Tương lai ngành hàng không ra sao sau năm ác mộng 2020?
Năm 2020 ác mộng đã làm đứt mạch 10 năm sinh lời bền vững của ngành hàng không. Đại dịch đã tạo ra môi trường hỗn loạn chưa từng có, nhiều phi cơ nằm đắp chiếu, còn các nhà sản xuất máy bay, hãng bay, sân bay và công ty cho thuê máy bay lao đao.
2021 có thể là một năm chuyển tiếp với một ngành chuyên chở hành khách trên 208 triệu chuyến đi trên khắp thế giới. Trong kịch bản tốt nhất, chặng đường phía trước vẫn khá gập ghềnh và tiến triển của ngành vẫn còn phụ thuộc vào quá trình phân bổ vắc-xin Covid-19, khả năng tiếp cận vốn, chính sách Chính phủ và sự khó lường của đại dịch Covid-19 mà các chuyên gia vẫn chưa hiểu rõ. Dù vậy, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng sẽ có những bước nhảy vọt.
Sau đây là những diễn biến cần phải theo dõi trong 12 tháng tới.
Cuộc chiến giá vé
Lưu lượng hàng không sẽ khó hồi phục mạnh cho đến khi số người được tiêm chủng đủ để giảm tỷ lệ lây nhiễm ở các nước. Thậm chí sau đó, các hãng còn phải nỗ lực thu hút hành khách trở lại máy bay.
Tại châu Âu, các hãng làm điều đó bằng cách giảm giá một vé máy bay có thể xuống tới 9.99 euro (12.33 USD), theo CEO Ryanair Holdings Michael O’Leary. Hãng bay giá rẻ Ireland này đã cắt giảm số tuyến bay cho tới tháng 3/2021, cho thấy sự bất ổn vẫn đang đeo bám ngành hàng không. Các ý tưởng khác được đưa ra để lôi kéo hành khách là ở khách sạn miễn phí, ưu đãi mua 2 tặng 1 và bảo hiểm du lịch miễn phí.
Các chương trình khuyến mãi theo gói bay không giới hạn từ các hãng bay như China Eastern Airlines - trong đó cung cấp các chuyến bay không giới hạn với một gói giá duy nhất - đã trở nên phổ biến, trong khi đó các đại lý bán vé trực tuyến Trung Quốc đang chào bán các chuyến bay giá cực rẻ cho dịp lễ Tết Nguyên Đán.
Tuy nhiên, vấn đề là bao lâu nữa thì các hãng mới có thể dừng cuộc chiến ưu đãi này. John Grant - Trưởng nhóm phân tích tại OAG - cho rằng sẽ không xuất hiện đà phục hồi nào cho đến khi các hãng bay không cần phải tung ra các biện pháp thu hút hành khách và các tuyến bay sinh lãi trở lại.
Huy động vốn
Các hãng hàng không đã huy động vốn ở mức kỷ lục trong năm 2020, nhưng nhiêu đó vẫn là chưa đủ. Họ sẽ cần nhiều hơn nữa trong năm 2021. Các đợt bán cổ phiếu và chuyển đổi nợ sẽ đóng vai trò quan trọng hơn khi các hãng muốn phục hồi bảng cân đối kế toán. Theo Moody’s, các chính phủ đã chi 220 tỷ USD cứu trợ cho ngành này năm 2019 và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong đà hồi phục của hãng bay này.
Các hãng bay như EasyJet có khả năng tăng vốn chủ sở hữu khi việc đốt tiền mặt vẫn là một mối lo ngại, theo Daniel Roeska, nhà phân tích tại Sanford C. Bernstein. Một số hãng còn trong trạng thái tuyệt vọng hơn. Kế hoạch tái cấu trúc của Norwegian Air phụ thuộc vào khả năng huy động vốn mới và có thể bỏ phần lớn mảng bay xuyên Đại Tây Dương nổi tiếng để tập trung vào phục vụ khu vực.
Các chủ nợ của Thai Airways International đang xem xét kế hoạch phục hồi vào tháng tới. AirAsia X – hãng bay đường dài của Malaysia – và Nok Airlines của Thái Lan cũng sẽ phải trình kế hoạch tái cơ cấu trong vài tháng tới.
Trong khi đó, các hãng hàng không Mỹ sẽ nhận được 15 tỷ USD khoản hỗ trợ liên bang để trả lương cho người lao động đến hết ngày 31/03, bên cạnh 25 tỷ USD hỗ trợ tương tự được cung cấp trong năm 2020. Bộ Tài chính Mỹ cũng đã bơm thêm hàng tỷ USD dưới hình thức cho vay.
Đào thải
Hàng tá hãng hàng không đã biến mất hoặc nộp đơn phá sản kể từ khi đại dịch bắt đầu. Ngày càng nhiều hãng đang cần cứu trợ, có nguy cơ bị nuốt chửng bởi những công ty mạnh hơn. Ở Đức, Lufthansa đang nhắm thẳng đến Condor bằng cách thêm các tuyến bay tới những điểm đến như Zanzibar và Corfu. Tuy nhiên, hãng có thể gặp khó do bị ràng buộc bởi các điều khoản khi nhận cứu trợ của chính phủ.
Ở Ấn Độ, Tata Sons đã mua lại cổ phần của AirAsia Group trong một liên doanh tại nước này. Hãng hàng không sở hữu Nhà nước Air India cũng là một mục tiêu khả dĩ, có thể thông qua Vistara – doanh nghiệp liên doanh của Tata với Singapore Airlines Ltd. Nhà phân tích James Teo của Bloomberg Intelligence cho biết, hãng bay quốc doanh Air India cũng có thể được Vistara, liên doanh của Tata với Singapore Airlines, mua lại.
Du lịch không gian
Sau nhiều năm thực hiện và dự báo, du lịch không gian có khả năng thành hiện thực trong năm nay. Virgin Galactic của tỷ phú Richard Branson sẽ khai trương chuyến bay thương mại trong quý 1/2021. Họ sẽ cung cấp dịch vụ cho khoảng 600 khách hàng đầu tiên với giá 250,000 USD/vé.
Liên doanh của Branson có thể va phải sự cạnh tranh từ Blue Origin của Jeff Bezos – vốn đang phát triển tên lửa tái sử dụng New Shepard cho các chuyến bay cận quỹ đạo. Tháng 10/2020, họ đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm thứ bảy từ Van Horn, Texas. Thứ ba là Space Exploration Technologies của Elon Musk. Hãng ký hợp đồng với Axiom Space, sẽ đưa 4 hành khách lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) năm nay.
Nhu cầu ảm đạm đối với máy bay thân rộng
Trong khi nhu cầu máy bay nhỏ gia tăng thì nhu cầu máy bay thân rộng hai lối đi lại từ Airbus SE và Boeing Co. đang rất ảm đạm, theo chuyên viên tư vấn hàng không Richard Aboulafia. Doanh số dòng máy bay này vốn đã giảm trước dịch và việc thị trường lại dư thừa một lượng phi cơ đã qua sử dụng sẽ kìm hãm nhu cầu trong nhiều năm tới.
Giữa lúc các chuyến bay đường dài bị tạm ngưng, các loại máy bay này hiện có triển vọng không mấy khả quan. Boeing đang cố gắng giữ đơn hàng cho 777-9 - dòng lớn nhất trên thị trường hiện tại. Các nhà phân tích cho rằng sẽ có thêm nhiều đợt cắt giảm sản xuất đối với mẫu thân rộng Boeing 787 và Airbus A350.
Sash Tusa của Agency Partners cũng cho rằng tốc độ sản xuất của A330 có thể giảm xuống còn một chiếc mỗi tháng. Mẫu này đang vật lộn để có đơn hàng dù đã có nhiều cải tiến. Rắc rối không nhỏ của họ là AirAsia X - khách hàng lớn nhất - đang gặp khó.
Giảm bớt tuyến bay không sinh lãi
Các hãng bay lớn giờ phải xoay sở trong những tuyến bay có quy mô nhỏ hơn khi cú bùng nổ của ngành hàng không đạt đỉnh trong năm 2019. Họ giờ phải bỏ đi một số tuyến bay không sinh lãi mới để giảm bớt lỗ. Ít chuyến bay hơn, máy bay nhỏ hơn và giảm kết nối với các thành phố lớn đang ảnh hưởng đến nền kinh tế của một số địa điểm phụ thuộc vào du lịch. John Grant của OAG cho rằng một số đường bay có thể dừng vô thời hạn.
Từ cuối tháng 3/2020, British Airways sẽ dừng khai thác vĩnh viễn 13 điểm đến đường dài trên khắp Bắc Mỹ, Trung Đông, Nam Phi và Châu Á. Cathay Pacific sẽ ngừng bay đến 7 địa điểm trên toàn cầu. Các thành phố như Manchester (Anh), rất dễ bị suy yếu khi đón ít chuyến bay hơn từ các thị trường quan trọng như Trung Quốc. Trong khi đó, các chuyến bay từ Bắc Kinh đến Lisbon, Barcelona và thậm chí là đến Madrid có thể bị các hãng xem xét lại.
Theo ông Grant, các hãng hàng không lớn ở Trung Đông như Emirates và Qatar Airways – những hãng phát triển mạnh về lượng hành khách trên toàn thế giới – không có khả năng lấp đầy khoảng trống. Vị chuyên gia này cho rằng họ đang phục vụ nhiều điểm đến nhất có thể, do giao thông kết nối rất khan hiếm.
Khởi tạo hãng bay mới
Dù việc tung ra một hãng hàng không vào giai đoạn suy thoái tệ nhất hiện nay có vẻ liều lĩnh, điều này vẫn có hợp lý ở một số khía cạnh. Nguồn tài trợ hiện khá rẻ, và đại dịch cũng tạo ra một lượng lớn máy bay “nằm đắp chiếu” – nhiều trong số này thuộc về các công ty cho thuê máy bay đang tìm kiếm các nhà khai thác mới.
Các hãng sản xuất máy bay cũng đang tìm kiếm khách hàng mới sau khi đơn đặt hàng bị hủy, nhất là chiếc 737 Max của Boeing. Các hãng bay thì đã cắt giảm hàng ngàn việc làm, đẩy ra thị trường một đội ngũ nhân lực giàu kinh nghiệm, trong khi mức nợ cao đã kìm hãm sự chống trả của họ.
Nằm trong những dự án hàng không đang được thực hiện, Cyrus Capital đặt mục tiêu hồi sinh Flybe (Anh) sau khi mua lại thương hiệu này. Hãng hàng không Aer Lingus mới thành lập đã giành được hợp đồng cung cấp các chuyến bay tại Ireland. Flyr (trụ sở ở Oslo) dự kiến ra mắt trong những tháng tới, muốn thu hút lưu lượng khách tại Na Uy. PT Lion Mentari Airlines thì được cho là đang lên kế hoạch khởi nghiệp ở Indonesia. Tại Bắc Mỹ, Flair Airlines (Canada) đặt mục tiêu mở rộng từ 3 máy bay lên 50 chiếc. Tại Miami (Mỹ), Global Crossing Airlines, còn gọi là GlobalX, có kế hoạch khai thác dịch vụ thuê chuyến đến Mỹ Latinh.
Đón nhận môi trường mới
Cũng giống như việc hành khách phải bỏ giày khi soi chiếu, giới hạn chất lỏng xách tay và kiểm tra an ninh nghiêm ngặt hơn sau vụ khủng bố 11/9, Covid-19 có thể khiến các sân bay duy trì quy định sử dụng khẩu trang, giãn cách xã hội và các ứng dụng ghi lại thông tin hành khách sau này.
"Khi chúng ta nhìn lại điều này sau 5 hoặc 10 năm, đại dịch chính là chất xúc tác cho nhiều thay đổi", John Strickland tại tư vấn hàng không JLS Consulting nhận định. Hành khách cũng có thể yêu cầu các hãng duy trì mức độ vệ sinh cao như hiện tại, qua đó có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Một thay đổi lớn khác là xét nghiệm Covid-19 trước khi lên máy bay. Các hãng bay đã cố gắng thúc đẩy thực hiện bước đi này trong nhiều tháng để khuyến khích đi lại, nhưng không mấy hiệu quả cho đến khi chủng virus mới xuất hiện ở Anh.
Pháp và các quốc gia châu Âu khác yêu cầu sàng lọc đối với tất cả hành khách Vương quốc Anh, trong khi các hãng hàng không bao gồm British Airways và Virgin Atlantic Airways Ltd. thực hiện kiểm tra bắt buộc đối với các chuyến bay đến. Ngoài ra, nhiều hãng hàng không đã loại bỏ phí thay đổi chuyến. Các cải tiến đối với quy trình lên máy bay và check-in cũng có khả năng trở thành vĩnh viễn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận