Twitter "trả giá" sau khi cấm vĩnh viễn tài khoản của ông Trump
Việc khóa vĩnh viễn tài khoản của Tổng thống Trump đã khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng về các quy tắc trong tương lai của mạng xã hội.
Trước đó, vào hôm 8/1, công ty truyền thông có trụ sở tại San Francisco đã thông báo việc đình chỉ tài khoản của Tổng thống Trump vốn có hơn 88 triệu người theo dõi với lý do các bài đăng của ông có thể gây ra nguy cơ bạo lực mới sau vụ biểu tình tại Điện Capitol ở Mỹ vào tuần trước.
Động thái này của Twitter đã phải hứng chịu làn sóng chỉ trích từ một số thành viên đảng Cộng hòa. Bên cạnh đó, Ủy viên Liên minh châu Âu Thierry Breton cũng cho biết các sự kiện tuần qua có thể báo trước một kỷ nguyên mới với sự kiểm soát được tăng cường hơn.
Thủ tướng Đức Angela Merkel - người được cho là không ưa gì ông Trump cũng đã lên tiếng chỉ trích lệnh cấm của Twitter. Thông qua một phát ngôn viên, bà cảnh báo rằng các nhà lập pháp chứ không phải các công ty tư nhân có quyền quyết định các hạn chế quyền tự do ngôn luận.
Động thái của Twitter cũng khiến các nhà đầu tư lo lắng rằng nó có thể sẽ phải chịu nhiều quy định chặt chẽ hơn so với các đối thủ như Facebook hay Google và Alphabet - chủ sở hữu của YouTube.
Các nền tảng truyền thông khác trong đó có Facebook cũng đã ban hành các lệnh cấm tương tự đối với Tổng thống Trump. Tuy nhiên, cổ phiếu của Twitter được cho là bị rớt giá nhiều nhất. Lần gần đây nhất, cổ phiếu Facebook đã giảm khoảng 4% và Alphabet giảm 2%.
Sheryl Sandberg - Giám đốc điều hành (COO) của Facebook cho biết mạng xã hội lớn nhất thế giới này không có kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm tài khoản Tổng thống Trump.
Đây cũng là lần đầu tiên Twitter cấm một nguyên thủ quốc gia. Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã cáo buộc quyết định của nền tảng là một nỗ lực đàn áp tiếng nói bảo thủ.
Apple, Alphabet và Amazon cũng đã đình chỉ Parler - một mạng xã hội khác được nhiều người ủng hộ Tổng thống Trump ưa chuộm khỏi các cửa hàng ứng dụng, khiến người dùng dịch vụ này không thể truy cập được.
“Những động thái này, cho dù bạn có coi là hợp lý hay không thì nó vẫn khiến họ [các công ty công nghệ] mất đi người dùng nếu họ trở thành thẩm phán quyết định điều gì được coi là đúng đắn về mặt chính trị và các lĩnh vực khác” - Michael Hewson, nhà phân tích chính tại CMC Markets UK cho biết.
Trong khi đó, một số người khác cho rằng các quyết định của Twitter hay Facebook thời gian gần đây đang chứng minh cho sự “kiêu ngạo quá mức” của các nhà lãnh đạo công nghệ và họ hy vọng rằng các nhà chức trách, đặc biệt là Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ có thêm những động thái pháp lý để kiềm chế quyền lực của các công ty công nghệ trong 4 năm tới.
Theo Reuters
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận