Tỷ giá chưa hạ nhiệt, cách nào để dứt 'cơn sốt'?
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), thừa nhận từ đầu năm đến nay, thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong nước chịu áp lực từ biến động khó lường của thị trường tài chính toàn cầu, cộng hưởng với những thách thức, khó khăn ở thị trường trong nước.
Lãi suất đầu vào tăng, sức ép tỷ giá vẫn cao
Tình trạng giá USD tại các ngân hàng thương mại áp sát, thậm chí kịch trần cho phép đã diễn ra trong suốt gần một tháng qua, dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tục thực hiện bán ngoại tệ can thiệp.
Giá bán chạm trần, một số ngân hàng đã chuyển hướng sang điều chỉnh tăng mạnh giá mua trong những phiên gần đây. Hiện nay, chênh lệch giá mua – giá bán tại các ngân hàng đã giảm về còn khoảng 200 – 230 đồng/USD, thấp hơn nhiều so với mức 330 – 370 đồng/USD cách đây một tháng.
Theo các chuyên gia, thông thường khi biến động tỷ giá tăng, chênh lệch giá mua - bán cũng tăng để bù cho rủi ro biến động lên xuống. Nếu chênh lệch này giảm sẽ khiến các ngân hàng chịu nhiều rủi ro hơn và khó đưa ra quyết định mua bán, vì vậy có xu hướng làm giảm thanh khoản giao dịch ngoại hối trên thị trường. Bên cạnh đó, chênh lệch giá mua – bán giảm cũng cho thấy áp lực tỷ giá vẫn còn khá căng thẳng.
Trong bối cảnh tỷ giá vẫn nóng, NHNN đã tăng lãi suất trên kênh cầm cố giấy tờ có giá (OMO) và lãi suất tín phiếu phiên 22/5. Theo đó, lãi suất cho vay trên kênh OMO đã tăng thêm 0,25 điểm %, từ 4,25%/năm trong phiên trước đó lên 4,5%/năm. Đồng thời, lãi suất trúng thầu tín phiếu cũng tăng từ 3,9%/năm lên 4%/năm.
Giới phân tích nhận định đây là một trong những nghiệp vụ của cơ quan quản lý dùng để kéo lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng lên, giảm chênh lệch lãi suất USD và VND, từ đó giảm áp lực đầu cơ USD và giảm áp lực tỷ giá USD/VND. Đồng thời, việc điều chỉnh này cũng giúp giảm áp lực bán ngoại tệ can thiệp, tránh hao tổn dự trữ ngoại hối nhanh như hồi năm 2022.
Tuy nhiên, những ngày qua, tỷ giá vẫn tiếp tục tăng. So với đầu tháng 5, giá USD tại các ngân hàng thương mại đã tăng 27 đồng.
Các chuyên gia cho rằng, có 3 yếu tố tác động lên tỷ giá.
Thứ nhất là sự thay đổi kỳ vọng của thị trường về lộ trình chính sách tiền tệ, cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cùng với gia tăng căng thẳng địa chính trị tại một số vùng lãnh thổ trên thế giới, khiến đồng USD quốc tế tăng giá mạnh, có thời điểm chỉ số USD (DXY) tăng 5% so với đầu năm 2024, tạo áp lực mất giá lên các đồng tiền khác, trong đó có VND.
Từ đầu năm đến giữa tháng 5/2024, nhập khẩu của nền kinh tế phục hồi mạnh - ước đạt 132,23 tỷ USD, tăng 19,7 tỷ USD (tăng 17,5%) so với cùng kỳ năm 2023, làm gia tăng nhu cầu mua ngoại tệ, đặc biệt nhu cầu ngoại tệ để thanh toán nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu thiết yếu phục vụ sản xuất trong nước.
Lãi suất USD ở mức cao, trong khi lãi suất VND thấp hơn đã thúc đẩy tổ chức kinh tế mua ngoại tệ kỳ hạn để phục vụ thanh toán trong tương lai - chuyển nhu cầu ngoại tệ trong tương lai về hiện tại; trong khi khách hàng có nguồn thu ngoại tệ lại có tâm lý trì hoãn bán ngoại tệ cho hệ thống tổ chức tín dụng, khiến cân đối cung cầu ngoại tệ kém thuận lợi trong ngắn hạn và gây áp lực lên tỷ giá.
Ứng xử với “sóng” tỷ giá ra sao?
Giới phân tích cho rằng áp lực tăng tỷ giá vẫn còn lớn, đồng thời với việc giá bán USD của các ngân hàng liên tục cao hơn giá bán can thiệp phản ánh sức ép đối với dự trữ ngoại hối. Đi cùng với đó là tác động từ giá vàng thế giới lập đỉnh, nhu cầu vàng duy trì ở mức cao và sự phục hồi của hoạt động nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM, nhận xét mức giảm giá của VND từ đầu năm đến nay là phù hợp với biến động trên thị trường thế giới. Tỷ giá hối đoái của Việt Nam vẫn đang chịu rất nhiều áp lực và xu hướng này sẽ còn kéo dài đến hết năm 2024.
PGS-TS Nguyễn Hữu Huân phân tích: "USD ở mức cao và từ nay đến cuối năm vẫn có nhiều đợt gia tăng. Khả năng Fed giảm mạnh lãi suất trong năm nay rất hiếm xảy ra và nếu có thì cũng chỉ có thể giảm nhẹ khoảng 0,25%, chưa tác động gì đến tỷ giá hối đoái của Việt Nam. Đồng nghĩa là hàng loạt áp lực lên tỷ giá hối đoái từ đầu năm đến nay vẫn còn kéo dài".
Để giảm áp lực lên tỷ giá hối đoái, ổn định VND thì ngoài những chính sách, công cụ mà NHNN đã và đang áp dụng, ông Huân đề xuất cần giải quyết nhanh việc chênh lệch quá cao giữa giá vàng trong nước với quốc tế để hạn chế tình trạng buôn lậu, gây căng thẳng lên giá USD tự do. Đồng thời, NHNN cần tăng dần lãi suất trên thị trường liên ngân hàng để nâng dần mặt bằng lãi suất trên thị trường chung, giảm bớt chênh lệch với lãi suất USD quốc tế. Quan trọng nhất, NHNN nên có tuyên bố rõ ràng về chính sách tiền tệ từ nay đến cuối năm để người dân có kỳ vọng hợp lý.
Ở góc độ cơ quan quản lý, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang cho biết, mặc dù tình hình quốc tế vẫn còn nhiều thách thức, khó lường, nhưng với nền tảng kinh tế vĩ mô, đối ngoại vững chắc và việc Fed dự kiến bắt đầu giảm lãi suất từ cuối năm nay, áp lực đối với tỷ giá sẽ giảm bớt. Trong thời gian tới, NHNN sẽ điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường thông qua việc tiếp tục kết hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ với việc bán ngoại tệ can thiệp hỗ trợ thanh khoản thị trường, qua đó phục vụ các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế, góp phần bình ổn tâm lý thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận