Tương lai của Việt Nam là kinh tế số bởi....
Tình cờ đọc được trên 1 stt câu này: “Chính Sky Mavis, Trung Nguyễn và các công ty, các bạn trẻ trong lĩnh vực AI, IOT, Blockchian, Crypto đã khẳng định một điều rằng “tương lai của Việt Nam là kinh tế số”.
Tôi nghĩ, chúng ta nên phải suy nghĩ lại. Việc định giá những công ty này là một trò chơi của giới tài chính toàn cầu. Họ coi đây như là những “bể lưu trữ giá trị tạm thời” để cho những trò chơi đầu tư tài chính của họ. Những công ty này được định giá hoàn toàn không dựa trên một “bản vị” hay nền tảng pháp lý nào cả. Nó cũng giống như các SPAC chẳng hạn.
Việc định giá này cho phép các nhà đầu tư tài chính có một cơ sở “bơm giá trị” trong các lưu chuyển tài chính của họ để thu hút các nhà đầu tư “bị ăn thịt” tham gia vào các thị trường tài chính. Khi đã đủ no nê và đến lúc “chén thịt”, những giá trị này hoàn toàn có thể chẳng còn chút giá trị nào cả.
Những công ty này đều tồn tại và phát triển dựa trên cái gọi là “giá trị mặc định” là một thứ giá trị căn bản của nền kinh tế số. Tuy nhiên, điều ít người hiểu được rằng, những công ty kiểu như thế này, chỉ đóng vai trò ở “ngọn” của nền kinh tế số, tức là những cái “bong bóng” để bơm thổi các giá trị mặc định mà thôi. Về bản chất, các công ty này đều không thực sự có “nền tảng kinh tế” nào cả để để duy trì vị thế tồn tại bền vững của nó. Việc tiến tới một nền kinh tế số, dựa trên việc gia tăng giá trị bởi các “giá trị mặc định” cũng đồng nghĩa chúng ta phải hiểu sâu hơn về nền tài chính toàn cầu. Những con số này nghe rất thích thú, quyến rũ và hoành tráng, nó cũng sẽ làm cho một số ai đó trở nên giàu có, tất nhiên là con số “tỷ USD” chỉ là ảo thôi và thậm chí những người đang sở hữu những công ty này về mặt danh nghĩa cũng chẳng thể có đến “tỷ USD” đâu. Ví dụ như Sky Mavis chỉ huy động được 152 triệu USD và được định giá là 3 tỷ USD, thì ngay đến con sốn 152 triệu USD đó cũng là số tiền để tiếp tục “nuôi” cái “bể lưu trữ giá trị” này tiếp mà thôi, còn con số 3 tỷ USD kia chỉ là “mặc định”.
Tôi không phản đối việc phát triển những công ty như thế này, vì về bản chất, nó là một thành phần thiết yếu cho việc tạo dựng “giá trị mặc định” trong kinh tế số. Nhưng lấy đó để khẳng định tương lai Việt Nam là kinh tế số thì lại là một sự thiếu hiểu biết trầm trọng. Để có được những giá trị mặc định đó, còn cần những nền tảng giá trị hữu hình và giá trị vô hình. Đây mới chính là cái gốc cho phép mọi sự “bơm thổi” của giá trị mặc định. Nôm na có thể hiểu qua việc diễn giải một món hàng xa xỉ 100 đồng: giá trị hữu hình 5 đồng + giá trị vô hình (thương hiệu) 25 đồng + giá trị mặc định 70 đồng. Nhìn qua công thức này, bạn có thể hiểu được bản chất của vấn đề rồi chứ? Thị trường tài chính, đặc biệt trong một thế giới “thừa tiền” như hiện nay, rất cần những cái “bể lưu trữ giá trị” để lưu trữ các “giá trị mặc định” này làm “kho chứa tiền” cho những dòng tiền vô cùng lớn, lên đến hàng trăm nghìn tỷ USD không có nơi “trú chân”.
Chính vì bản chất của vấn đề này, Trung Quốc đã và đang rất tích cực kiểm soát phần “giá trị mặc định” trong các công ty công nghệ và các công ty đại chúng niêm yết trên các sàn chứng khoán quốc tế hoặc huy động vốn qua các kênh tài chính quốc tế. Bởi nó làm phình to giá trị của các công ty Trung Quốc một cách quá mức so với “giá trị thực” của chúng, nhưng thực tế lại không làm cho nền kinh tế Trung Quốc trở nên phát triển thực sự, mà ngược lại, bị thao túng bởi các giá trị mặc định này, các “bong bóng” này sẽ chèn ép sự phát triển thực sự của các công ty không tham gia vào cuộc chơi “thổi bong bóng”. Điều đó sẽ tạo ra rủi ro lớn cho nền kinh tế khi “nền kinh tế thực” bị thao túng bởi “nền kinh tế ảo”.
Việt Nam chúng ta đang phát triển lệch, năng lực phát triển nội sinh rất yếu ớt, sự tăng trưởng kinh tế hiện tại phụ thuộc chủ yếu vào FDI, và những canh bạc đầu tư bất động sản, chứng khoán. Thậm chí chúng ta có thể thấy những vụ đánh bạc trực tuyến bị bắt với số tiền đánh bạc rất lớn, lên đến hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ VND. Tất nhiên đây vẫn chỉ là con số bề nổi nhỏ bé của những “canh bạc” mà người Việt Nam đang tham gia vào.
Việc khuyến khích sản xuất thực sự, đầu tư cho những hoạt động kinh tế mang tính căn bản cho sự phát triển nội sinh của nền kinh tế cần phải được khuyến khích, thay vì khuyến khích người dân tiếp tục lao vào những canh bạc, đầu tư vào “nền kinh tế ảo” vốn không thuộc “chủ quyền” của chúng ta. Lớp trẻ cần phải có sự hiểu biết hơn để phát triển thực sự, xây dựng đất nước thực sự, chứ không phải trở thành những “bong bóng” cho kẻ khác thao túng. Tôi hoàn toàn cho rằng may mắn khi các công ty này “gọi là Việt Nam” nhưng phải tạm trú tại Singapore lúc này mới huy động được vốn, đó là một điều tốt. Bởi vì, hơn lúc nào hết, Việt Nam cần phải tỉnh táo để xây dựng ngôi nhà của mình “có nền móng” và “đi trên đôi chân thực sự của mình”.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận