"Tuýt còi" thông tư của Ngân hàng Nhà nước vì có nội dung trái luật
Lãnh đạo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) ký văn bản "tuýt còi" Thông tư số 06/2023 của Ngân hàng Nhà nước vì có nội dung trái luật.
Thông tư số 06/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng ngay từ khi ban hành (28/6) đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận, chủ yếu đến từ các hiệp hội và doanh nghiệp bất động sản.
Trao đổi với phóng viên Dân trí sáng 29/12, lãnh đạo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, tại điểm c khoản 6 Điều 1 Thông tư 06, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu tổ chức tín dụng "phải có biện pháp phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay tại tổ chức tín dụng cho vay theo quy định của pháp luật, thỏa thuận của các bên tại thỏa thuận cho vay cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm".
Tuy nhiên, pháp luật về biện pháp bảo đảm quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015, Nghị định số 21/2021 của Chính phủ chỉ quy định việc gửi tiền vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp ký quỹ, không có biện pháp phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay tại tổ chức tín dụng cho vay như Thông tư 06.
Hơn nữa, khoản 2 Điều 12 Nghị định số 101/2012 quy định về thanh toán không dùng tiền mặt nêu rõ, tài khoản thanh toán bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản trong 3 trường hợp: Khi không có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền; khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót về chuyển tiền; khi có tranh chấp giữa các chủ tài khoản thanh toán chung.
Cục Kiểm tra văn bản khẳng định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định biện pháp phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay tại tổ chức tín dụng cho vay để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự, Nghị định 101/2012.
Quy định đó cũng hạn chế quyền lựa chọn biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong quan hệ dân sự giữa các bên liên quan.
Từ đó, cơ quan này kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương xử lý các nội dung trái luật trên và rà soát quá trình thực hiện Thông tư số 06 để có biện pháp khắc phục hậu quả do việc thực hiện các quy định trái pháp luật gây ra (nếu có).
Ngân hàng Nhà nước cần phải xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, người đã tham mưu xây dựng, ban hành văn bản có nội dung trái luật theo quy định hiện hành.
Cục Kiểm tra văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo kết quả thực hiện các nội dung trên, gửi về Bộ Tư pháp trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận được kết luận kiểm tra văn bản theo quy định của Chính phủ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận