Tương lai nào chờ đón Vinataxi?
Trong bối cảnh thua lỗ triền miên, lại vừa bị nhà đầu tư nước ngoài cắt lỗ. Tương lai nào sẽ chờ đón Vinataxi?
Nhà đầu tư sốt ruột…
Mới đây, công ty con của ComfortDelGro là ComfortDelGro SE Asia đã ký một thỏa thuận bán toàn bộ 70% cổ phần của mình tại Công ty TNHH Taxi Việt Nam (Vinataxi) cho Helios Service and Investment, theo hồ sơ gửi SGX hôm thứ Ba.
Nhà đầu tư Singapore, ComfortDelGro, đã thoái 70% cổ phần tại Vinataxi.
Hồ sơ cho biết, con số được cân nhắc cho thương vụ là 55 tỷ đồng Việt Nam, tương đương khoảng 3,26 triệu đô la Singapore, sau khi xem xét giá trị sổ sách và giá trị tài sản hữu hình ròng của Vinataxi.
Trên thực tế, theo báo cáo thường niên của ComfortDelGro cho năm 2020, ngày 26 tháng 3 năm 2021, đã cho biết công ty có khả năng sẽ sớm rời khỏi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
“Ngành taxi tại Việt Nam nói chung và ở TP.HCM nói riêng đang hoạt động kém hiệu quả, đơn giản là vì tình trạng cung vượt quá cầu. Cùng với đó là xe cho thuê tư nhân đang tràn ngập thị trường, số lượng xe đã tăng gấp 4 lần trong vòng 5 năm qua”, ComfortDelGro cho biết trong báo cáo thường niên.
Thời điểm này, Vinataxi có quy mô đội xe hoạt động là 163 chiếc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng, tình hình hoạt động của họ đã liên tục đi xuống kể từ năm 2016.
Năm 2016, doanh thu của Vinataxi đạt 76,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 4,4% so với năm trước, lãi 12,3 tỷ đồng. Cho đến năm 2017, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Vinataxi đã bắt đầu lao dốc với mức giảm 29% và 90%, lần lượt chỉ còn là 54 tỷ đồng doanh thu và 1,22 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của Vinataxi đã rơi vào tình trạng báo động đỏ trong năm 2018 khi doanh thu tiếp tục giảm xuống còn 46,2 tỷ đồng và báo lỗ sau thuế hơn 4 tỷ đồng. Đây cũng là là thời điểm mà Tracodi, CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải, một cổ đông sáng lập của Vinataxi bắt đầu thông qua chủ trương thoái vốn.
Giờ đây, theo báo cáo từ ComfortDelGro cho thấy, trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay, doanh thu từ Vinataxi đã giảm xuống 500.000 đô la Singapore từ mức 700.000 đô la Singapore trong cùng kỳ năm ngoái. Và nếu so với doanh thu 7,6 triệu đô la Singapore vào năm 2016 đang cho thấy mức giảm khủng khiếp của Vinataxi trong thời điểm hiện nay.
Chính vì vậy, có vẻ như nhà đầu tư của Singapore đã cảm thấy sốt ruột, họ quyết định thoái hết toàn bộ cổ phần tại Vinataxi để “cắt lỗ” trong bối cảnh kinh doanh khó khăn và cơ hội tăng trưởng hạn chế.
Khó khăn chờ đón Vinataxi
Là một trong những thương hiệu đầu tiên khai phá thị trường tại Việt Nam vào năm 1992. Vinataxi được coi là người tiên phong, người tạo ra sân chơi trong dịch vụ vận chuyển hành khách bằng dịch vụ taxi tại Việt Nam.
Vinataxi là một thương hiệu tiên phong trên thị trường taxi của Việt Nam.
Thời điểm đó, Vinataxi là cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực vận tải công cộng tại TP. HCM. Họ đầu tư hàng trăm đầu xe và có mức độ bao phủ thị trường rộng khắp tại đây.
Đặc biệt, vào năm 2003, Vinataxi có được sự hậu thuẫn của một cổ đông lớn, đó chính là Tập đoàn ComfortDelgro, một doanh nghiệp hàng đầu trong ngành taxi tại thị trường Singapore.
Tại Singapore, ComfortDelgro là một “ông lớn” trong ngành taxi, cung cấp từ dịch vụ xe buýt, vận tải đường sắt, taxi, dịch vụ sửa chữa, trạm xăng… Vốn hoá thị trường của công ty này hiện đạt mức trên 3 tỷ USD. Họ đã vươn cánh tay rất dài ra thị trường quốc tế, hoạt động khá hiệu quả tại thị trường Trung Quốc, Anh, Ireland, Úc và Malaysia…
Khi đó, tập đoàn này đã bỏ ra 1,5 triệu USD, một số tiền khá lớn vào thời điểm đó để hợp tác với Tracodi, CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải, một doanh nghiệp nhà nước, để xây dựng nên thương hiệu Vinataxi.
Tại Singapore, ComfortDelgro là một “ông lớn” trong ngành taxi.
Tuy nhiên, cũng chính bởi sức hấp dẫn của thị trường taxi với mức độ tăng trưởng liên tục đã thu hút nhiều người chơi mới. Hai tên tuổi mới là Mai Linh và Vinasun đã tham gia vào cuộc chơi. Họ liên tục đầu tư vào chất lượng dịch vụ và mô hình hóa giá trị hoạt động tương tự Vinataxi. Và đặc biệt, các doanh nghiệp này lại gia tăng rất nhanh số đầu xe để chiếm lĩnh thị trường.
Sau đó, Vinataxi dần cho thấy dấu hiệu hụt hơi và đánh mất thị phần vào tay của những hãng taxi đến sau như Mai Linh và Vinasun.
Cho đến gần đây, TP HCM, nơi Vinataxi hoạt động, là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19, với số lượt đi taxi giảm hơn 50% trong khoảng thời gian phong tỏa. Điều này đã khiến Vinataxi bắt buộc phải giảm giá và tạm ngừng hoạt động trong thời gian đó.
Chưa hết, lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi thời điểm này cũng đang có sự cạnh tranh gay gắt hơn bao giờ hết, khi ngoài các đối thủ taxi truyền thống, Vinataxi còn phải đối đầu với loại hình kinh doanh taxi công nghệ như Grab. Bên cạnh đó, họ còn gặp phải những khó khăn và biến động về tài xế, khiến cho mọi thứ đã “khó lại chồng khó”.
Và giờ đây, với việc nhà đầu tư nước ngoài thoái vốn, có vẻ như một tương lai ảm đạm đang chờ đón Vinataxi…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận