Tương lai nào cho VN-Index
Thị trường tăng hay giảm trong vài tháng tới luôn là câu hỏi thú vị mà bao nhà đầu tư đau đáu đi tìm lời giải. Cá nhân người viết không chú trọng vào việc dự báo chỉ số VNIndex (VNI) nhưng đại khai sát giới dùng tới quả cầu thạch anh để xem thị trường chứng khoán sẽ như thế nào trong tương lai gần.
Có ba nhóm cổ phiếu gần như chi phối hoàn toàn tới thị trường là ngân hàng, bất động sản (BĐS) và nhóm Vingroup (VIC). Đầu tiên phải kể tới là nhóm VIC (bao gồm VIC, VHM, VRE…) chiếm 20-25% vốn hoá thị trường. Đa số nhóm VIC đều đang ở trạng thái tiêu cực trong ngắn hạn, xu thế trung hạn ổn định nhưng chưa có dấu hiệu gì cho thấy sẽ tích cực.
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu BĐS, sau giai đoạn tăng rất mạnh vài lần trong năm qua (có dấu hiệu đầu cơ ảo) thì lúc này nhóm BĐS rơi vào trạng thái tích lũy và có phần suy giảm để trở về cái gọi là giá trị thực. Sau vụ bắt chủ tịch Tân Hoàng Minh, siết cho vay BĐS, siết phát hành trái phiếu doanh nghiệp thì gần như chắc chắn nhóm BĐS sẽ không còn dư địa để đầu cơ làm giá tạo sóng…
Cuối cùng là nhóm cổ phiếu ngân hàng với tỉ trọng lên tới hơn 35% vốn hoá toàn thị trường luôn được coi là cổ phiếu vua bắt buộc phải có trong danh mục đầu tư. Nhóm ngân hàng đang bị ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách thắt chặt cho vay BĐS và phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Mặc dù sự tiêu cực chưa chắc đã lớn nhưng nó tác động rất nhiều tới tâm lý của nhà đầu tư.
Với thị trường chứng khoán, tâm lý đôi khi chi phối tới 70% trong việc ra quyết định mua bán. Cùng với đó là sự thái quá trong tâm lý, nghĩa là lạc quan thì vượt xa mọi giá trị thông thường nhưng khi bi quan thì cũng chả cần biết giá trị là cái gì, cứ bán trước rồi tính. Thành ra lúc này nhà đầu tư bi quan, tiêu cực với nhóm ngân hàng nên bán ra bất chấp định giá của nhóm này đang khá rẻ.
Tóm lại, ba nhóm cổ phiếu chủ chốt chiếm hơn 70% vốn hoá toàn thị trường đều ở trạng thái tiêu cực trong ngắn hạn, xu thế trung hạn bị đe dọa nghiêm trọng. Với tình hình như vậy thì chỉ số VNI rất khó để vượt lên trên 1.500 điểm, tích cực nhất đối với VNI trong lúc này là tích luỹ trong vùng 1.400-1.500. Nếu tình hình vĩ mô có diễn biến bất ngờ xấu thì con số 1.300 sẽ bị thử thách.
Thanh khoản ngày càng giảm minh chứng cho sự ảm đạm của thị trường. Sự hào hứng của nhà đầu tư đã giảm đi rất nhiều, sự sôi động như năm 2021 đã là quá khứ và có lẽ nhiều năm nữa may ra mới trở lại. Đặc biệt hơn cả là vụ chủ tịch FLC - anh Quyết còi được mời sang Ý thi đấu đã thay đổi hoàn toàn cuộc chơi làm giá, tạo sóng. Đa số các đội lái, làm giá đều nằm im thở khẽ hy vọng người tiếp theo xộ khám không phải là mình. Chiếu bạc bị phong ấn tạm thời.
Đó là những bề nổi rõ ràng ai cũng thấy, còn về bản chất vĩ mô tác động lớn tới thị trường thì thế nào. Đầu tiên là vấn đề lạm phát đang tăng rất mạnh không chỉ riêng tại Việt Nam mà nó xảy ra trên toàn thế giới. Lạm phát là kẻ thù của chứng khoán, nói một cách đơn giản là lạm phát tăng cao thì chứng khoán bị tác động theo chiều hướng xấu. Ảnh hưởng tiêu cực thế nào thì hạ hồi phân giải.
Lạm phát tăng cao bắt nguồn từ cuộc chiến Nga - Ukraine khiến giá dầu tăng cao kéo theo sự tăng giá của mọi mặt hàng. Về dài hạn lạm phát có thể dịu đi và trở về bình thường nhưng trong ngắn hạn lúc này thì mọi thứ vẫn là tiêu cực.
Kiểm soát lạm phát bằng cách thắt chặt tiền tệ hoặc nâng lãi suất… dù cách nào chăng nữa cũng là tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Và tất nhiên khi đó các công ty niêm yết trên sàn sẽ đối diện với khó khăn tiêu cực, mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận bị đe doạ, không dễ hoàn thành kế hoạch…
Nói một cách dễ hiểu, lạm phát tăng cao và thắt chặt tiền tệ luôn là điều thị trường chứng khoán không ưa thích. Vậy mà cả hai yếu tố trên hiện rõ như trăng rằm, thế nên thị trường bị tác động tiêu cực là điều dễ hiểu.
Cùng với đó, cuộc chiến chống lại phương Tây của Nga do Sa Hoàng Putin dẫn dắt chưa có hồi kết. Còn chiến tranh thì còn bất ổn tâm lý vì chẳng ai biết sự tác động lớn tới đâu, kéo dài bao lâu. Mà bất ổn là hai từ ngữ dân đầu tư chứng khoán vô cùng căm ghét, nó tạo ra sự khó chịu không thể phân tích, tính toán.
Cuộc chiến Nga - Ukraine không thể kéo dài mãi nhưng trong ngắn hạn thì chưa thể kết thúc ngay. Nhà đầu tư chỉ còn một lựa chọn duy nhất là sống chung với sự bất ổn, mọi dự báo đều có thể đảo ngược hoàn toàn chỉ sau một đêm.
Tựu trung lại, các yếu tố vĩ mô tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán trong ngắn hạn.
Cũng xin nói thêm, vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam gặp khó khăn ở mức vừa phải, không quá lớn và con hổ mới của Châu Á sẽ nhanh chóng vượt lên trên những thách thức này. Tất nhiên đó là triển vọng từ năm 2023 trở về sau, còn bây giờ cho tới mùa xuân vẫn là tiêu cực đôi chút.
Thành thực mà nói, từ đầu tới giờ chúng ta thấy rất nhiều chữ “tiêu cực, khó khăn”. Nhưng điều này chỉ nhằm xác nhận sự tích luỹ, củng cố của thị trường chứng khoán sau thời gian tăng mạnh. VNI sẽ không gãy đổ, không bán tháo để máu chảy thành sông. Chỉ đơn giản là giai đoạn dễ ăn đã qua, giờ là lúc dành cho dân chuyên nghiệp, người mới sẽ được trải nghiệm trò chơi đỉnh cao của chủ nghĩa tư bản mang tên “đầu tư chứng khoán”.
Cá nhân người viết đã rất lâu không quan tâm tới thị trường chung, không dùng chỉ số VNI để ra quyết định đầu tư. Bởi, bất cứ giai đoạn nào cũng có những cổ phiếu bứt phá vượt trội so với phần còn lại. Dù nền kinh tế khó khăn hay phát triển vẫn luôn có những doanh nghiệp bùng nổ trong kinh doanh để bước chân vào hàng ngũ huyền thoại. Luôn luôn có.
Đại dịch làm gián đoạn nguồn cung thúc đẩy giá thép tăng kỷ lục tạo ra cú nổ về lợi nhuận cho HPG, HSG, NKG… Chiến tranh Nga - Ukraine thúc đẩy giá phân bón lên trời đã mang lại lợi nhuận rất lớn cho DPM, DCM… Thị trường BĐS lên cơn sốt đất, những doanh nghiệp có quỹ đất lớn là đối tượng được hưởng lợi và cổ phiếu nhóm này bùng nổ là tất yếu, NVL, PDR, KDH, NLG…
Thế nên, nhiệm vụ của dân chuyên lúc này là tìm kiếm doanh nghiệp có thể tạo ra lợi nhuận đột biến trong thời gian tới, khi đó giá cổ phiếu của những doanh nghiệp này sẽ bùng nổ bất chấp thị trường chung ảm đạm hay khó khăn.
Kết luận đầu tư: chỉ số VNIndex khó khăn trong ngắn hạn, khả năng sẽ giao động trong vùng 1.400-1.500. Rất khó để vượt xa 1.500 nhưng cũng không dễ để về 1300.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận