menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quỳnh Vũ

Tương lai của ngành may mặc Myanmar nguy ngập

Cuộc đảo chính tước đoạt quyền lực của chính phủ dân sự ở Myanmar đang phủ bóng đen lên tương lai của ngành may mặc của Myanmar. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) xem xét trừng phạt kinh tế đối với quốc gia Đông Nam Á này đồng thời các thương hiệu thời trang nước ngoài có thể cân nhắc lại các đơn hàng gia công ở Myanmar trong tương lai.

Khốn đốn vì Covid-19 chưa xong, đảo chính ập đến

Hôm 13-2, tức hơn 10 ngày sau khi phe quân đội bắt giữ các lãnh đạo chính phủ Myanmar bao gồm Chủ tịch đảng cầm quyền Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) kiêm Cố vấn nhà nước, Aung San Suu Kyi, các cuộc biểu tình phản đối đảo chính vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi bao gồm TP. Yangon.

Các chuyên gia cho rằng cuộc đảo chính có thể gây ra những hậu quả nặng nề cho ngành công nghiệp dệt may và giày dép trị giá 6 tỉ đô la Mỹ mỗi năm của Myanmar, đe dọa nguồn tạo việc làm quan trọng trong một lĩnh vực vốn đã lao đao vì tác động của đại dịch Covid-19.

“Cuộc đảo chính ở Myanmar cực kỳ đáng lo ngại. Trong ngắn hạn, các thành viên của chúng tôi sẽ tập trung các nỗ lực bảo đảm an toàn cho công nhân ở Myanmar và thực hiện các giao ước đối với với họ. Về trung và dài hạn, cuộc đảo chính này sẽ buộc chúng tôi phải tái đánh giá tư cách đối tác gia công đáng tin cậy của Myanmar”, Nate Herman, Phó Chủ tịch cao cấp phụ trách chính sách ở Hiệp hội May mặc và giày dép Mỹ (AAFA), nói.

Ngành may mặc ở Myanmar tăng trưởng bùng nổ trong thập kỷ qua khi đất nước này quay trở lại chế độ cai quản bán dân sự, giúp thu hút dòng tiền đầu tư nước ngoài.

Được Ngân hàng Thế giới xem là ‘cỗ máy quan trọng để giảm nghèo’, ngành dệt may đóng góp hơn 30% giá trị kim ngạch xuất khẩu của Myanmar trong năm 2019, tăng so với tỷ lệ 7% trong năm 2011, theo số liệu của Liên Hợp Quốc.

Ngành công nghiệp này cũng tạo ra các việc làm chính thức nhanh hơn các ngành khác trong nền kinh tế Myanmar, theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

“Ngành may mặc và giày dép từng là một trong những điểm sáng của Myanmar trong thập kỷ qua. Đó là một trong những động lực lớn nhất của chuyển đổi cấu trúc kinh tế của nước này, thúc đẩy sự dịch chuyển lao động từ ngành nông nghiệp năng suất thấp sang các ngành có năng suất cao hơn”, nhà kinh tế Jared Bissinger, người cố vấn cho ILO ở Myanmar, nói.

Trước đại dịch Covid-19, có hơn 700.000 người, phần lớn là phụ nữ, làm việc ở gần 700 nhà máy may mặc ở Myanmar, theo Smart Myanmar, một tổ chức phi chính phủ thúc đẩy các thực hành bền vững trong ngành dệt may Myanmar.

Con số đó đã giảm hàng chục ngàn người khi các nhà máy phải đóng cửa do cơn suy thoái kinh tế toàn cầu trong thời kỳ dịch bệnh. Giờ đây, cuộc đảo chính tạo thêm nguồn bất ổn mới cho ngành dệt may Myanmar.

Trước các lời kêu tổng đình công, hàng ngàn công nhân dệt may Myanmar ở các thành phố lớn đã tham gia các cuộc biểu tình phản đối vụ đảo chính. Andrew Tillett-Saks, một trong những người tổ chức biểu tình, cho biết các công đoàn lao động ngành dệt may đóng vai trò dẫn đầu trong nỗ lực vận động biểu tình.

“Cảnh tượng các công nhân, phần lớn là những nữ công nhân dệt may trẻ tuổi, tham gia biểu tình dường như đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho công chúng xúc, làm tan biến phần nào nỗi sợ và châm ngòi cho các cuộc biểu tình và tổng đình công lớn mà chúng ta đang chứng kiến”, Tillett-Saks nói.

Tương lai của ngành may mặc Myanmar nguy ngập
Người dân xuống đường ở TP Yangon, Myanmar trong một cuộc biểu tình phản đối đảo chính và kêu gọi trả tự do cho Cố vấn nhà nước Myanmar, Aung San Suu Kyi. Ảnh: AP

Chuyển sang trạng thái ‘quan sát và chờ đợi’

Khi tình hình bất ổn ở Myanmar vẫn khó lường, nhiều thương hiệu thời trang cho biết còn quá sớm để thảo luận các kế hoạch hành động khẩn cấp. Họ đang đối mặt tình thế bế tắc. Nếu tiếp tục thuê gia công ở Myanmar dưới thời kỳ cai quản quân sự, họ sẽ đối mặt với các rủi ro. Nếu dứt hẳn các mối quan hệ kinh doanh với các nhà máy may mặc ở Myanmar, công nhân ở nước này sẽ chịu tổn thương.

Đại diện của thương hiệu Marks & Spencer (Anh) cho biết đang giám sát chặt chẽ các diễn biến ở Myanmar. Hãng thời trang H&M (Thụy Điển) nói rằng sẽ hạn chế đưa ra bất cứ quyết định tức thì nào vê sự hiện hiện của hãng này ở Myanmar

Thông báo của H&M, nhấn mạnh sẽ tham vấn và đối thoại với các cơ quan Liên Hợp Quốc, tổ chức nhân đạo, đại diện ngoại giao, chuyên gia nhân quyền và các công ty đa quốc gia khác để định hướng cho bất kỳ quyết định nào liên quan đến hoạt động ở Myanmar trong tương lai.

Một nhà quan sát ở Yangon nhận định các công ty thời trang đang trạng thái ‘quan sát và chờ đợi’ nhưng có khả năng sẽ xem xét lại bất cứ kế hoạch mở rộng sự hiện diện nào ở Myanmar.

Sheng Lu, một giáo sư nghiên cứu ngành may mặc và thời trang ở Đại học Delaware (Mỹ), cũng đồng tình với nhận định này. Ông cho rằng các thương hiệu thời trang đáng giá cao Myanmar vì nước này có lực lượng lao động giá rẻ, được xuất khẩu miễn thuế hàng dệt may sang các thị trường lớn.

Ông nhận định nếu phương Tây hủy bỏ chính sách ưu đãi thuế hàng may mặc của Myanmar nhằm gây sức ép buộc phe quân đội Myanmar sớm phục hồi tiến trình dân chủ, điều này có gây ra tác động tàn phá đối với ngành dệt may Myanmar. Sheng Lu nói: “Bất ổn chính trị ở Myanmar sẽ gây tổn thương cho sức hấp dẫn của Myanmar với tư cách là một trung tâm gia công hàng may mặc”.

Nhu cầu của EU đóng vai trò quan trọng cho cơn bùng nổ của ngành công nghiệp dệt may Myanmar. Khu vực này mua hơn 50% giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Myanmar theo chương trình ưu đãi thuế quan (miễn thuế) của EU, có tên gọi Everything But Arms (EBA- Mọi thứ trừ vũ khí).

Chương trình EBA quy định rằng những nước được ưu đãi thuế khi xuất khẩu hàng hóa sang EU phải tuân thủ các công ước về nhân quyền. EU bổ sung Myanmar vào EBA từ năm 2013 nhưng vẫn đang trong diện bị giám sát nâng cao về việc tuân thủ các quy định của chương trình EBA.

Quy trình ra quyết định thu hồi EBA do các vi phạm là mất rất nhiều thời gian nhưng không phải là chưa có tiền lệ. Năm ngoái, Brussels đã tạm dừng một phần các ưu đãi thuế của chương trình EBA dành cho hàng may mặc của Campuchia để trừng phạt ‘các vi phạm nhân quyền’ và quyền lợi người lao động ở nước này.

Peter Kucik, chuyên gia nghiên cứu các biện pháp trừng phạt kinh tế ở hãng luật Ferrari & Associates, cho rằng ngành công nghiệp may mặc Myanmar sẽ là ‘sự cân nhắc quan trọng’ đối với các nhà hoạch định chính sách phương Tây khi họ thẩm định các hành động trừng phạt quân đội Myanmar.

Kucik nhận định trong khi bất cứ biện pháp trừng phạt náo sẽ gây ra các tác động đối với nền kinh tế Myanmar, cách tiếp cận của Mỹ lần này sẽ mang tính hạn chế hơn là các công cụ trừng phạt không chút khoan nhượng mà Mỹ áp đặt với Myanmar hồi thập niên 1990.

Ông nói: “Các biện pháp trừng phạt sẽ được cân nhắc rất kỹ để hạn chế tác động đến người dân Myanmar”.
Ông cho rằng các biện pháp trừng phạt phức tạp hơn, chẳng hạn bãi bỏ các ưu đãi thương mại có thể sẽ được phương Tây bảo lưu để gia tăng sức ép trong quá trình đối thoại với quân đội Myanmar.

Hôm 10-2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh yêu cầu triển khai các biện pháp trừng phạt mới đối với những người lãnh đạo quân sự đằng sau cuộc đảo chính ở Myanmar. Sắc lệnh cũng cho biết Mỹ sẽ áp đặt các hạn chế xuất khẩu mạnh mẽ hơn đối với Myanmar.

Một ngày sau đó, Bộ Tài chính Mỹ cho biết đã phong tỏa tài sản tại Mỹ cũa 10 lãnh đạo quân đội cao cấp đã về hưu và đang đương chức của Myanmar vì cho rằng những người này đóng vai trò dẫn dầu trong cuộc lật đổ chính phủ dân sự ở Myanmar.

Theo Nikkei Asian Review

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại