Tung chiêu giảm kịch sàn giá 90 nghìn 1 hộp 900g: Người tiêu dùng rơi vào "loạt bẫy" chiêu trò của "sữa cỏ"
"Sữa cỏ" không có nhiều tác dụng, họ giảm giá với mục đích "bán lấy được". Đó là lý do vì sao giá của các loại sữa này thường giảm rất nhiều.
"Sữa cỏ" giảm kịch sàn, giá vài chục nghìn cho 1 hộp 900g
Thị trường sữa vài năm gần đây thực sự rất sôi động, không chỉ ở "thế giới" sữa dành cho trẻ em mà sữa dành cho người lớn cũng vậy. Giờ đây, người lớn có nhu cầu sử dụng sữa tăng cân, sữa giảm cân, sữa cho người tiểu đường, chữa chống loãng xương... rất nhiều. Điều đó cũng tạo điều kiện để "sữa cỏ" xuất hiện và được quảng cáo rộng rãi.
"Sữa cỏ" không phải là một tên gọi mang tính phân loại khoa học và cũng không có trong từ điển tiếng Việt. Đây là một "thuật ngữ" được khai sinh bởi chính đội ngũ bán hàng, ý nói tới các sản phẩm sữa không có hoặc có rất ít tính thương hiệu trên thị trường. Nguyên liệu tạo nên "sữa cỏ" được nhập từ nước ngoài, sau đó đơn vị nhập về sẽ tự gia công, đóng hộp.
Thời gian gần đây, truyền thông liên tục phản ánh về sản phẩm của sữa tăng cân của công ty Công ty cổ phần Huyền Chi Ngọc (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) khiến cho nhiều người tiêu dùng uống sữa xong thì bị ảnh hưởng đến sức khỏe.
Công ty này tung ra thị trường 2 loại sữa tăng cân là Yarmy Milk và Hogi Milk. Hai loại sữa này có thiết kế gần tương tự như nhau, giống nhau từ thành phần, công dụng đến đối tượng sử dụng, thậm chí "sao y bản chính" đến cả từng mcg vi chất dinh dưỡng…
Hai loại sữa này có thiết kế gần tương tự như nhau, hơn nữa còn giống nhau y hệt từ thành phần, công dụng đến đối tượng sử dụng...
Thế nhưng không biết vì lý do gì mà 2 loại sữa này lại có giá bán chênh lệch rất nhiều. Trong khi sữa tăng cân Yarmy được bán giá niêm yết là 495 nghìn đồng/hộp, thì sữa Hogi Milk lại chỉ được bán với giá dao động từ 120.000 - 130.000 đồng/hộp tùy từng đại lý.
Thậm chí, loại sữa này khi mua với giá sỉ thì còn "giảm kịch sàn" hơn nữa: Chỉ 55.000 đồng cho hộp 400g và 90.000 đồng cho hộp 900g.
Nói về sữa Yarmy Milk, dù bình thường được bán với giá niêm yết 495 nghìn đồng/hộp, nhưng cũng có lúc loại sữa này được một hot TikToker sở hữu hơn 6 triệu followers rao bán với "giá hời": Giảm giá tới 50%.
Giá thành rẻ, bảng thành phần sơ sài: Người tiêu dùng nên đặt dấu hỏi về chất lượng
Sữa được quảng cáo tăng cân tốt, giá thành rẻ, thường xuyên có chương trình khuyến mại giá hời... Đó là lý do vì sao có hàng chục nghìn người tiêu dùng đặt mua sản phẩm. Những tưởng sau khi dùng, cân nặng sẽ được cải thiện theo lời quảng cáo của nhà sản xuất... thì không ít người cho biết đã phải nhập viện, sụt cân vì bị đau bụng, tiêu chảy... sau khi dùng các loại "sữa cỏ" nói trên. Sản phẩm này sau khi bán ra thị trường cũng nhận về "bão" đánh giá 1 sao trên giỏ hàng vì chất lượng không tốt như lời quảng cáo.
Rõ ràng, với kết quả nhận lại như vậy, câu hỏi được đặt ra là "Chất lượng sản phẩm có đảm bảo không? Từ khâu nguyên liệu đến tỉ lệ?".
Theo thông tin về bảng thành phần in trên hộp sữa Yarmy, bảng thành phần chỉ gói gọn với: tinh bột, bột sữa béo, dầu thực vật 26%, dầu đậu nành, đường, chất nhũ hóa, chất ổn định (?). Hoàn toàn không đề cập đến tỉ lệ hàm lượng cụ thể của từng thành phần có trong sữacác chất canxi, vitamin, khoáng chất... như các loại sữa khác trên thị trường.
Ảnh bên trái: Bảng thành phần sữa Yarmy sơ sài. Ảnh bên phải: Bảng thành phần của một loại sữa trên thị trường, ghi đầy đủ từng loại vitamin, khoáng chất và hàm lượng của từng thành phần.
Có lẽ với danh sách thành phần sơ sài như vậy cũng đủ để giải thích lý do vì sao sữa tăng cân của Công ty cổ phần Huyền Chi Ngọc lại được bán giá vài chục nghìn đồng/hộp.
Khi nghe chia sẻ của một số chủ cơ sở gia công sữa bột tại TP Hồ Chí Minh bạn sẽ còn bất ngờ hơn. Những người này cho biết, giá trị thực của 1 lon sữa 900g Hogi milk có giá 90.000 thì có thể tạm tính là: Khoảng 15% lợi nhuận của nhà phân phối và công ty sản xuất là 15 nghìn đồng. Chi phí gia công từ 45- 50%, tương đương khoảng 40.000 đồng. Như vậy, nguyên liệu sữa bột, các vitamin trong 1 hộp sữa sẽ còn lại khoảng 35.000 - 40.000 đồng.
Ông Trần Quang Trung (Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam) cho biết: "Thời gian vừa qua, thị trường sữa nguyên liệu ở thế giới có tăng cao, thì chi phí cho sản xuất cho người lao động, cho bao bì, cho điện nước nhiều vấn đề khác, rồi thuế… giá rẻ như thế này cần phải được xem xét lại. Nếu tôi là người tiêu dùng thì rất ái ngại sản phẩm sữa mà giá rẻ bất thường như thế này".
Chuyên gia: "Sữa cỏ không có nhiều tác dụng, vì thế họ giảm giá với mục đích bán lấy được"
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Sinh học Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) phân tích: "Không thể nói cứ sữa giá rẻ thì không tốt bởi có nhiều loại sữa hạt bán giá phải chăng nhưng vẫn đem lại công dụng,
Nhưng hiện nay, lợi dụng nhu cầu uống sữa tăng cao của người Việt, nhiều cơ sở sản xuất sữa cỏ mọc ra... "Sữa cỏ" không có nhiều tác dụng, vì thế họ tha hồ giảm giá với mục đích bán lấy được. Đó là lý do vì sao bạn thấy giá của các loại sữa này thường được giảm giá rất nhiều".
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cũng nói thêm, hiện nay nhiều cơ sở lạm dụng quảng cáo rồi thổi phồng lợi ích của sản phẩm nhằm lấy niềm tin của người tiêu dùng, cuối cùng làm loạn thị trường.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh.
"Khó có loại sữa nào giúp tăng cân hay giảm cân. Ở các nước tiên tiến thì sữa tăng, giảm cân là sữa đặc thù, cần phải có công thức đàng hoàng". PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói. Ông cũng khuyến cáo người dân không nên tin vào "sữa cỏ" giá rẻ để tăng hay giảm cân... vì không biết nó chứa những chất gì, khi sử dụng có thể dẫn đến hậu quả ra sao.
Chia sẻ về cách chọn sữa, vị chuyên gia cho biết: Tôi vẫn khuyên người tiêu dùng khi dùng sữa công thức thì không nên ham rẻ, nên chọn các loại sữa có nhãn mác đầy đủ, sữa từ thương hiệu lớn, có độ tin cậy cao... Đặc biệt ghi rõ nơi sản xuất, hạn sử dụng.
Khi được hỏi vì sao các loại sữa cỏ dù có giá thành rẻ mà bảng thành phần vẫn đầy đủ các hàm lượng dinh dưỡng đến vậy, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh chia sẻ: "Tốt nhất khi đọc bảng thành phần của các loại sữa kém chất lượng, mọi người chỉ nên xem nó như một cách tham khảo mà thôi chứ không nên tin tưởng. Muốn biết loại sữa đó thực sự chứa những chất gì cần phải đợi cơ quan chức năng vào cuộc".
Nói về sữa tăng cân nói chung, Ths.Bs Đoàn Thị Lan (Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn) chia sẻ: Mỗi dòng sữa có ưu điểm, nhược điểm riêng. Tuy nhiên mọi người không nên đặt mục tiêu chọn sữa là phải chọn sữa tăng cân. Bởi như vậy sẽ khiến mọi người dễ chọn phải "sữa cỏ". Bởi "sữa cỏ" thường đánh vào tâm lý chung của người mua đó là làm tăng cân nhanh.
Theo bác sĩ Lan, các loại "sữa cỏ" thường có lượng đường khá cao, có thể chứa nhiều chất béo để tăng đậm năng lượng lên. Sử dụng "sữa cỏ", chúng ta sẽ đối diện với rủi ro là mất cân đối về dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo, chưa kể nguyên liệu sản xuất sữa cũng khó kiểm soát.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận