tỷ USD nhằm bình ổn tỷ giá. Riêng trong tháng 6, NHNN đã bán ra khoảng 1,9 tỷ USD.
Các chuyên gia phân tích thị trường đánh giá, năm 2024, các yếu tố cơ bản như hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam được cải thiện, nhưng tỷ giá USD/VNĐ vẫn tăng lên mức cao kỷ lục do đồng USD mạnh, và do ảnh hưởng từ đồng Nhân dân tệ. Trong khi về cơ cấu thương mại, Trung Quốc là đối tác xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam, do vậy kinh tế Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng bởi nền kinh tế Trung Quốc. Nửa đầu năm 2024, đồng Nhân dân tệ mất giá cũng gây áp lực lên VNĐ.
Việc lãi suất USD neo ở mức rất cao trên 5%, gây áp lực mất giá lên hầu như toàn bộ các đồng tiền chính trên thế giới và trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có VNĐ. Khi lãi suất USD ở mức cao, thị trường sẽ luôn có sự dịch chuyển dòng vốn ngược lại Mỹ để đầu tư vào các tài sản USD.
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu lên đến 178 tỷ USD, dẫn đến nhu cầu thanh toán USD để nhập khẩu tăng cao… Đồng thời, giai đoạn nửa đầu năm 2024 còn khó khăn cho NHNN trong công cuộc điều hành tỷ giá, vì còn chịu thêm sức ép từ diễn biến của giá vàng.
Sẽ dịu hơn từ năm sau?
Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú chia sẻ tại buổi họp báo ngày 23-7, tỷ giá là một vấn đề lớn và phức tạp trong quá trình điều hành. Vì vấn đề này không phải một mặt đơn lẻ, mà là tổng hòa của các quan hệ kinh tế vĩ mô như lãi suất, lượng tiền nhiều hay ít trong nền kinh tế, và tác động từ của chính sách tỷ giá của các nền kinh tế lớn, nhất là của Mỹ.
Ngoài ra còn có yếu tố tâm lý thị trường, kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp đối với tỷ giá, hài hòa giữa xuất khẩu và nhập khẩu. Đồng thời, chính sách tỷ giá còn liên quan đến chính sách lãi suất, đảm bảo được kiểm soát lạm phát, đảm bảo trạng thái ngoại tệ, cung cầu ngoại tệ của nền kinh tế.
Trước những biến động vừa qua, NHNN cũng đã sử dụng nhiều biện pháp trong những trường hợp cần thiết để giữ ổn định tỷ giá, như bán ngoại tệ từ ngày 19-4 để giữ ổn định tỷ giá một cách hợp lý, tạo nguồn ngoại tệ cho nhập khẩu và đảm bảo được tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, phát hành tín phiếu, cho vay trên thị trường mở…
Đến nay VNĐ mất giá 4,4%, trong khi có những nước mất giá đồng tiền lên đến 7% hay 11%. Mức mất giá của VNĐ như hiện nay cũng hợp lý vì không thể căng cứng, hay nói cách khác là không thể cố định tỷ giá trong điều kiện thế giới có nhiều tác động như vậy.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH nhận định, mức mất giá 4,4% đúng là vẫn thấp hơn nhiều quốc gia, nhưng thực sự đối với VNĐ mất giá trên 3% đã là cao, nên cũng không thể so sánh rằng các nước mất giá cao hơn chúng ta. Vì một đồng tiền mất giá cao hay thấp phải dựa vào tình hình lạm phát trong nước, dựa vào giá trị của tiền đồng, dựa vào tất cả những cân đối vĩ mô để đánh giá.
Chuyên gia này cũng chia sẻ, mặc dù NHNN có giải pháp để giảm sức ảnh hưởng từ lãi suất của Mỹ cao, tức đẩy lãi suất tại Việt Nam lên cao, tuy nhiên vì NHNN phải thực hiện chính sách tiền tệ đa mục tiêu, trong đó có mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng, nên có sự hạn chế nhất định trong việc giữ tỷ giá.
Trong một sự kiện hồi cuối tháng 6, ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup nhận định, lạm phát dự kiến áp lực đến khoảng tháng 8 sẽ đi ngang và giảm trở lại, có thể kiểm soát được trong mục tiêu 4,5% và không đè nặng nhà điều hành. Nhưng Việt Nam còn có áp lực tăng trưởng kinh tế. Vì 2 quý đầu năm, tăng trưởng kinh tế đã tích cực hơn nhưng vẫn chưa đạt như kỳ vọng, dù chúng ta đã dùng hết “công lực” và thậm chí trả giá bằng cả tỷ giá.
Vì vậy 2 quý cuối năm, nhà điều hành sẽ đối mặt với 2 vấn đề, một là phải tăng trưởng kinh tế bằng cách duy trì lãi suất thấp, hai là phải ngăn chặn dòng vốn hút ra do lãi suất Việt Nam quá thấp so với toàn cầu. Từ đó dự báo nửa cuối 2024, tỷ giá vẫn sẽ căng thẳng, bước sang nửa đầu năm 2025, những sức ép về lạm phát, tăng trưởng kinh tế sẽ dịu bớt và tỷ giá không còn nhiều áp lực nữa.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) dự báo, tỷ giá vẫn còn 2 đợt sóng trong nửa cuối năm nay, rơi vào khoảng tháng 8-9 và tháng 11-12. Tại các thời điểm này áp lực tỷ giá sẽ lớn, vì đó là những thời điểm mùa vụ, nhu cầu nhập khẩu để sản xuất kinh doanh và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa để bán trong nước cũng tăng do kinh tế hồi phục, tiêu dùng tăng trở lại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận