Tuyệt vọng vì Covid-19, hãng hàng không AirAsia cân nhắc bán 10% cổ phần, cật lực cắt giảm chi phí
Hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Đông Nam Á, Air Asia Group dự kiến cắt giảm lao động đến 30% khi nhà sáng lập Tony Fernandes dự định bán 10% cổ phần để huy động vốn.
Tuyệt vọng trong việc chặn đứng cuộc khủng hoảng dòng tiền vì Covid-19 – một đại dịch đã hủy hoại ngành hàng không và du lịch, AirAsia giảm lương nhân viên đến 75% trong một nỗ lực cứu lấy hãng hàng không, theo Nikkei Asian Review.
Giải pháp mà AirAsia đưa ra bao gồm cắt giảm 60% phi hành đoàn và phi công của AirAsia (cả AirAsia và công ty liên kết AirAsia X). Tập đoàn AirAsia hoạt động tại Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines.
Gần như toàn bộ 20,000 nhân viên AirAsia đã được đánh giá lại kể từ tháng 1/2020 dựa trên tiền lương và thành tích. Quá trình sa thải nhân viên được cho là sẽ kéo dài đến cuối tháng 7/2020.
Nhiều nguồn tin cho biết AirAsia – trong đó nhà sáng lập Fernandes vẫn đang nắm lượng cổ phần chi phối – cũng có thể bán 10% cổ phần để huy động tiền mặt, trong đó SK của Hàn Quốc được cho là nằm trong số 3 công ty đa quốc gia thể hiện quan tâm đến cổ phần AirAsia.
Việc bán cổ phiếu này sẽ không cần phải được cổ đông chấp thuận, khi ban lãnh đạo đã được ủy quyền để phát hành lượng cổ phiếu mới tới 10% tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông vào tháng 6/2019.
Tờ Star của Malaysia đưa tin, tập đoàn lớn thứ 3 tại Hàn Quốc là SK Corp có thể đăng ký mua lượng cổ phiếu AirAsia với giá 1 Ringgit/cp và từ đó huy động gần 78.4 triệu USD cho AirAsia.
SK Corp – một tập đoàn đa ngành hiện diện nhiều tỏng lĩnh vực viễn thông và năng lượng thông qua 95 công ty con – ghi nhận doanh thu 213.6 tỷ USD trong năm 2019 và có tổng tài sản là 257.9 tỷ USD.
“Tất cả đề xuất đang được Hội đồng quản trị cân nhắc và có thể đưa ra quyết định ngay trong tuần tới”, một nguồn tin nói với Nikkei.
Ngoài giảm lương nhân viên, ông Fernandes còn giảm chi phí vốn của AirAsia và vốn lưu động của tất cả hãng hàng không thuộc AirAsia.
Ông Fernandes và nhà đồng sáng lập Kamarudin Meranun cũng đồng ý không nhận lương trong trung hạn.
“Ngân sách cho các bộ phận đều bị cắt giảm, trong khi các đợt giảm lương được dự báo kéo dài đến cuối năm 2021”, nguồn tin này cho biết. “AirAsia chỉ dự báo tình hình sẽ cải thiện trong năm 2022”.
Các lợi ích của nhân viên – bao gồm được đi máy bay miễn phí hoặc giảm giá và các phiếu giảm giá thực phẩm – đều bị giảm đáng kể.
“Các khoản thưởng, tăng lương và chính sách khuyến khích đều bị trì hoãn, đồng thời chỉ phụ cấp đi đường và trả lương cơ bản”, nguồn tin cho biết.
Một nguồn tin thân cận với ông Fernandes nói với Nikkei rằng ông Fernandes cũng đang cân nhắc bán những liên doanh hàng không đang lỗ ở Nhật Bản và Ấn Độ.
“Ông Fernandes tỏ ra sẵn lòng giảm lượng cổ phần hoặc thậm chí rút khỏi Nhật Bản và Ấn Độ, vì sự phức tạp của ngành hàng không tại những nước này và chi phí ngàng càng tăng”, nguồn tin cho biết.
Trong tháng 5/2020, Bangkok Post đưa tin rằng Thai AirAsia đang tìm cách sáp nhập với một vài hãng hàng không giá rẻ tại Thái Lan trong một nỗ lực tồn tại trong đại dịch.
Chính phủ Malaysia cũng đang xem xét bơm hơn 350 triệu USD vào 3 hãng hàng không đang kẹt tiền mặt là AirAsia, Malaysia Airlines và Malindo Airways như là một phần của gói cứu trợ kinh tế lớn hơn.
Chính phủ hy vọng lượng vốn này sẽ giúp các hãng hàng không tồn tại qua đại dịch và quy trình vận hành mới – có thể bao gồm giãn cách xã hội trên máy bay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận