Tuyệt vọng về gói kích thích kinh tế, giới đầu tư ồ ạt bán tháo
Phố Wall khởi đầu tuần mới bằng một phiên giao dịch tồi tệ nhất trong 4 tuần qua vào ngày thứ Hai (19/10).
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết hôm Chủ nhật (18/10), để thông qua gói kích thích trước cuộc bầu cử, Nhà Trắng và Hạ viện phải giải quyết được mâu thuẫn vào thứ Ba (20/10).
Bà Pelosi và Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin “tiếp tục thu hẹp sự khác biệt” trong các cuộc thảo luận vào thứ Hai và bà Pelosi hy vọng rằng vào cuối ngày thứ Ba sẽ có thể đưa ra câu trả lời rõ ràng về việc liệu gói kích thích có khả thi trước cuộc bầu cử hay không, Drew Hammill, phát ngôn viên của Chủ tịch Hạ viện Mỹ cho biết.
Cùng này, Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows tuyên bố với báo giới, Nhà Trắng đã tăng đề xuất giá trị gói kích thích lên gần 1.900 tỷ USD và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng tăng số tiền hỗ trợ cho các hộ gia đình cũng như các doanh nghiệp nhỏ.
Giới phân tích cho rằng, một phần thị trường sẽ hài lòng với một gói kích thích sau cuộc bầu cử khi dữ liệu về doanh số bán lẻ mạnh hơn dự kiến trong tháng 9 đã nhấn mạnh động lực kinh tế và báo hiệu rằng người tiêu dùng nhìn chung vẫn ở trạng thái tốt, điều này sẽ cho phép tiêu thụ giữ vững trong quý IV.
Đó là lý do tại sao nhiều nhà đầu tư đang theo dõi khả năng chiến thắng của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống, với kỳ vọng chính quyền đảng này sẽ tung ra gói kích thích tài khóa tích cực hơn vào năm tới so với thời chính quyền của đảng Cộng hòa.
Mùa báo cáo tài chính sẽ bắt đầu sôi động hơn trong tuần này với báo cáo của 84 công ty thuộc S&P 500 và 8 công ty thuộc Dow Jones. Trong số những cái tên hot năm 2020, các nhà đầu tư sẽ chú ý đến kết quả Tesla và Netflix.
Mặt khác, làn sóng dịch bệnh Covid-19 thứ hai đang ngày càng nghiêm trọng tại Mỹ, đặc biệt là tại Wisconsin khiến bang này phải áp đặt trở lại các hạn chế giãn cách. Trong khi đó, tại New Mexico, thống đốc bang này cảnh báo rằng nguồn lực chăm sóc sức khỏe của bang sẽ không đủ đáp ứng nếu các ca bệnh tiếp tục tăng với tốc độ hiện tại.
Theo phân tích của Reuters, số ca nhiễm Covid-19 tuần trước đã tăng 13%, lên hơn 393.000 ca, cao nhất kết kể từ thời điểm kết thúc đỉnh dịch vào mùa hè.
Chứng khoán châu Âu lại quay lại đà bán tháo trong phiên giao dịch ngày thứ Hai trong bối cảnh các trường hợp nhiễm Covid-19 không ngừng tăng lên khiến các nền kinh tế đang phải vật lộn chống đỡ, xoá mờ các tín hiệu tiến triển tích cực trong thỏa thuận thương mại Brexit.
Số ca nhiễm mới hàng ngày ở Ý thiết lập kỷ lục mới vào cuối tuần trước buộc quốc gia này chấp thuận đóng cửa các địa điểm công cộng từ 9 giờ tối trên phạm vi toàn quốc. Tại Tây Ban Nha, nhiều khả năng số ca nhiễm sẽ đạt mốc 1 triệu trong tuần này và nhiều khu vực đã tiến hành thắt chặt các biện pháp hạn chế. Trong khi đó, xứ Wales áp đặt chế độ phong toả trong vòng hai tuần, và có thể phải kéo dài đến ba tuần.
Mặt khác, Liên minh châu Âu (EU) hôm 19/10 tuyên bố, họ sẵn sàng tăng cường các cuộc đàm phán hướng tới một thỏa thuận về quan hệ thương mại trong tương lai với Anh.
Chứng khoán châu Á tiếp tục diễn biến trái chiều phiên đầu tuần. Chứng khoán Nhật Bản tăng nhờ đà đi lên của các chỉ số tương lai phố Wall. Chứng khoán Trung Quốc giảm khi chịu áp lực bán từ nhóm cổ phiếu công nghiệp và y tế sau khi báo cáo mức tăng trưởng GDP quý III/2020 yếu hơn dự báo .
Giá vàng tăng nhẹ nhờ sự hỗ trợ vừa phải đến từ việc chỉ số USD yếu hơn khi bắt đầu tuần giao dịch mới, bên cạnh sự bất ổn trên thị trường chứng khoán.
Giá dầu giảm vào phiên ngày thứ Hai trước những lo ngại về sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu, bên cạnh kế hoạch tăng sản lượng của Libya.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận