Tỷ giá đã tăng
Lãi suất tại Việt Nam đang từng bước được điều chỉnh hạ, đi xuống, ít nhất thì từ động thái của các ngân hàng trung ương, tuyên bố của các nhà băng và quyết tâm chính trị của các nhà lãnh đạo.
Trong suốt thời gian qua, một câu hỏi cứ được hết người này đến người khác đặt ra: Tại sao lạm phát thấp mà lãi suất lại cao như thế? Thậm chí, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng không khỏi băn khoăn về nghịch lý này! Tại Mỹ, do lạm phát cao nên phải tăng lãi suất để hút tiền về - vì lạm phát luôn luôn là một hiện tượng tiền tệ mà. Còn ở Việt Nam, lạm phát đẹp như mơ, luôn được giữ ổn định, hà cớ gì phải tăng lãi suất?
Nhiều nhà báo, chuyên gia ưa dùng chữ: Giá của tiền, để nói về lãi suất. Nghe cũng lạ. Tiền mà cũng có giá ư? Ừ thì họ giải thích: giá của tiền tức là lãi suất.
Điều này rành rành đúng, nhưng chưa đủ.
Tiền có 3 loại giá, trong đó lãi suất là giá của tiền tính theo thời gian. Hai loại kia, một là giá cả, tức là tiền mua hàng hóa, dịch vụ và trả bằng tiền. Lạm phát thấp thì tiền mua được nhiều hàng, lạm phát cao thì nhiều tiền mua được ít hàng hơn, tức là tiền mất giá. Loại thứ ba là tỷ giá, tức là giá tiền này mua tiền kia.
Tại Mỹ, nơi mà rất nhiều người tin rằng, FED – Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ, giữ vai trò điều khiển thế giới, đã 11 lần tăng lãi suất nhằm trị con ngựa lạm phát bất kham. Khi FED tăng lãi suất, dòng tiền tháo chạy ra khỏi các thị trường mới nổi. Nhu cầu USD tăng nhanh, do vậy tiền đồng đứng trước nguy cơ bị mất giá.
Muốn giữ giá tiền có hai cách: một là bán ngoại tệ ra thu nội tệ về, hai là tăng lãi suất cũng để hút tiền về. Hai cách này đều giúp giảm cung tiền, và tiền ít đi, khan hiếm hơn thì trở nên có giá hơn.
Ban đầu, Ngân hàng Nhà nước bán USD ra can thiệp, với tuyên bố sẽ không tăng lãi suất. Dự trữ ngoại hối đang là 110 tỷ USD, bỗng chốc bay hơn 20%, tức hơn 22 tỷ đô đã được bán ra. Nhưng điều đó chẳng thể cứu vãn thị trường mà nguy cơ hụt ngoại tệ đã thấy rõ. SBV đành phải quay xe, tăng lãi suất thêm 1 điểm phần trăm.
Doanh nghiệp và hộ gia đình chới với. Để giữ được giá tiền đồng phải đánh đổi quá lớn. Cho dù mấy lần điều chỉnh lãi suất giảm như một áp lực chính trị lúc này nhưng thực tế các nhà băng Việt Nam phải chịu nhiều ràng buộc.
Chính thức thì Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giá bán USD vượt quá 25.025 đồng/1 USD, cao nhất trong lịch sử.
Bán một cái vèo hơn 22 tỷ đô, chật vật mua lại được hơn 6 tỷ đô để bổ sung vào Dự trữ ngoại hối, nay tỷ giá lại căng, bài học còn chưa ráo mực.
Lãi suất vì thế chắc sẽ khó mà giảm theo ý chí chính trị được.
Có vẻ như lạm phát là hiện tượng tiền tệ còn tuyên bố về lãi suất là hiện tượng chính trị hơn là kỹ thuật. Tỷ giá phải chăng đâu đó nằm giữa hai hiện tượng này.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận