Tỷ giá có hạ nhiệt trong thời gian còn lại của năm?
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho rằng, nếu các yếu tố vĩ mô ổn định và các thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản khởi sắc, vàng trong nước giảm nhiệt... thì sẽ tác động tích cực lên tỷ giá trong thời gian tới.
Áp lực tỷ giá tăng cao trong thời gian gần đây, theo ông nguyên nhân do đâu?
Cho đến thời điểm này, tỷ giá đã tăng trên 4%. Các dự báo đưa ra tỷ giá chỉ tăng khoảng 3-5% trong năm 2024, nhưng mới chỉ gần 4 tháng đầu năm đã tăng ngấp nghé bằng mức dự báo cho cả năm. Từ nay đến cuối năm, khả năng tỷ giá còn áp lực tăng, bởi các lý do sau:
Thứ nhất, USD ngày càng mạnh lên, khi Chỉ số Dollar Index đã lên đến 106 điểm. Nếu tiếp tục trong xu hướng này hoặc cao hơn, khả năng sẽ còn đẩy tỷ giá đi lên, bởi khi sức khỏe của USD mạnh lên sẽ đẩy giá trị của VND xuống, từ đó sẽ đẩy tỷ giá tăng.
Thứ hai, vấn đề về khủng hoảng địa chính trị trên thế giới ngày càng dữ dội hơn, nhất là khu vực Trung Đông, cuộc chiến Nga - Ukraine chưa có hồi kết, cũng làm cho niềm tin vào USD mạnh hơn. Chính điều này đẩy tỷ giá thời gian qua và sắp tới đây.
Thêm vào đó, cùng với xu hướng của thế giới, 4 tháng đầu năm 2024, nền kinh tế của Việt Nam còn tăng trưởng chậm và các thị trường tài chính chưa có sự khởi sắc, thị trường chứng khoán biến động khó lường, giá vàng tăng cao, trong khi lãi suất giảm sâu, nhưng tín dụng khó tăng. Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, thị trường bất động sản chưa khởi sắc… khiến nền kinh tế chưa thực sự được vực dậy một cách mạnh mẽ.
Chúng ta cần có thêm các giải pháp để kích cầu kinh tế, làm thế nào để đưa tất cả các thị trường vào ổn định, trong đó phải kể đến thị trường vàng, thị trường hối đoái, bất động sản… Khi các thị trường này phát triển ổn định trở lại, sẽ tác động tích cực lên kinh tế và tôi cũng tin rằng, năm nay GDP sẽ đạt mức tăng trưởng 6,5%.
Trước áp lực tỷ giá tăng thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố bán ngoại tệ để can thiệp tỷ giá. Nhưng vì sao, tỷ giá vẫn tiếp tục tăng, thưa ông?
Để kiểm soát tỷ giá, NHNN có 2 công cụ chính.
Một là, can thiệp vào thị trường ngoại hối bằng cách giãn biên độ hoặc bán USD ra để làm tỷ giá hạ nhiệt. Nhưng việc bán USD là “con dao hai lưỡi”, vì dự trữ ngoại hối của Việt Nam ngấp nghé 3 tháng nhập khẩu là mức an toàn. Nếu tiếp tục bán USD ra, thì dự trữ ngoại hối giảm xuống dưới 3 tháng nhập khẩu, sẽ tạo ra mất an toàn cho ngoại thương.
Hai là, NHNN có thể phát hành một lượng tín phiếu của mình để hút tiền từ lưu thông vào. Khi lượng tiền lưu thông giảm đi, sẽ làm tỷ giá hạ nhiệt. Tuy nhiên, điều đó cũng không đảm bảo, bởi thực tế, trong năm qua, NHNN đã sử dụng công cụ phát hành tín phiếu, nhưng khi phát hành ra cũng phải có thời kỳ đáo hạn và mua lại. Lúc này, tiếp tục đẩy một lượng tiền lớn vào lưu thông nên chỉ giải quyết được tạm thời bài toán tỷ giá.
Vậy để giảm nhiệt tỷ giá trong bối cảnh hiện nay, theo ông, cần thêm giải pháp gì?
Theo tôi, để ổn định được tỷ giá, trước hết phải ổn định được kinh tế vĩ mô. Nền tảng kinh tế vĩ mô phải ổn định, xuất khẩu tăng trưởng, nợ công được giải quyết... Khi kinh tế vĩ mô ổn định thì tỷ giá sẽ được tác động tích cực và giảm nhiệt.
Tiếp theo là cần phải kiểm soát được tình trạng buôn lậu vàng. Thực tế cho thấy, khi giá vàng trong nước tăng cao hơn thế giới, thì sẽ khó tránh khỏi việc buôn lậu vàng. Chính chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước quá xa đã khuyến khích giới buôn lậu mang vàng vào Việt Nam. Để nhập lậu vàng đòi hỏi phải có ngoại tệ, đó chính là lý do USD trên thị trường tự do tăng, khiến tỷ giá niêm yết trong ngân hàng cũng chịu áp lực lớn.
Việc đấu thầu vàng miếng của NHNN liệu có giải quyết được bài toán nguồn cung vàng cho thị trường, thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế, từ đó giảm áp lực lên tỷ giá trong thời gian tới không, thưa ông?
NHNN thực hiện đấu thầu vàng cũng chỉ là giải pháp tình thế, chưa thể giải quyết được bài toán cung cầu và thu hẹp giá trong nước - quốc tế. Để có thể ổn định được thị trường vàng và thu hẹp chênh lệch về giá, NHNN phải có lượng vàng lớn, trong khi lượng vàng đấu thầu trong phiên đầu tiên chỉ khoảng 600 kg, chưa thấm vào đâu. Cần phải có lượng vàng rất lớn để đấu thầu thường xuyên, nhưng tôi e rằng, điều này vượt ra ngoài khả năng của NHNN. Do đó, chúng ta không thể giải quyết được sự bình ổn của thị trường vàng bằng đấu thầu, mà chỉ có thể tạm thời qua đấu thầu tạo tâm lý bình ổn cho thị trường.
Muốn bình ổn được thị trường, bình ổn giá cả thì phải cân đối được cung - cầu trên thị trường, nhưng để làm được điều này đòi hỏi nguồn cung phải dồi dào hơn. Tại thời điểm này, NHNN là đơn vị duy nhất có thể nhập khẩu vàng, nhưng theo tôi, NHNN nên rút lại vai trò quản lý, trao lại việc nhập khẩu vàng cho các đơn vị kinh doanh vàng có uy tín dưới sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. Đồng thời, Nghị định 24/2012/NĐ-CP cũng cần sớm được sửa đổi, xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC. NHNN nên cấp quota, cho phép các nhà kinh doanh uy tín nhập vàng nguyên liệu, cũng như có thể thành lập một sàn giao dịch vàng quốc gia.
Nhưng nếu cho phép nhập khẩu thêm vàng thì sẽ khó tránh tác động lên tỷ giá?
Tôi cho rằng, số vàng NHNN đem ra đấu thầu hiện nay là đã có rồi, chứ không phải mới nhập khẩu. Nhưng nếu NHNN tiếp tục đấu thầu vàng trong thời gian tới, với số lượng lớn, cũng cần tính đến việc nhập khẩu vàng và điều này khó tránh gây áp lực lên tỷ giá, bởi thế, cần tính toán kỹ để có thể cân đối được.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận