24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Ái Vy
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tỷ giá đã thực sự “nằm” trong tay của Ngân hàng Nhà nước

(TBKTSG) - Trong các biến số kinh tế vĩ mô bao gồm tỷ giá, lãi suất và lạm phát (CPI) thì tỷ giá được xem là biến số khó quản lý và điều hành nhất. Mặc dù vậy, nếu nhìn diễn biến từ đầu năm 2018 đến nay thì có thể khẳng định rằng tỷ giá đã nằm trong sự kiểm soát của NHNN.

Tỷ giá đã duy trì được sự ổn định từ cuối năm 2018 đến nay

Tính từ tháng 11-2018 đến nay, tỷ giá giữa đồng đô la Mỹ và tiền đồng luôn duy trì sự ổn định quanh mức giá mua vào của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) 23.200 (đồng/đô la Mỹ). Như vậy, tỷ giá đã giữ được sự ổn định trong khoảng thời gian năm tháng liên tục.

Tính từ đầu năm 2019 đến nay, NHNN đã mua được 8,35 tỉ đô la Mỹ để đưa quy mô dự trữ ngoại hối lên khoảng 68-69 tỉ đô la. Đây là nguyên nhân chính để giúp cho tỷ giá duy trì được sự ổn định liên tục trong thời gian vừa qua. Mặc dù vậy, trong các phiên giao dịch gần đây thì tỷ giá đã bắt đầu có xu hướng tăng lên và phá vỡ xu hướng ổn định trước đó.

Diễn biến này cũng hoàn toàn toàn dễ hiểu bởi bất kỳ một biến số kinh tế nào cũng có tính chu kỳ. Nhìn vào dữ liệu lịch sử thì có thể thấy rằng chu kỳ tăng lên hoặc ổn định của tiền đồng tối đa kéo dài trong khoảng sáu tháng. Và đây có lẽ cũng là một thách thức cho NHNN ở phía trước khi liệu có sớm giúp cho thị trường ổn định được hay không?

Tỷ giá đã nằm trong tay của NHNN?

Để trả lời cho câu hỏi trên thì chúng ta cần nhìn lại diễn biến của tỷ giá trong năm tháng vừa qua và trả lời câu hỏi xem 8,35 tỉ đô la Mỹ được NHNN mua vào đến từ đâu? Nếu như trong năm 2017 và 2018, NHNN liên tục mua được ngoại tệ xuất phát từ các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) quy mô lớn, tuy nhiên kịch bản này dường như không lặp lại trong những tháng đầu của năm 2019.

Việc NHNN mua được ngoại tệ hoàn toàn xuất phát từ nguồn cung trong nước, khi các doanh nghiệp thực sự tin tưởng vào chính sách điều hành hiện nay và chủ động bán ngoại tệ để chuyển sang nắm giữ tiền đồng.

Trong các biến số kinh tế vĩ mô bao gồm tỷ giá, lãi suất và lạm phát (CPI) thì tỷ giá được xem là biến số khó quản lý và điều hành nhất. Mặc dù vậy, nếu nhìn diễn biến từ đầu năm 2018 đến nay thì có thể khẳng định rằng tỷ giá đã nằm trong sự kiểm soát của NHNN.

Diễn biến từ năm 2018 đến nay có thể chia thành ba giai đoạn chính. Giai đoạn 1, tính từ đầu năm đến hết tháng 6-2018, tỷ giá cũng gần như đi ngang, quanh mức giá mua vào của NHNN (22.700 đồng/đô la). Nguyên nhân là do NHNN đã mua được gần 11 tỉ đô la Mỹ. Trong giai đoạn này, nguồn cung về ngoại tệ trên thị là rất lớn do các nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền kỷ lục để đầu tư vào các doanh nghiệp của Việt Nam.

Đó là thương vụ trị giá tới 2,3 tỉ đô la của Vinhomes, 1,6 tỉ đô la tại Techcombank hay con số hơn 500 triệu đô la tại tập đoàn Masan... Để tránh cho tiền đồng lên giá trong giai đoạn này thì NHNN đã áp dụng chính sách mua kỳ hạn (forward) và có hai lần tăng tỷ giá mua vào.

Giai đoạn 2, từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 11-2018, đây là thời điểm thị trường quốc tế có rất nhiều biến động. Tiền đồng liên tục mất giá so với đô la Mỹ khi nhu cầu ngoại tệ của các doanh nghiệp tăng cao liên tục. Nguyên nhân đến từ việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất cũng như cuộc chiến tranh về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được đẩy lên mức đỉnh điểm.

Dòng tiền trên toàn cầu có xu hướng dịch chuyển từ các nước đang phát triển (developing markets) về các nước phát triển (advanced markets). Lo ngại trước viễn cảnh mất giá của tiền đồng, các doanh nghiệp tại Việt Nam đã ồ ạt mua ngoại tệ để phòng ngừa rủi ro. Trước thực trạng này, NHNN đã phải bán ra liên tục tới 6 tỉ đô la Mỹ chỉ trong khoảng thời gian hai tháng, từ tháng 7 đến tháng 9-2018.

Để ổn định tâm lý của các doanh nghiệp và người dân, NHNN đã tiến hành bán ngoại tệ kỳ hạn cho các ngân hàng từ tháng 9 đến tháng 11-2018. Động thái này nhằm khẳng định, cơ quan quản lý sẵn sàng bán ngoại tệ để đáp ứng tất cả nhu cầu của thị trường.

Giai đoạn 3, từ đầu tháng 12-2018 đến nay, kịch bản của năm 2018 dường như đang lặp lại khi NHNN đã liên tục mua được tới hơn 8 tỉ đô la. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả này mặc dù không có thương vụ M&A nào lớn diễn ra.

Thứ nhất, đó là Fed đã phát thông điệp gần như sẽ không tăng thêm lãi suất trong cả năm 2019. Thứ hai, đó là căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang đi đến hồi kết khi hai bên đã gần đạt được các thỏa thuận. Thứ ba, quan trọng hơn cả, đó là chính sách điều hành của NHNN.

Cơ quan này đã chủ động giữ cho mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ở mức tương đối cao từ 3-4%/năm đối với các kỳ hạn dưới một tháng thông qua việc phát hành tín phiếu lãi suất 3%/năm kỳ hạn một tuần. Lãi suất ở mức cao khiến cho chênh lệch về mặt lợi ích giữa đô la Mỹ và tiền đồng càng lớn.

Động thái này khiến cho các doanh nghiệp đã phải chủ động bán số ngoại tệ đã mua sang nắm giữ tiền đồng để tối ưu hóa giá trị. Do vậy, tỷ giá đã duy trì được sự ổn định liên tục trong khoảng năm tháng trở lại đây.

Như vậy, nhìn vào diễn biến của cả ba giai đoạn thì có thể thấy rằng NHNN luôn chủ động để đưa ra định hướng cho thị trường thông qua nhiều công cụ khác nhau, trong đó đặc biệt phải kể đến các công cụ phái sinh (derivatives). Do có định hướng của NHNN nên các doanh nghiệp đã chủ động điều chỉnh nhu cầu ngoại tệ cho phù hợp với hoạt động kinh doanh, tránh bị chi phối bởi yếu tố tâm lý lo sợ quá mức như đã từng nhiều lần xảy ra trong quá khứ.

Tỷ giá tiền đồng với các đồng tiền khác trong ngày 9-5. Nguồn: Vietcombank

Tiền đồng mất giá từ 1-2% mỗi năm sẽ là mục tiêu của NHNN trong thời gian tới

Có thể nói, mục tiêu này không chỉ là của riêng Việt Nam mà có lẽ là rất nhiều nước đang phát triển theo đuổi. Nó lại càng đặc biệt và quan trọng hơn đối với Việt Nam, bởi vì nó sẽ kích thích các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu cũng như thu hút nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, rõ ràng đây là một mục tiêu rất khó bởi bên cạnh yếu tố cung cầu trong nước thì tỷ giá còn bị chi phối bởi rất nhiều các yếu tố bên ngoài. Vậy thì đâu là cơ sở để Việt Nam có để đạt được mục tiêu trên?

Để trả lời cho câu hỏi này thì chúng ta sẽ cùng đánh giá về các yếu tố quan trọng, có tác động trực tiếp đến tỷ giá mà đến từ cả bên trong và bên ngoài trong thời gian tới.

Các yếu tố trong nước bao gồm, thứ nhất là cán cân vãng lai (current account) của Việt Nam đã được cải thiện mạnh mẽ từ năm 2011 đến nay. Theo đó, trạng thái thặng dư luôn được duy trì, ngoại trừ những cú sốc của năm 2015. Đây có thể được coi là điểm mấu chốt, quan trọng nhất trong điều hành chính sách tiền tệ của một quốc gia. Việc cán cân vãng lai thặng dư là cơ sở để các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Thứ hai, chênh lệch kỳ vọng về lợi ích khi nắm giữ tiền đồng và đô la Mỹ đang ngày càng lớn. Đây cũng là hàm ý mà NHNN luôn muốn gửi đến và tạo ra để người dân, các doanh nghiệp luôn tin rằng việc nắm giữ tiền đồng tại Việt Nam sẽ có lợi hơn nhiều so với các đồng tiền khác. Theo đó, lợi ích nắm giữ tiền đồng chính là lãi suất tiền gửi hiện dao động từ 5-7%/năm đối với kỳ hạn sáu tháng. Trong khi đó, lợi ích nắm giữ đồng đô la, bao gồm lãi suất tiền gửi cộng với biến động tỷ giá có thể xảy ra. Trong khi lãi suất tiền gửi hiện đang được duy trì ở mức 0%, vậy chỉ khi tỷ giá tăng tới 5-7% thì việc nắm giữ đồng đô la mới có lợi hơn. Tuy nhiên, xác suất xảy ra khả năng này trong bối cảnh hiện nay là rất thấp.

Thứ ba, việc kiểm soát lạm phát đang được Chính phủ ưu tiên hàng đầu. Theo đó, mục tiêu CPI bình quân tăng dưới 4% trong năm 2019 là hoàn toàn khả thi. Động thái tăng giá xăng và điện thời gian gần đây đã cho thấy Chính phủ đã có những tính toán rất kỹ về thời điểm và mức độ để không ảnh hưởng mạnh đến lạm phát kỳ vọng, trong khi vẫn đạt được mục tiêu của mình là đưa giá cả của một số mặt hàng (điện, xăng dầu, y tế và giáo dục) theo diễn biến thực tế của thị trường.

Các yếu tố bên ngoài, thứ nhất đó là chu kỳ tăng lãi suất vào thời điểm hiện này dường như đã dừng lại. Xu hướng này không chỉ diễn ra ở Mỹ mà còn nhiều nước phát triển khác. Việc lãi suất tại các nước phát triển ngừng tăng sẽ là cơ hội để dòng tiền quay trở lại để đầu tư vào các tài sản tại các nước đang phát triển. Yếu tố thứ hai, rất quan trọng đối với tiền đồng của Việt Nam, đó là diễn biến đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Bởi lẽ, cán cân thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc đã tiệm cận con số 100 tỉ đô la Mỹ, chiếm 25% tổng kim ngạch của cả nước.

Chính vì vậy mà bất kỳ một sự biến động nào của đồng nhân dân tệ sẽ lập tức tác động đến giá trị của tiền đồng. Việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này liên tục phát đi thông điệp cải cách và mở cửa hơn nữa thị trường đối với các nhà đầu tư nước ngoài đã khiến cho niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế đã quay trở lại. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang sử dụng công cụ tài khóa để hỗ trợ cho nền kinh tế thông qua các gói kích thích như cắt giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân hay tăng cường đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng… Đây là nguyên nhân khiến cho đồng nhân dân tệ đã tăng hơn 2% so với đồng đô la Mỹ tính từ đầu năm 2019 đến nay.

Như vậy, triển vọng thị trường cả trong và ngoài nước đều đang hỗ trợ cho giá trị của tiền đồng, cùng với đó là chính sách điều chỉnh linh hoạt của NHNN thì mục tiêu kiểm soát tỷ giá tăng 1-2% là hoàn toàn nằm trong tay của cơ quan quản lý tiền tệ của Việt Nam.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả