Tương lai “ngã tư quốc tế” Hong Kong bên bờ sụp đổ
Câu trả lời về số phận “ngã tư quốc tế” Hong Kong ra sao đã phần nào được định hình sau khi luật an ninh quốc gia mới đối với khu vực này chính thức có hiệu lực.
Đúng vào ngày kỷ niệm 23 năm Hong Kong được Anh bàn giao cho Trung Quốc (1/7/2020), người biểu tình Hong Kong hô khẩu hiệu và trưng biểu ngữ “Tự do cho Hong Kong và độc lập ngay bây giờ” nhằm chống lại luật an ninh quốc gia vừa có hiệu lực. Ảnh: AFP
Cây bút bình luận chính trị Ishaan Tharoor của tờ Washington Post ám chỉ việc Trung Quốc áp dụng luật an ninh quốc gia đã bóp nghẹt Hong Kong - nơi được xem như “thành phố toàn cầu”, là nơi giao thoa kinh tế - văn hóa thế giới.
“Thành phố toàn cầu” đi đến diệt vong ra sao? Câu hỏi này được Tharoor nêu ra và cắt nghĩa trong bài viết mới đây rằng: “Những trung tâm đô thị phồn vinh của thế giới thường là những cảng trung chuyển hàng hóa tràn ngập tàu hàng, là trung tâm giao thương và là nơi dòng vốn của các “đế chế” toàn cầu đổ về. Các 'thành phố toàn cầu' có thể sụp đổ một cách bi thảm hay lặng lẽ dưới búa rìu của kẻ xâm lược, bởi cuộc chính biến hay sự tàn phá của thiên tai và biến đổi khí hậu.
“Giờ đây chúng ta có thể chứng kiến một thành phố toàn cầu nổi tiếng (Hong Kong) sẽ trải qua sự sụp đổ như vậy, cảm giác mất mát có thể đột ngột hoặc kéo dài”, Tharoor bình luận.
Hong Kong nhiều thập kỷ qua mang danh trung tâm tài chính và kinh tế hàng đầu châu Á, nằm giữa mạng lưới thương mại và logistics của châu lục. Đây cũng là cửa ngõ quốc tế để tiếp cận thị trường Trung Quốc đại lục rộng lớn.
Người nước ngoài ví von Hong Kong như thể London của Anh hoặc New York của Mỹ, còn người dân Hong Kong được hưởng quyền tự do dân sự ở mức không thể tưởng tượng nếu đứng ở đại lục nhìn sang.
Thế nhưng, các quyền tự do đó dường như liên tục bị đe dọa kể từ khi Anh chuyển giao Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997. Chính quyền Hong Kong và Bắc Kinh đã có nhiều động thái mạnh và nhẹ khác nhau để ngăn chặn các quyền tự do đặc biệt của Hong Kong, nhưng điều này cũng châm ngòi cho làn sóng biểu tình chống chính quyền và bạo lực, khiến “thành phố toàn cầu” này bị tê liệt vào năm ngoái. Sau đó trong một động thái mạnh tay, Trung Quốc đã chặn làn sóng này.
Trung Quốc đã thực thi luật an ninh quốc gia mới Hong Kong vào lúc nửa đêm 30/6, chỉ vài giờ trước kỷ niệm 23 năm Hong Kong được Anh chuyển giao cho Trung Quốc (01/7/1997 - 01/7/2020). Việc Trung Quốc đưa luật trên vào thực thi được tờ Economist đánh giá là một trong những "cuộc tấn công" lớn nhất vào xã hội tự do kể từ Thế chiến thứ 2.
Dẫn lời phản ánh của các đồng nghiệp, cây bút Tharoor cho biết chỉ qua đêm (30/6), 7,5 triệu dân Hong Kong bị buộc tuân thủ quy định hạn chế phát ngôn giống như ở Trung Quốc đại lục. Theo luật an ninh quốc gia mới áp dụng, án tù cao nhất cho đối tượng bị kết tội lật đổ là chung thân - mức án tương tự dùng để trừng phạt những đối tượng phản chính trị và các nhà hoạt động nhân quyền ở Trung Quốc đại lục.
Người Hong Kong nghĩ ra nhiều cách sáng tạo để lên tiếng phản đối sau khi Bắc Kinh siết chặt Hong Kong bằng luật an ninh quốc gia mới và cảnh sát tiến hành bắt giữ những người trưng khẩu hiệu chính trị bị cấm. Trong ảnh: Các mảnh giấy được dán trên “Bức tường Lennon” trong một nhà hàng ủng hộ dân chủ tại Hong Kong hôm 3/7 nhằm phản đối luật an ninh quốc gia. Ảnh: AFP
Đối với nhiều nhà quan sát, luật an ninh quốc gia đánh dấu cái kết dứt khoát về thời đại của Hong Kong. Đây cũng là minh chứng mới nhất và mạnh mẽ nhất về gọng kìm mà chính quyền Bắc Kinh đang siết chặt để thu hẹp không gian “xã hội dân sự”. Ngoài chuyện đàn áp làn sóng phản kháng chính trị ở Hong Kong, Trung Quốc cũng bị cáo buộc dựng các trại giam giữ và ngược đãi người dân tộc thiểu số (Duy Ngô Nhĩ) tại khu tự trị Tân Cương.
“Hong Kong là thành phố lớn trên thế giới, không phải là khu vực xa xôi cận Tây như Tân Cương. Nhưng chính quyền Trung Quốc cho thấy quyết tâm rõ ràng đưa Hong Kong vào khuôn khổ”, tờ Financial Times bình luận.
Chính sách ‘một quốc gia, hai chế độ’ được áp dụng đối với Hong Kong từ năm 1997 và được hợp pháp theo các thỏa thuận quốc tế, dường như sắp đến hồi kết với cách mà Bắc Kinh xây dựng và áp dụng luật an ninh quốc gia đều không có sự tham gia ý kiến của chính quyền hoặc cơ quan lập pháp Hong Kong.
Dù luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong có hiệu lực đầu tuần, nhưng hàng ngàn người Hong Kong tuần này vẫn xuống đường trong một động thái đầy thách thức chính quyền. Đã có hàng trăm người Hong Kong bị bắt theo luật này. Điều đáng nói là phạm vi của luật an ninh quốc gia mới áp dụng đối với cả đối tượng vi phạm bên ngoài khu vực thuộc quyền tài phán của Trung Quốc.
Bóng tối trước mặt Hong Kong
Cây bút chính trị của Washington Post dẫn nội dung bình luận của Steve Tsang, một nhà sử học Hong Kong tại Trường Nghiên cứu Phương Đông và châu Phi (Anh) với tạp chí Atlantic rằng các sự việc diễn ra trong tuần này có thể xem như “phiên bản không đổ máu” của biến cố Thiên An Môn năm 1989.
Nhưng nay những người biểu tình Hong Kong lại giống như “chim hoàng yến trong mỏ than” phát ra những tiếng kêu than cuối cùng yếu ớt về khát vọng một xã hội dân chủ.
Thay vì mong đợi một đô thị phồn vinh cho Hong Kong, các nhà phân tích ám chỉ đến một tương lai tương tự như cuộc khủng hoảng Hungary năm 1956 hoặc cuộc cải cách Mùa xuân Praha năm 1968.
Nathan Law, một trong những nhà hoạt động dân chủ trẻ tuổi nổi tiếng nhất của Hong Kong, hôm 2/7 cho biết anh đã trốn ra nước ngoài để đáp trả việc Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong. Ngoài Law, dự kiến sẽ có hàng triệu người Hong Kong khác sẽ chọn cách ly hương. Ảnh: AFP
Giới chức Trung Quốc dường như không bị lay chuyển bởi những luồng chỉ trích và các biện pháp trừng phạt sắp tới của phương Tây. Phát biểu trước báo giới gần đây, ông Zhang Xiaoming, Giám đốc điều hành Văn phòng phụ trách vấn đề Hong Kong và Macao của Trung Quốc cho biết: “Thời đại mà Trung Quốc quan tâm đến những gì người khác nghĩ và ngước nhìn người khác đã là quá khứ và sẽ không bao giờ lặp lại”.
Trung Quốc dường như cũng không thấy phiền khi những dòng tin tức tuần này cho thấy chính quyền Australia, Mỹ, Anh và kể cả Đài Loan đang xem xét cấp tốc cho phép nhập cảnh đối với hàng triệu người tị nạn Hong Kong đang tìm cách ly hương. Cuộc di cư này có thể xảy ra đồng thời với sự biến mất của dòng vốn và doanh nghiệp phương Tây khỏi Hong Kong, đặc biệt khi Mỹ quyết định hủy bỏ mối quan hệ thương mại đặc biệt với Hong Kong như Tổng thống Donald Trump đã cam kết.
Sự sa sút của Hong Kong có thể cái giá phải trả cho Trung Quốc, dù Bắc Kinh có thể trông đợi vào hoạt động mại toàn toàn cầu và thu hút các nhà đầu tư đến các siêu đô thị lấp lánh như Thâm Quyến hay Thượng Hải. Việc người Hong Kong xuống đường tuần qua bất chấp luật an ninh quốc gia có hiệu lực, có thể vì lợi ích của nhóm người biểu tình cấp tiến - những người này dù thấy bất khả thi khi đối đầu với chính quyền Bắc Kinh nhưng vẫn muốn căng sức đấu. Tình thế này giống như tinh thần "nếu ông thiêu rụi chúng tôi, ông sẽ cùng cháy với chúng tôi" xuyên suốt bộ truyện "Đấu trường sinh tử".
"Các lựa chọn đặt ra (cho những người biểu tình Hong Kong) có thể là chết lặng lẽ vô danh, hoặc chết ngẩng cao đầu được thế giới biết đến, đồng thời có thể gây ra thiệt hại cho những người ‘khai tử’ Hong Kong”, GS kinh tế Ho-Fung Hung từ Đại học Johns Hopkins bình luận với mạng lưới thông tin kinh tế Quartz (Nhật Bản).
Còn trong cuốn sách "Vigil: Hong Kong on the Brink" (Hong Kong bên vực thẳm), tác giả Jeffrey Wasserstrom viết: “Người dân Hong Kong đã liên tục chứng tỏ khả năng thách thức các xung đột và tạo ra nét đẹp riêng ngay cả những lúc nghiệt ngã nhất”. Nhưng ông Wasserstrom cũng than thở về chủ nghĩa vô chính phủ ngày càng leo thang trong thời đại hiện nay.
“Trong tôi nỗi buồn tràn ngập”, Wasserstrom trải lòng và thấy khó có thứ gì khác ngoài bóng tối đang bủa vây Hong Kong.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận