Tỷ giá không phải là "cây đũa thần" cho xuất khẩu nhưng trong tác động tới lạm phát, xu hướng lại rõ ràng
Chuyên gia Kinh tế - Tài chính Nguyễn Đức Hùng Linh, nhà sáng lập Think Future Consultancy mới có những đánh giá về tác động của tỷ giá lên xuất khẩu.
Cụ thể, ông Nguyễn Đức Hùng Linh cho rằng, việc mất giá đồng VND có tác động không lớn đến xuất khẩu, trong khi lại có rủi ro làm tăng lạm phát.
Ông Hùng Linh dẫn một nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Luật Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, tỷ giá USD mặc dù có ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản nhưng về mức độ tác động chỉ đứng ở vị trí thứ 3.
Theo đó, yếu tố ảnh hưởng nổi trội và lớn nhất tới xuất khẩu thủy sản là sản lượng, tức năng lực đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản của Việt Nam. Yếu tố tiếp theo là nhu cầu tiêu thụ tại thị trường xuất khẩu như thị trường Mỹ và Nhật Bản. Một minh chứng là xuất khẩu tôm sang Mỹ trong năm 2023 đã giảm 12% dù đồng VND năm 2022 và 2023 đều mất giá nhanh hơn các năm trước đó.
Một số nghiên cứu khác đã chỉ ra, yếu tố quan trọng nhất để tạo lợi thế cạnh tranh về giá cho sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam nằm ở chi phí sản xuất.
Lấy ví dụ về tôm, với loại tôm có trọng lượng 50 con/kg, giá thành sản xuất của Việt Nam vào khoảng 4 USD. Trong khi đó tôm của Ấn Độ và Ecuador - hai đối thủ chính của Việt Nam, chỉ là 3 và 2,5 USD, tương ứng thấp hơn Việt Nam 25% và 37%.
Giải pháp phá giá đồng VND với mục đích hỗ trợ xuất khẩu, vì vậy sẽ ít mang lại tác dụng khi sản lượng sản xuất trong nước không thể tăng theo kịp hoặc khi nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu chính bị sụt giảm. Đây là chưa kể tới những rào cản thương mại như các vụ kiện bán phá giá ở Mỹ hay như thẻ vàng EU.
Ông Linh đưa ra một biểu đồ khá thú vị, thể hiện tương quan giữa mức độ mất giá đồng tiền của một số quốc gia với xuất khẩu tôm sang Mỹ. Số liệu trên biểu đồ cho thấy, với các quốc gia được so sánh, đồng tiền rẻ hơn không đồng nghĩa sẽ bán được nhiều tôm sang Mỹ hơn.
Theo ông Linh, với sự khác biệt lớn về chi phí sản xuất như đã nói ở trên, việc giảm giá đồng VND 3% hoặc thậm chí 6% sẽ không có nhiều ý nghĩa với giá xuất khẩu. Trong khi đó, mất giá 6% với đồng VND sẽ là một vấn đề lớn với ổn định vĩ mô.
Tỷ giá không phải là "cây đũa thần" cho xuất khẩu nhưng trong tác động tới lạm phát, xu hướng lại rõ ràng hơn
Theo ông Hùng Linh, các nghiên cứu thực tế tại Việt Nam đã chỉ ra ảnh hưởng tương đối lớn của tỷ giá USD/VND đến lạm phát. Một kết quả tương đối thận trọng chỉ ra rằng, cứ 1% mất giá đồng VND thì lạm phát sẽ tăng 0,34%.
Như vậy, nếu theo nghiên cứu này thì với mức mất giá 4,5% kể từ đầu năm 2024, lạm phát sẽ tăng thêm 1,5%. Đây là chưa tính tới việc tăng giá tự nhiên như giá xăng trong nước tăng theo giá dầu thế giới.
Ảnh hưởng của tỷ giá tới lạm phát chủ yếu mang tính gián tiếp do hầu hết các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất của Việt Nam đều phải nhập khẩu. Giá nguyên nhiên liệu tăng sẽ làm tăng giá thành sản xuất. Về lý thuyết, nhà sản xuất sẽ tìm cách để đẩy phần chi phí tăng thêm này vào giá bán cho người tiêu dùng do vậy làm tăng lạm phát.
Trường hợp cố gắng giảm giá đồng nội tệ để tạo lợi thế xuất khẩu, có thể gây ra những hệ lụy khó lường cho tăng trưởng và ổn định kinh tế. Trên thế giới không thiếu bài học, như trường hợp của Brazil là một minh chứng.
Trong 10 năm gần đây, đồng nội tệ của Brazil đã giảm giá hơn 100%. Mặc dù điều này tạo được lợi thế cạnh tranh cho ngô và dầu đậu nành của Brazil so với các sản phẩm tương tự của Mỹ, nhưng đổi lại, Brazil đã liên tiếp rơi vào khủng hoảng với lạm phát cao và nhiều năm kinh tế suy thoái.
Quay trở lại với câu chuyện về Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ - những đối thủ của ngành dệt may Việt Nam được nhắc đến ở phần trên. Tương tự như Brazil, 2 đất nước này cũng có tỷ lệ lạm phát cao ngất ngưởng trong những năm qua.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, lạm phát tháng 1 năm nay tăng 6,7% so với tháng 12/2023, đánh dấu mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 8 năm ngoái, theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ công bố hồi tháng 2. Theo tính toán, đồng Lira của nước này đã giảm 40% trong 12 tháng qua và mất hơn 80% giá trị kể từ năm 2019.
Tại “xưởng may của thế giới” Bangladesh, lạm phát khiến người lao động khổ sở và kéo theo hàng loạt các cuộc biểu tình bạo lực với hàng chục nghìn công nhân xuống đường đòi tăng lương hồi tháng 11 năm ngoái. Theo Cục thống kê Bangladesh, lạm phát ở nước này đã tăng lên 9% trong khoảng thời gian từ 2022 đến 2023 - tỷ lệ trung bình cao nhất trong 12 năm.
“Việt Nam chúng ta chắc chắn không thể chấp nhận một tình huống như vậy”, xin được mượn nhận định của chuyên gia Nguyễn Đức Hùng Linh để khép lại bài viết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận