Tung đòn thuế mới, Tổng thống Trump muốn gây sức ép tối đa với Trung Quốc
Quyết áp thuế 10% với 300 tỉ đô la Mỹ hàng hóa Trung Quốc cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump đang muốn gây sức ép tối đa với Trung Quốc để buộc nước này phải sớm đưa ra các nhượng bộ lớn trong vòng đàm phán thương mại tiếp theo.
Có thể chỉ có Tổng thống Trump và các cố vấn thân cận của ông mới thực sự biết lý do đằng sau thông báo áp thuế mới gây bất ngờ đưa ra hôm 1-8 nhưng giới phân tích suy đoán có thể ông Trump đang muốn gây sức ép tối đa lên Trung Quốc để sớm đạt được thỏa thuận thương mại trong tương lai gần.
Giới phân tích cho rằng vòng áp thuế mới mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ chính thức triển khai vào ngày 1-9 tới không phải chỉ vì Mỹ muốn thúc ép Trung Quốc tăng mua hàng hóa nông sản Mỹ mà còn là một nỗ lực nhằm ép Trung Quốc đưa ra nhiều nhượng bộ lớn hơn nữa trên bàn đàm phán.
“Tôi nghĩ rằng ông ấy (Trump) đang gia tăng sức ép với Trung Quốc để đạt được một thỏa thuận tốt. Như chúng ta biết, thuế là công cụ quyền lực của ông ấy. Ông Trump cũng muốn chứng tỏ rằng ông cứng rắn như thế nào (với Trung Quốc), một điều rất được cử tri của ông ủng hộ”, Orit Frenkel, giám đốc điều hành Sáng kiến Lãnh đạo Mỹ, một tổ chức tư vấn ở Washington, nói.
Frenkel cho rằng vẫn không chắc chắn Tổng thống Trump sẽ thực hiện vòng áp thuế mới vì trước đây, ông ấy từng đe dọa áp thuế và rồi sau đó hoãn và rút lại giống như ông đã làm với Mexico để đạt được mục tiêu buộc nước này phải siết chặt ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp từ Mexico sang Mỹ.
Frenkel nhận định thách thức cơ bản đối với Trump là ông ấy yêu cầu Trung Quốc đưa ra một số nhượng bộ mà nước này không thể chấp nhận, chẳng hạn loại bỏ các chương trình trợ cấp dành cho các công ty nhà nước.
Benjamin Kostrzewa, luật sư thương mại ở hãng luật Hogan Lovells, nhận định leo thang áp thuế là bằng chứng mới nhất cho thấy Mỹ đang nhận ra rằng các cuộc đàm phán sẽ không đạt được kết quả cuối cùng nhanh chóng.
Sau khi Trung Quốc từ chối cung cấp các nhượng bộ mà các nhà đàm phán Mỹ đòi hỏi liên quan đến chính sách công nghiệp, tăng mua nông sản Mỹ, cải cách chính sách bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ thì chẳng mấy ngạc nhiên trước việc chính quyền Tổng thống Donald Trump gia tăng áp thuế để gây sức ép hơn nữa đối với Trung Quốc.
Các kỳ vọng về một thỏa thuận thương mại bền vững giữa hai nền kinh tế thế giới đang rất thấp trong khi đó, Mỹ muốn đạt được các tiến triển thực sự trước vòng đàm phán thương mại tiếp theo giữa quan chức hai nước ở Washington vào tháng 9 tới. Bằng cách tuyên bố kế hoạch áp thuế mới, Mỹ sẽ đặt Trung Quốc vào các sự lựa chọn khó khăn: chấp nhận nhượng bộ hoặc trả đũa, hoặc rút khỏi tiến trình đàm phán.
Một phương án lựa chọn của Trung Quốc là nhượng bộ ông Trump bằng cách tăng mua nông sản Mỹ và nhất trí với một phần của phiên bản dự thảo thương mại đã bị Trung Quốc bác bỏ hồi đầu tháng 5 để giúp duy trì tiến trình đàm phán đồng thời để ông Trump rút lại kế hoạch áp thuế.
Bắc Kinh cũng có thể rút khỏi đàm phán để phản đối kế hoạch áp thuế của Trump mà theo Trung Quốc là vi phạm thỏa thuận đình chiến thương mại mà đã nhất trí với Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị G20 ở Nhật Bản hồi cuối tháng 6.
Trung Quốc cũng có khả năng hủy bỏ các đơn hàng mua nông sản Mỹ, tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc và nhanh chóng công bố danh sách các công ty nước ngoài không đáng tin cậy với mục tiêu trừng phạt các công ty Mỹ.
Li-Gang Liu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc công ty Citigroup Global Markets Asia ở Hồng Kông cho rằng quyết định áp thuế mới chống lại Trung Quốc của Trump khiến ông trở thành “đối tác đàm phán” kém tin cậy đối với Bắc Kinh.
“Khi đàm phán sụp đổ hồi đầu tháng 5, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc vẫn bay đến Washington để đàm phán theo kế hoạch. Thật khó hình dung Trung Quốc sẽ làm như vậy một lần nữa nếu Trump quyết tâm áp thuế mới”, ông nói.
Zhou Xiaoming, cựu Phó Đại diện thường trực của Phái bộ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc ở Genava, cho biết kế hoạch áp thuế của ông Trump có thể làm hỏng các cuộc đàm phán song phương vừa được nối lại. “Khó biết được liệu các quan chức Trung Quốc có đến Washington vào tháng 9 như kế hoạch hay không”, ông nói.
Hôm 2-8, Tân Hoa xã đăng bài xã luận nói rằng chiến thuật gây sức ép tối của Mỹ là vô ích và gây tổn hại cho các nỗ lực giải quyết các vấn đề và tranh chấp. Bài xã luận nhấn mạnh Trung Quốc “sẽ không bao giờ đưa ra các nhượng bộ không thích đáng”
Theo South China Morning Post
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận