Tương lai cuộc chiến thương mại EU-Mỹ
Hội đồng châu Âu đã bỏ phiếu để nối lại các cuộc đàm phán thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) với Mỹ để tìm kiếm một hiệp định thương mại tự do mới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN
Liên minh châu Âu (EU) ngày 15/4 nhất trí khởi động các cuộc đàm phán thương mại chính thức với Mỹ sau nhiều tháng trì hoãn do sự phản đối của Pháp. Tại cuộc họp của Ủy ban châu Âu (EC) ở Brussels (Bỉ), các nước thành viên EU đã bỏ phiếu với tỷ lệ đa số thông qua đề xuất tiến hành đàm phán thương mại với Mỹ do EC khởi xướng. Trong khi đó, Pháp bỏ phiếu chống và Bỉ bỏ phiếu trắng.
EC, cơ quan điều phối chính sách thương mại của EU, muốn bắt đầu đàm phán thương mại theo hai lộ trình, một mặt cắt giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa công nghiệp, mặt khác nới lỏng các quy định cho phép hàng hóa của các công ty tại hai bên đáp ứng các tiêu chuẩn của EU hoặc Mỹ.
Bài viết trên báo La Libre của Bỉ đặt ra các câu hỏi trong bối cảnh chính trị và kinh tế nào sẽ diễn ra các cuộc thảo luận thương mại này? Những được mất của hiệp định tương lai là gì? Hai bên muốn đưa vào hiệp định những lĩnh vực nào? Liệu EU có tìm mọi cách để tránh một cuộc chiến thương mại với Mỹ và họ sẽ đạt được điều đó?
Ủy viên EU phụ trách thương mại Cecilia Malmström cho biết các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ của các nước EU đã trao cho Ủy ban châu Âu (EC) hai nhiệm vụ.
Đó là cuộc đàm phán sẽ tập trung hoàn toàn vào việc loại bỏ thuế quan đối với hàng hóa (bao gồm cả các sản phẩm đánh bắt thủy sản) và đánh giá sự phù hợp của các sản phẩm công nghiệp xuất khẩu, với mục đích giảm các thủ tục tốn kém và mất thời gian cho doanh nghiệp.
Ngoài khuôn khổ này, Ủy ban không đàm phán bất cứ điều gì khác. Các thông số đã được xác định rất rõ ràng trong tuyên bố chung.
Vấn đề là người Mỹ muốn đưa các sản phẩm nông nghiệp vào hiệp định trong tương lai vì họ muốn tăng doanh số bán đậu tương cho châu Âu. Nhưng nông nghiệp là "ranh giới đỏ" của người châu Âu, như bà Malmström đã nhắc nhở. Châu Âu cũng bỏ qua các hạng mục khác như dịch vụ và mua sắm công.
Hiện chưa có thời gian cụ thể cho việc bắt đầu các cuộc đàm phán. Ủy viên thương mại EU Malmström cho biết quá trình này bắt đầu càng sớm càng tốt và hy vọng đạt được thỏa thuận trước khi kết thúc nhiệm kỳ của EC vào ngày 31/10.
Rất rõ ràng, hiệp định mới là để kết thúc cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng với việc áp dụng thuế thép và nhôm, tiếp theo là loạt trả đũa của châu Âu đối với nhiều sản phẩm của Mỹ.
Mục tiêu của EU là bãi bỏ các sắc thuế đánh lên các sản phẩm thép và nhôm của họ. Hội đồng châu Âu xác định nếu các khoản áp thuế này không được loại bỏ khi kết thúc đàm phán thì hiệp định sẽ không được ký kết.
Theo EC, một hiệp định thương mại tự do về sản phẩm hàng công nghiệp sẽ kéo theo tăng trưởng thương mại giữa hai thực thể thêm 53 tỷ euro vào năm 2033 (tức là thêm 10%), cũng như tăng 8% xuất khẩu các mặt hàng này của châu Âu sang Mỹ. Khoảng 4,7 triệu việc làm tại EU liên quan tới các mặt hàng xuất khẩu có liên quan.
Pháp phản đối việc mở lại các cuộc đàm phán. Đây là quốc gia thành viên duy nhất bỏ phiếu chống. Tổng thống Emmanuel Macron nhắc lại nhiều lần rằng ông không muốn châu Âu tiến hành các cuộc đàm phán thương mại với chính quyền Tổng thống Trump và ông không muốn có một thỏa thuận thương mại tự do mới với Mỹ.
Ông lập luận Washington đã rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và một hiệp định thương mại sẽ là con đường để "hồi sinh" Hiệp định thương mại tự do EU-Mỹ (TTIP) đã bị hủy bỏ.
Bên cạnh đó, Tổng thống Pháp cũng nói về một cuộc cạnh tranh không lành mạnh mà nông dân và các công ty của EU phải đối phó với phía Mỹ. Ngoài ra không thể coi thường bối cảnh chính trị, với việc các cuộc bầu cử ở châu Âu đang tới gần và phong trào "Áo vàng" đang gây áp lực lên Chính phủ Pháp.
Bối cảnh chính trị và kinh tế cũng tạo ra các mối đe dọa và căng thẳng. Đối mặt với EU, có Tổng thống Mỹ Trump - một người đối thoại khó đoán định. Mới đây, ông Trump một lần nữa phàn nàn trên Twitter về cách EU đối xử "không công bằng" trong thương mại đối với Mỹ.
Tổng thống Mỹ muốn tái cân bằng thương mại giữa hai bên (thâm hụt đang nghiêng về phía Mỹ) bằng cách ký kết thỏa thuận thương mại tự do rộng lớn để vực dậy ngành công nghiệp Mỹ, hỗ trợ nông dân và bán tối đa các sản phẩm sang bên kia bờ Đại Tây Dương.
Ông Trump vẫn đe dọa đánh thuế 25% lên ô tô của châu Âu nhập vào Mỹ và sẽ không ngần ngại sử dụng vũ khí này trong các cuộc thảo luận trong tương lai. Phải đến giữa tháng Năm, Tổng thống Mỹ mới quyết định có ban hành hay không các sắc thuế này, với lý do tránh mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Việc áp thuế ô tô nhập khẩu từ châu Âu thực ra là nhắm đến Đức khi năm 2017 nước này xuất khẩu gần 500.000 xe sang Mỹ, chiếm gần 45% xuất khẩu ô tô của châu Âu vào thị trường này. Do đó, không nghi ngờ rằng Đức sẽ làm bất cứ điều gì để loại bỏ bóng ma tăng thuế nhập khẩu ô tô. Điều này sẽ làm thiệt hại 9 tỷ euro Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của EU, trong đó là 5 tỷ euro GDP của Đức.
EU đã cảnh báo rằng họ sẽ trả đũa nếu ông Trump thực hiện lời đe dọa của mình, với danh sách thuế nhập khẩu áp lên các sản phẩm của Mỹ trị giá 20 tỷ euro (như ô tô, than, hóa chất...).
Mỹ cũng lớn tiếng đe dọa châu Âu trong vấn đề liên quan tới cuộc cạnh tranh giữa Airbus và Boeing. Tổng thống Trump cáo buộc châu Âu trợ cấp cho Airbus trong khi EU cũng lên án Mỹ làm điều tương tự với Boeing.
Vụ kiện về vấn đề trên đã được trình lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ lâu. Nếu tranh chấp không được giải quyết nhanh chóng, Bộ Thương mại Mỹ đã nhắm đến việc áp thuế nhiều sản phẩm của châu Âu như dầu ô liu, rượu vang, phô mai hay cá.../.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận