Tướng Mỹ hé lộ lý do khiến Lầu Năm góc đánh giá nhầm khả năng của Nga lẫn Ukraine
Tướng Mỹ hàng đầu ở châu Âu cho biết "có thể có" lỗ hổng trong thu thập thông tin tình báo khiến Mỹ đánh giá quá cao khả năng của Nga và đánh giá thấp khả năng phòng thủ của Ukraine trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự vào Ukraine.
Khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine vào tháng trước, tình báo Mỹ đã đánh giá rằng, Kiev có thể thất thủ và rơi vào tay Nga chỉ trong vòng vài ngày. Tuy nhiên, thực tế, quân đội Nga đã sa lầy xung quanh thủ đô Ukraine khi cuộc chiến bước sang tháng thứ 2, do gặp phải các vấn đề hậu cần, cùng với sự kháng cự quyết liệt bất ngờ từ các lực lượng Ukraine.
Làm chứng tại phiên điều trần của Ủy ban Dịch vụ Vũ trang của Thượng viện Mỹ hôm thứ Ba, Tư lệnh châu Âu của Mỹ, tướng Tod Wolters đã được Thượng nghị sĩ Roger Wicker, một đảng viên Cộng hòa Mississippi, hỏi rằng, liệu có lỗ hổng tình báo nào khiến Mỹ đánh giá quá cao sức mạnh của Nga đồng thời đánh giá quá thấp khả năng phòng thủ của Ukraine hay không.
“Có thể có”, tướng Wolters trả lời. "Như chúng tôi đã làm trong quá khứ, khi cuộc khủng hoảng này kết thúc, chúng tôi sẽ thực hiện đánh giá toàn diện trong tất cả các lĩnh vực và tất cả các phòng ban, đồng thời tìm ra điểm yếu của chúng tôi và đảm bảo rằng chúng tôi có thể tìm ra cách để cải thiện nó".
Trong khi tình báo Mỹ thành công dự đoán Nga đang chuẩn bị tấn công Ukraine - điều mà chính quyền Biden đã mạnh dạn tung ra thông tin nhằm khiến Điện Kremlin chùn bước - thì cộng đồng tình báo lại được cho là không đánh giá hiệu quả sức mạnh của quân đội Nga.
Trung tướng Scott Berrier, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Quốc phòng của Mỹ cho biết, các đánh giá của tình báo Mỹ trước khi Nga đưa quân vào Ukraine dựa trên một số yếu tố, trong đó có việc người Ukraine được cho là "không sẵn sàng chiến đấu".
"Tôi đã đặt câu hỏi về ý chí chiến đấu của họ. Đó là một đánh giá không tốt về phía tôi, vì họ đã chiến đấu dũng cảm, danh dự và đang làm điều đúng đắn", ông Berrier nói.
Trong những giờ đầu tiên của cuộc chiến, các quan chức Mỹ đã đề nghị giúp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sơ tán khỏi đất nước khi quân đội Nga tiến về Kiev, vì sợ rằng ông sẽ bị ám sát. Tuy nhiên, ông Zelensky đã từ chối và thay vào đó yêu cầu Mỹ cung cấp thêm vũ khí để giúp Ukraine tự vệ.
Hiện Mỹ và các đồng minh NATO vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine, bao gồm tên lửa chống tăng Javelin và tên lửa phòng không Stinger đã được sử dụng để chống lại lực lượng Nga.
Hơn một tháng sau cuộc chiến, Nga tuyên bố hôm thứ Ba 29/3 rằng, họ sẽ "giảm" cường độ các cuộc tấn công quân sự vào Kiev và Chernihiv của Ukraine sau khi các cuộc đàm phán hòa bình diễn ra giữa đại diện của bên.
Các quan chức Mỹ nói với CNN rằng đây là một sự thay đổi chiến lược "lớn" của Moscow, với việc các lực lượng Nga rút lui ở một số khu vực ở phía bắc và tập trung vào phía nam và phía đông.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận