Tỷ giá đô đẩy doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa đắt đỏ
Tỷ giá USD/VND khiến các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa đang bị đắt, trong khi đó chi phí doanh nghiệp hiện đang rất lớn do phải trang trải phòng chống dịch Covid-19.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, chính sách tỷ giá vô cùng quan trọng, quyết định lớn đến sự ổn định của giá trị đồng tiền khi so sánh với những đồng tiền khác trong rổ tiền tệ. “Tỷ giá có ổn định thì thị trường, doanh nghiệp (DN), người nắm giữ USD, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)... mới yên tâm và sinh ra kỳ vọng hưởng lợi khi tỷ giá thay đổi”, Phó Thống đốc cho hay.Tỷ giá đo
Theo dõi các diễn biến tỷ giá thời gian qua có thể thấy, nếu so với cuối năm 2020, tỷ giá USD/VND giao ngay từ mức quanh 23.100 VND thì nay đã giảm mạnh về chỉ còn quanh 22.780 VND, điều này đồng nghĩa VND tăng giá, và thực tế, từ đầu năm 2021 đến nay, VND tăng giá khoảng 1,5% so với USD.
Nhờ vậy, VND là một trong những đồng tiền có diễn biến tốt nhất trong khu vực trong bối cảnh các đồng tiền trong khu vực chịu tác động mạnh bởi đà tăng giá của USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ.
Nhận xét về tác động của tỷ giá giảm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, tin tốt khi tiền đồng lên giá so với USD là cơ quan quản lý mua ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối với giá rẻ, các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hoá được hưởng lợi.
Ngược lại, tin không tốt là khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, hiện nay tỷ giá USD/VND đang duy trì được xu hướng ổn định cộng với chính sách tiền tệ linh hoạt hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn hứng chịu đại dịch Covid-19, là điểm sáng tích cực của NHNN.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Tổng công ty May Hưng Yên cho rằng, ổn định tỷ giá đang theo hướng "tụt xuống", đồng tiền Việt Nam đang quá cao, trong khi nền kinh tế đang xuất siêu. Hiện mỗi USD đang mất 600 đồng, chẳng hạn, doanh nghiệp ông xuất khẩu 1 triệu USD mỗi năm mất 600 triệu đồng. Điều này dẫn đến tình trạng tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa đang bị đắt, trong khi đó chi phí doanh nghiệp hiện đang rất lớn do phải trang trải phòng chống dịch Covid-19.
"Lẽ ra cơ quan quản lý nên giữ tỷ giá bằng mức độ bình quân năm 2020 là 23.100 đồng/USD, còn tiền đồng tăng giá như hiện nay đang làm khó các doanh nghiệp xuất khẩu".
Hiện nay, May Hưng Yên mỗi năm gia công khoảng 200 triệu USD đã mất khoảng 13 tỷ, tương ứng lương 1 tháng cho công nhân. "Thực tế cơ quan quản lý bảo giữ ổn định tỷ giá nhưng không phải ổn định và không hỗ trợ được nhiều cho doanh nghiệp", ông Dương nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty May 10 nhận định, tỷ giá ổn định tạo ra sự ổn định kế hoạch tài chính và dòng tiền cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua tỷ giá ổn định trên đà đồng Việt Nam tăng giá thì đối với đơn vị xuất khẩu như May 10 lại là điều không tốt, ngược lại các đơn vị nhập khẩu đang được hưởng lợi.
Một lãnh đạo cao cấp BIDV phân tích, nguyên nhân tiền đồng tăng giá chủ yếu do NHNN điều chỉnh chính sách mua ngoại tệ với các ngân hàng thương mại theo hướng chuyển từ mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng sang mua giao ngay tại mức tỷ giá 22.750 (giảm khoảng 100 điểm so với mức tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng quy đổi). Động thái này đã tác động mạnh đến tâm lý thị trường và khiến tỷ giá liên ngân hàng giảm sâu.
Cụ thể, từ tháng 6/2021, NHNN đã giảm giá mua vào USD tổng cộng 375 VND, xuống mốc 22.750 VND/USD. Nếu tính từ tháng 11/2019, tổng mức giảm là 450 VND/USD, với 6 lần điều chỉnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận