menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Văn Thành Pro

Tuần tới mua bán gì? [KỲ 3: 12 - 16/09/2022]

Chuyên mục chia sẻ quan điểm đầu tư riêng từ Nhà đầu tư Nguyễn Văn Thành – kiêm Trưởng phòng Tư vấn - Cty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Tiên Phong

Chuyên mục “TUẦN TỚI MUA BÁN GÌ?” tuần vừa qua bị khuyết do tôi có chuyến nghỉ lễ bên gia đình; Và để bù đắp, chuyên mục “Tuần tới mua bán gì?” tuần này - kỳ thứ 3 cho tuần giao dịch mới bắt đầu từ ngày 12 - 16/09/2022, ngoài việc thân tặng quý Nhà đầu tư gần xa cơ hội đầu tư vào Danh mục gồm 12 cổ phiếu với tỷ suất sinh lợi kỳ vọng của danh mục lên đến trên 20% cho thời gian nắm giữ từ 3 đến 6 tháng tới, tôi còn chia sẻ đến quý Nhà đầu tư một Phương pháp đầu tư rất an toàn và hiệu quả mà tôi đã tâm huyết nghiên cứu và áp dụng cho chính bản thân trước khi chia sẻ và áp dụng rộng rãi đến nhóm Nhà đầu tư của mình trong thời gian gần đây; Phương pháp đầu tư này giúp cho đồng vốn đầu tư của tôi và nhóm khách hàng tôi đang hỗ trợ được bảo vệ tốt nhất (độ rủi ro thấp nhất), nhưng vẫn đảm bảo mang lại 1 tỷ suất sinh lợi cao gấp khoảng từ 5 đến 8 lần so với lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng; Và tôi đặt tên cho Phương pháp đầu tư này là “LOW RISK – HIGH RETURN”

I/ GIỚI THIỆU PHƯƠNG PHÁP “LOW RISK – HIGH RETURN” TỪ NĐT NGUYỄN VĂN THÀNH

I.1/ Danh mục đầu tư có “độ rủi ro thấp” nhưng mang lại “lợi nhuận cao” liệu có tồn tại?

Quan điểm truyền thống mà các sinh viên kinh tế thường được dạy trong các trường đại học cho rằng, rủi ro và lợi nhuận luôn đi đôi với nhau, nhà đầu tư phải chấp nhận một mức rủi ro cao hơn nếu muốn có một tỷ suất lợi nhuận cao hơn tương ứng. Quan điểm này có nguồn gốc và xuất phát từ Lý thuyết Danh mục Đầu tư Hiện đại (Modern Portfolio Theory, gọi tắt MPT) của Harry Markowitz được giới thiệu từ những năm 1950 (và sau đó ông đã được trao giải thưởng Nobel cho việc phát triển lí thuyết này). MPT đo lường rủi ro của một cổ phiếu dựa trên sự biến động của nó. Độ biến động của cổ phiếu càng cao thì rủi ro của nó càng lớn; Do đó lý thuyết cho rằng, nếu bạn muốn kiếm được một tỷ lệ lợi nhuận cao hơn, bạn phải chấp nhận một mức rủi ro lớn hơn bằng cách đưa vào danh mục đầu tư của mình (mua vào) các cổ phiếu có độ rủi ro lớn hơn.

Tuy nhiên có 1 thực tế là cha đẻ của lý thuyết này lại không giàu. Lý thuyết của ông cũng bỏ qua các yếu tố như ngành/lĩnh vực hoạt động, lợi thế cạnh tranh, chất lượng quản lý/ban lãnh đạo, triển vọng tăng trưởng của công ty, v.v. tác động đến kết quả hoạt động của công ty trong tương lai;

Và các chiến lược đầu tư giá trị đột phá của Benjamin Graham, Warren Buffett và Charlie Munger cũng đã cho thấy thực tế rằng, hoàn toàn có thể tạo ra một danh mục đầu tư có độ rủi ro ở mức tối thiểu trong khi vẫn tạo ra được một tỷ suất lợi nhuận cao hơn nhiều so với một danh mục đầu tư chỉ đưa vào gồm toàn các cổ phiếu có độ rủi ro cao. Và phương pháp của nhà đầu tư Mohnish Pabrai (tác giả cuốn sách Nghệ Thuật Đầu Tư Dhandho) cũng chỉ ra cách để bạn thực sự có thể tối đa hóa phần thưởng nhận được của mình trong khi chỉ phải chấp nhận rủi ro ở mức tối thiểu.

Để minh họa, tôi xin trích dẫn 1 câu nói của Warren Buffet - Nhà đầu tư thành công nhất thế giới hiện nay “If you buy a dollar bill for 60 cents, it’s riskier than when you buy a dollar bill for 40 cents, but the expectation of reward is greater in the latter case. The greater the potential for reward in the value portfolio, the less risk there is….” – Tôi xin được tạm dịch ý câu nói của Buffet như sau “Nếu bạn mua một tờ đô la với giá 60 xu, nó sẽ rủi ro hơn so với việc bạn mua tờ đô la đó với giá 40 xu (rủi ro thấp hơn), nhưng kỳ vọng nhận được phần thưởng lại lớn hơn trong trường hợp thứ hai. Tiềm năng phần thưởng nhận được trong danh mục giá trị càng lớn thì rủi ro của nó càng thấp (ít) đi ….” (Buffet chỉ mua/trả giá/đầu tư một món hàng khi chúng đang được chào bán dưới giá trị thực của nó, mà ở đây là tờ 1 USD được ông ví dụ chỉ nên trả từ 40 đến 60 xu nếu có người bán nó); Theo quan điểm của Warren Buffet, một khoản đầu tư có tiềm năng tạo ra lợi nhuận cao hơn sẽ có rủi ro thấp hơn;

Tôi xin lấy ví dụ minh họa cho quan điểm đầu tư của Warren Buffet để các nhà đầu tư dễ hình dung như sau: Giả sử bạn là chủ 1 cửa hàng kinh doanh bánh Trung thu, có 1 khách hàng là 1 Cty chứng khoán XXX đặt mua 1.000 hộp quà bánh trung thu từ cửa hàng của bạn với giá 1 triệu/hộp để làm quà tặng cho các khách hàng VIP của mình - ở đây cửa hàng của bạn đang đóng vai trò trung gian; Giả sử có 2 Nhà sản xuất bánh trung thu là A và B với chất lượng, quy cách hộp quà là như nhau; Tuy nhiên nếu bạn đặt đơn hàng 1.000 hộp quà báng trung thu từ nhà Sản xuất A để bán cho Cty chứng khoán XXX thì giá mà bạn phải trả là 700 ngàn/hộp (giá Nhà sx A chào), còn nếu bạn đặt hàng từ Nhà sản xuất B thì giá mà bạn phải trả chỉ là 400 ngàn/hộp; Ở đây rõ ràng nếu bạn đặt mua từ Nhà sản xuất A với giá 700 ngàn/hộp, bạn sẽ phải chịu rủi ro cao hơn vì tổn thất của bạn sẽ lớn hơn trong trường hợp Cty chứng khoán XXX hủy đơn hàng của bạn (rủi ro thiệt hại là 700 triệu đồng), trong khi lợi nhuận bạn nhận được lại ít hơn (mức lợi nhuận kỳ vọng nhận được chỉ là 300 triệu đồng); Trong khi nếu bạn đặt hàng từ Nhà sản xuất bánh B, rủi ro bạn chịu sẽ thấp hơn (trường hợp Cty chứng khoán XXX hủy đơn hàng, bạn chỉ thiệt hại 400 triệu đồng), trong khi lợi nhuận bạn nhận được lại cao hơn (mức lợi nhuận kỳ vọng bạn đạt được là 600 triệu đồng);

= > Trong ví dụ này, đặt hàng từ Nhà sản suất bánh A (có giá chào bán cao hơn) sẽ rủi ro hơn trong khi lợi nhuận tiềm năng thu được lại thấp hơn; Còn đặt hàng từ Nhà sản xuất bánh B (có giá chào bán rẻ hơn) sẽ ít rủi ro hơn trong khi lợi nhuận tiềm năng lại cao hơn (LOW RISH – HIGH RETURN); ĐÂY CHÍNH LÀ MỐI TƯƠNG QUAN NGHỊCH GIỮA RỦI RO VÀ LỢI NHUẬN TRONG TƯ DUY KHÁC BIỆT VỚI PHẦN ĐÔNG CÒN LẠI CỦA CÁC NHÀ ĐẦU TƯ GIÁ TRỊ.

Tôi xin lấy thêm 1 ví dụ thực tế nữa tại thị trường chứng khoán Việt Nam, là nếu cách đây 5 đến 10 năm, bạn có 1 tỷ đồng dành cho việc đầu tư chứng khoán, và lúc đó bạn có 2 danh mục đầu tư để lựa chọn, mỗi danh mục đều gồm có 10 cổ phiếu như sau:
Danh mục 1 gồm toàn các cổ phiếu đầu cơ có độ rủi ro cao (rủi ro từ ban lãnh đạo yếu kém/thiếu minh bạch/tham nhũng/rút ruột công ty/lừa cổ đông/thiếu đạo đức, rủi ro doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, triển vọng xấu, ….) như sau: KLF, AMD, ITA, KVC, VKC, ITQ, HAI, ROS, HQC, TDH;
Và danh mục thứ 2 gồm toàn các cổ phiếu cơ bản có độ rủi ro thấp hơn (doanh nghiệp tăng trưởng đều qua các năm, ban lãnh đạo liêm chính/minh bạch/hết lòng vì cổ đông, có lợi thế cạnh tranh, hoạt động hiệu quả,…. ) như sau: HPG, VNM, FPT, REE, VCS, PTB, TLG, DSN, MWG, PNJ;

(Không biết ở đây có quý NĐT nào phản đối tôi khi cho rằng danh mục thứ 2 là rủi ro hơn danh mục 1 không nhỉ? Đồng nghĩa với việc bạn đang khẳng định các cổ phiếu như VNM, FPT, PNJ, HPG, .. là rủi ro hơn các cổ phiếu KLF, FLC, ITA, ROS,… ?)

Và kết quả thực tế đã chứng minh mà mọi quý Nhà đầu tư đều thấy rõ, nếu cách đây 5 đến 10 năm bạn đầu tư 1 tỷ của mình vào Danh mục 1 có độ rủi ro cao ở trên thì kết quả hiện tại bạn nhận được ko phải là 1 mức lợi nhuận cao tương ứng, mà kết quả thực tế phũ phàng là một danh mục có tỷ suất lợi nhuận đang âm (lỗ) nặng – Hay rủi ro cao nhưng lợi nhuận nhận được lại là con số âm; Trong khi nếu lựa chọn ban đầu của bạn là đầu tư vào Danh mục thứ 2 với toàn các cổ phiếu cơ bản có mức độ rủi ro thấp hơn (Low Risk), thì xin chúc mừng bạn, bạn đã nhân số vốn đầu tư ban đầu của mình lên ít nhất là từ 10 đến 15 lần – Bạn đã đạt được mức lợi nhuận rất cao ở danh mục này (High Return);

= > Do đó, rủi ro cao không phải lúc nào cũng mang lại lợi nhuận cao; Và ngược lại, rủi ro thấp không phải lúc nào cũng mang lại lợi nhuận thấp như những gì bạn thường được nghe giới truyền thông, báo chí, hay các giáo sư trong các trường đại học với cặp mắt kính dày cộm luôn rao giảng rằng “Rủi ro cao luôn đi kèm với lợi nhuận cao, HIGH RISK – HIGH RETURN”;

Và các nhà đầu tư thành công và giàu có như Warren Buffett, Charlie Munger, Mohnish Pabrai,… cũng nhắc nhở chúng ta rằng Lý thuyết danh mục đầu tư hiện đại (MPT) chỉ là lý thuyết, thành công của một Danh mục đầu tư phải được dựa trên kỹ năng của Nhà đầu tư và thời gian họ dành cho nó. Và câu cửa miệng “HIGH RISK – HIGH RETURN” chỉ dành cho những kẻ đánh bạc. Một con bạc chấp nhận rủi ro cao đôi khi họ may mắn đạt được lợi nhuận cao nhưng với tỷ lệ xác suất là rất thấp, còn 99.9% số đông các con bạc còn lại sẽ bị thua lỗ đến cháy túi, chỉ các chủ sòng bạc là giàu có (HIGH RETURN) bởi tư duy của họ luôn là “LOW RISK – HIGH RETURN”- họ đóng vai trò là người tạo ra cuộc chơi (LOW RISK) chứ họ không đóng vai trò là người chơi (HIGH RISK);

I.2/ Phương pháp đầu tư “LOW RISK – HIGH RETURN” riêng của NĐT Nguyễn Văn Thành đang áp dụng

Đến đây thì quý NĐT cũng đã đồng ý với tôi rằng, xây dựng một Danh mục đầu tư thỏa được cả 2 tiêu chí, có rủi ro ở mức tối thiểu (LOW RISK) và lợi nhuận kỳ vọng đạt được ở mức tối đa (HIGH RETURN) là hoàn toàn có thể thực hiện được chứ không hề chỉ là lý thuyết suông. Minh chứng là phương pháp này đã được các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư thành công trên thế giới đã và đang áp dụng. Và mỗi nhà đầu tư, mỗi quỹ đầu tư lại có những kỹ năng, kinh nghiệm riêng để xây dựng lên những Danh mục đầu tư thỏa tiêu chí “LOW RISK – HIGH RETURN” mang phong cách đầu tư của riêng mình;

Và cá nhân tôi cũng vậy, phương pháp mà cá nhân tôi đang áp dụng tại Thị trường Chứng khoán VN để xây dựng lên các Danh mục đầu tư của tôi tại từng thời điểm, mà ở đó độ rủi ro danh mục được đưa về ở mức thấp nhất có thể, trong khi lợi nhuận trung bình thực tế đạt được vẫn vượt trội hơn nhiều lần so với thị trường chung (mà đại diện là chỉ số VNIndex) – tương đương khoảng từ 35%-80% lợi nhuận mỗi năm;

Phương pháp gồm 3 bước như sau:

Bước 1: Dùng phân tích cơ bản để lọc ra được một Danh mục theo dõi gồm các cổ phiếu được đánh giá là tốt nhất về mặt cơ bản và triển vọng;

Các cổ phiếu nào thỏa bộ các tiêu chí đánh giá của riêng tôi trong số hơn 1.700 cổ phiếu đang niêm yết trên 3 sàn giao dịch HSX, HNX, UPCOM sẽ được đưa vào danh mục để theo dõi; Bộ các tiêu chí đánh giá của tôi bao gồm: Triển vọng ngành/lĩnh vực hoạt động của công ty, sự liêm chính/năng lực ban lãnh đạo, lợi thế cạnh tranh (thương hiệu, bí quyết kinh doanh, sản phẩm, chi phí,…), hiệu quả sử dụng vốn (ROA, ROE, EPS), chất lượng lợi nhuận, cơ cấu vốn/cơ cấu cổ đông, . . . . cho đến cả tính thanh khoản của cổ phiếu cũng được xét đến;

(Lưu ý là các cổ phiếu lọt vào danh mục theo dõi không nhất thiết phải thỏa tất cả các tiêu chí đưa ra, vd cổ phiếu PVD hiện tại mặc dù không thỏa các tiêu chí về hiệu quả hoạt động trong mấy năm gần đây, tuy nhiên tôi đánh giá triển vọng của PVD nói riêng và cổ phiếu ngành dầu khí nói chung trong 3 năm tới là rất sáng (hưởng lợi từ giá dầu duy trì ở mức cao và siêu dự án Lô B – Ô Môn), Book Value của PVD đang cao hơn thị giá, tỷ lệ nợ thấp, tính thanh khoản của cổ phiếu cũng khá cao … do vậy PVD vẫn lọt vào danh mục theo dõi cũng như đầu tư của tôi và được tôi khuyến nghị mua vào ở các topic chia sẻ vào ngày 12/07/2022; Ngày 14/07; Ngày 03/08 và Ngày 08/08 trên trang facebook cá nhân ở vùng giá từ 14.000đ đến 16.000đ/CP, và hiện tôi vẫn đang tiếp tục khuyến nghị mua mới cho những ai chưa sở hữu PVD tính đến thời điểm hiện tại);

Kết quả sau bước 1 này là tôi có một danh mục theo dõi gồm từ 25 – 35 cổ phiếu tốt nhất về mặt nền tảng cơ bản và triển vọng được chọn ra từ hơn 1700 cổ phiếu đang niêm yết trên cả 3 sàn giao dịch (HSX, HNX và Upcom), tỷ lệ chọi tương đương khoảng 1:50 (trung bình cứ khoảng 50 cổ phiếu mới có 1 cổ phiếu được lọt vào danh mục theo dõi của tôi);
Bước 2: Dùng Phân tích Kỹ Thuật để xác định xu hướng chung của thị trường và Tìm điểm mua của cổ phiếu;

2.1/ Xác định xu huớng chung của thị trường (Vnindex)

Việc xác định xu hướng chung của thị trường đang ở giai đoạn nào là quan trọng nhất; Thị trường đang ở giai đoạn đi lên (tăng), đi ngang (sideway) hay đi xuống (giảm); Tôi kết hợp cả Phân tích kỹ thuật lẫn phân tích các yếu tố kinh tế vĩ mô để có cái nhìn sát nhất về thị trường; Tôi chỉ giải ngân khi xác định thị trường vẫn đang nằm trong một xu hướng tăng hoặc bắt đầu 1 xu hướng tăng mới; Ví dụ sau giai đoạn thị trường điều chỉnh mạnh gần đây nhất (bắt đầu từ đầu tháng 4/2022 cho đến đầu tháng 7/2022), thì đến ngày 14/07/2022, một số chỉ báo kỹ thuật đã cho thấy động lượng giảm giá của thị trường (Vnindex) đã yếu đi, đồng thời xuất hiện phân kỳ tăng giá (bullish divergence) giữa Vnindex và chỉ báo MACD, điều này cho thấy thị trường chuẩn bị đảo chiều quay đầu đi lên, cơ hội tìm kiếm lợi nhuận xuất hiện và tôi đã khuyến nghị nhóm khách hàng của mình giải ngân mạnh bắt đầu từ phiên 14/07/2022; Quan điểm thị trường, lịch sử mua bán và danh mục khuyến nghị chi tiết (gồm 24 mã cổ phiếu) tại ngày 14/07/2022, quý Nhà đầu tư có thể tham khảo lại ở topic chia sẻ vào cùng ngày trên trang facebook cá nhân của tôi tại địa chỉ: www.facebook.com/DAUTU688;
Tuần tới mua bán gì? [KỲ 3: 12 - 16/09/2022]

Giai đoạn thị trường sideway thường có sự phân hóa mạnh, tôi sẽ chuyển sang trạng thái giao dịch thận trọng và chỉ giải ngân khi xuất hiện các cơ hội mà tôi cảm thấy là chắc chắn;

Ngược lại trong giai đoạn thị trường đi xuống (downtrend) hoặc có các dấu hiệu cảnh báo thị trường sắp bước vào giai đoạn đi xuống (thường là sau một giai đoạn tăng mạnh dài trước đó), tôi chuyển danh mục về trạng thái full tiền mặt, nghỉ ngơi và đứng ngoài quan sát. Vì cho dù danh mục tôi lọc ra gồm toàn những cổ phiếu tốt, tuy nhiên tôi lại đi ngược với xu hướng chung của thị trường đang là xấu (mua vào ở giai đoạn thị trường xấu, đang được định giá quá cao) thì tôi vẫn đối diện với rủi ro thua lỗ cực lớn. Ví dụ trong giai đoạn thị trường đi xuống vào cuối quý 2/2022 vừa qua, 90% các cổ phiếu trên thị trường (bất kể tốt hay xấu) đều bị ảnh hưởng và đi theo thị trường; Và chúng ta đã chứng kiến rất nhiều cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, đầu ngành như HPG, SSI, VCI, IDC, TCB, . . . sụt giảm từ 40% đến 50% giá trị tính từ đỉnh chỉ trong thời gian ngắn khoảng 2 tháng. Các cổ phiếu thường được thị trường định giá quá cao (thị giá) ở giai đoạn thị trường hưng phấn tột độ, thường là ở cuối của một chu kỳ tăng giá (vì dụ như giai đoạn diễn ra trong quý 1/2022);

2.2/ Xác định điểm mua của cổ phiếu

Sau khi xác định được xu hướng chung của thị trường là không xấu, Tôi tiếp tục dùng PTKT để chọn ra các cổ phiếu đang cho tín hiệu ủng hộ cho việc mua vào từ danh sách các cổ phiếu mà tôi đã lọc ra ở Bước 1. Sau bước 2.2 này, tôi sẽ có một “Danh mục Đầu tư” gồm khoảng 10 - 25 cổ phiếu (tùy giai đoạn thị trường) đang cho điểm mua tốt về mặt kỹ thuật được lọc ra từ danh mục theo dõi ở Bước 1 để chuẩn bị cho việc giải ngân ở Bước cuối cùng (Bước 3);

Đến đây, sau hai bước 1 & 2, thì tôi đã có một “Danh mục Đầu tư” gồm toàn các cổ phiếu tốt và mạnh về mặt nền tảng cơ bản và triển vọng so với phần đông các cổ phiếu còn lại trên thị trường, chúng lại đuợc mua vào tại vùng giá tốt về mặt kỹ thuật và mua vào trong giai đoạn thị trường tốt; Tất cả những điều này đã giúp cho “Danh mục Đầu tư” của tôi đạt được mức sinh lợi cao hơn (HIGH RETURN) nhiều so với thị trường chung cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu;

Bước 3: Đa dạng hóa danh mục ở mức tối đa có thể; Ở bước này tôi cố gắng mua vào tất cả các cổ phiếu mà tôi đã lọc ra được sau Bước thứ 2 với tỷ trọng vốn phân bổ vào mỗi cổ phiếu gần bằng nhau; Đây là bước giúp đưa Danh mục đầu tư của tôi về mức rủi ro thấp nhất có thể (LOW RISK);

Việc đa dạng hóa từ 10 đến 25 cổ phiếu trong danh mục giúp tỷ trọng vốn đầu tư vào mỗi cổ phiếu chỉ chiếm từ 5% đến 10% trên Tổng vốn đầu tư, do vậy trong trường hợp xấu xảy ra như việc có một đến hai cổ phiếu nằm trong danh mục gặp rủi ro ngoài tầm kiểm soát của tôi (như thiên tai, hỏa hoạn, lãnh đạo không minh bạch, hoặc vì lý do nào đó đã dẫn đến việc tôi đánh giá và chọn sai cổ phiếu ngay ở Bước 1, . . .) thì việc 1 đến 2 cổ phiếu này có sụt giảm từ 30%-40% giá trị ngay sau đó đi chăng nữa thì cũng không làm ảnh hưởng nhiều đến danh mục đầu tư của tôi khi mà mức ảnh hưởng của chúng lên toàn Danh mục chỉ chiếm khoảng từ 2% đến 5% (điều này là không đáng kể);

Ngoài ra việc đa dạng hóa danh mục đầu tư từ 10 đến 25 cổ phiếu cũng giúp cho các nhà đầu tư hoặc 1 nhóm nhà đầu tư/quỹ đầu tư đang quản lý số vốn từ 50 tỷ đến khoảng 500 tỷ tránh được rủi ro thanh khoản khi mua vào hoặc bán ra một số lượng lớn cổ phiếu nào đó; Đây cũng là lý do mà tôi đã đưa tiêu chí thanh khoản vào bộ lọc ở bước 1, các cổ phiếu dù tốt nhưng thanh khoản dưới 10 tỷ/phiên cũng hiếm khi được tôi đưa vào danh mục để theo dõi;

Nếu bạn không đa dạng hóa, bạn hãy thử tưởng tượng bạn đang quản lý 1 nhóm nhà đầu tư với số vốn khoảng 300 tỷ thôi, và bạn có kế hoạch cho nhóm Nhà đầu tư của mình giải ngân trong 1 phiên vào 1 danh mục chỉ gồm 5 cổ phiếu, vậy mỗi cổ phiếu sẽ được mua vào khoảng 60 tỷ/phiên, thì các rắc rối bắt đầu xuất hiện. Rắc rối thứ nhất là nhóm bạn sẽ không thể mua đủ số lượng nếu thanh khoản của cổ phiếu nào đó trong danh mục chỉ đạt dưới 60 tỷ/phiên, ví dụ vài cổ phiếu nào đó trong danh mục chỉ đạt thanh khoản dưới 20 tỷ/phiên thì nhóm Nhà đầu tư của bạn phải mất 3 phiên liên tiếp mới mua đủ số lượng cổ phiếu trị giá 60 tỷ như dự định ban đầu (rủi ro thanh khoản), điều này góp phần gây ra biến động giá lớn đối với các cổ phiếu khi bạn mua vào cũng như bán ra theo chiều hướng bất lợi (ví dụ nhóm bạn có thể làm cho giá cổ phiếu tăng hoặc giảm khi mua hoặc bán);

Tuy nhiên nếu bạn đa dạng hóa danh mục của bạn lên khoảng 25 cổ phiếu chẳng hạn, thì vấn đề này hoàn toàn được giải quyết. Lúc này với số vốn 300 tỷ, thì số tiền mà bạn giải ngân vào mỗi cổ phiếu chỉ là 12tỷ/phiên; Việc mua hay bán một cổ phiếu nào đó với giá trị 12 tỷ/phiên sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc phải mua hay bán một cổ phiếu nào đó với giá trị lên đến 60 tỷ/phiên đúng không nào? Nó cũng tránh gây ra biến động giá lớn trên thị trường mỗi khi bạn mua bán;

Đa dạng hóa tốt cũng giúp bạn tránh được một vài rủi ro khi bạn tập trung vốn quá nhiều vốn vào 1 cổ phiếu nào đó. Ví dụ như rủi ro pháp lý khi bạn quên công bố thông tin trước khi mua hoặc bán nếu tỷ lệ sở hữu của bạn sau khi hoàn tất giao dịch rơi vào các trường hợp bạn buộc phải công bố thông tin theo luật định; Rủi ro đánh động đến ban lãnh đạo, cổ đông lớn hoặc các nhóm lợi ích liên quan của công ty khi bạn mua gom một lượng lớn cổ phiếu của công ty nào đó trên thị trường, trường hợp xấu các nhóm lợi ích này có thể có các hành động làm tổn hại đến bạn (như tung tin xấu, giấu lợi nhuận, dìm giá cổ phiếu trong thời gian dài,… nhằm làm cho bạn chán nản va bán ra để họ mua vào);
Nhiều NĐT nói rằng phương pháp của tôi không thể áp dụng đối với nhà đầu tư cá nhân có số vốn đầu tư chỉ khoảng 1 tỷ, vì việc phải đa dạng hóa lên đến 10 - 20 cổ phiếu trong danh mục là điều khó khăn trong việc quản lý và theo dõi, điều này hoàn toàn không đúng; Nếu vốn đầu tư của bạn là 1 tỷ - và 1 tỷ là 1 khoản đầu tư rất quan trọng đối với bạn và gia đình bạn, là số tiền tiết kiệm của cả gia đình bạn trong nhiều năm, bạn cảm thấy nó cần được bảo vệ và được đặt vào nơi an toàn và ít rủi ro nhất – giúp bạn tránh được rủi ro mất hàng trăm triệu trên thị trường, tuy nhiên nó vẫn giúp mang về cho bạn 1 tỷ suất sinh lời cao hơn nhiều lần so với việc bạn chỉ mang tiền gửi vào ngân hàng, thì lúc đó, tôi tin rằng bạn sẽ không cảm thấy khó khăn hay mất thời gian trong việc chia 1 tỷ vốn của bạn thành 10 hoặc 20 phần bằng nhau, mỗi phần từ 50 đến 100 triệu để canh mua vào 10 đến 20 cổ phiếu nằm trong các “Danh mục Đầu tư” được lọc theo phương pháp “LOW RISK – HIGH RETURN” mà tôi đã khuyến nghị và chia sẻ trong thời gian gần đây, bạn đồng ý với tôi chứ? Do vậy, vốn đầu tư của bạn dưới 1 tỷ, bạn vẫn có thể thực hiện đa dạng hóa theo tôi để giảm thiểu rủi ro; Còn nếu bạn vẫn cảm thấy việc này vẫn khó khăn và phiền phức đối với bạn, bạn có thể giảm số cổ phiếu trong danh mục còn 3 hoặc 5 cổ phiếu cũng không sao (khuyến cáo phải từ 3 cổ phiếu trở lên), miễn là chúng nằm trong “Danh mục Đầu tư” mà tôi đã lọc ra và đang khuyến nghị mua vào tại từng thời điểm;
Có vài Nhà đầu tư phản biện với tôi rằng, việc đa dạng hóa danh mục gồm từ 10 đến 20 cổ phiếu như vậy sẽ không bao giờ đạt được tỷ suất sinh lợi cao bằng việc danh mục chỉ tập trung vào 1 đến 2 cổ phiếu; Nếu vốn đầu tư của bạn chỉ ở mức không quá lớn, bạn lại là người có lợi thế về thông tin như nằm trong ban lãnh đạo công ty hoặc bạn có năng lực chọn ra được 1 đến 2 cổ phiếu cho tỷ suất lợi nhuận cao nhất trong số gần 2000 cổ phiếu đang niêm yết trên sàn thì tôi hoàn toàn không phản đối ý kiến của bạn. Còn nếu bạn không có năng lực đó, số vốn quản lý của bạn lên đến vài trăm tỷ mà bạn chỉ tập trung danh mục vào 1 đến 2 cổ phiếu thì bạn sẽ gặp phải 1 số rủi ro mà tôi đã đề cập ở trên (rủi ro thanh khoản khi mua bán, rủi ro xung đột lợi ích nếu lực bạn không đủ lớn để chi phối quyền kiểm soát của cả công ty bạn đầu tư, rủi ro khi bạn đánh giá sai cổ phiếu bạn mua vào và rủi ro cổ phiếu đi ngược với dự đoán của bạn); Bằng chứng là tôi đã chứng kiến một quỹ đầu tư đã thiệt hại nặng nề cả trăm tỷ đồng khi “All in” (tất tay) phần lớn vốn của mình vào cổ phiếu VPB giai đoạn 2018 – 2019 với niềm tin mãnh liệt rằng VPB sẽ tiếp tục tăng sau đó khi mà hầu hết giới phân tích, các Cty chứng khoán, giới chuyên gia ở giai đoạn đó đều đưa ra nhận định và đánh giá tích cực về VPB - một ngân hàng tư nhân có hiệu quả hoạt động tốt nhất Việt Nam khi mà các chỉ số cơ bản như ROA, ROE, NIM đều đẹp và vượt trội so với mặt bằng chung của ngành ngân hàng, ngoài ra VPB còn nằm trong top 3 các ngân hàng có lợi nhuận cao nhất chỉ sau có Vietcombank(VCB) và BIDV(BID) trong 3 năm liên tiếp 2017-2018-2019;

Hơn ai hết, chính bản thân tôi cũng là người thấm thía nhất về bài học này nhất khi đã bỏ qua việc đa dạng hóa danh mục và tất tay vào cổ phiếu HSG giai đoạn nửa cuối 2017, việc này đã gây thiệt hại nặng nề cho cá nhân và nhóm Nhà đầu tư của tôi với con số lên đến gần 60 tỷ đồng. Sai lầm và rủi ro này xảy ra khi tôi đánh giá sai yếu tố ban lãnh đạo công ty Tôn Hoa Sen ngay từ ban đầu (thiếu minh bạch, rút ruột công ty, xào nấu báo cáo tài chính, . . .), và hậu quả của việc tất tay mua vào hơn 8.5 triệu cổ phiếu HSG ở vùng giá trung bình khoảng 29.000đ/CP là tôi buộc phải cắt lỗ tại vùng giá 22-23 ngay sau đó vài tháng nắm giữ; Cắt lỗ xong tôi vẫn còn cảm thấy may mắn khi chứng kiến HSG tiếp tục giảm về vùng giá chỉ còn 5 đến 6 ngàn/CP vào đầu năm 2019; Sự việc này chắc chắn rất nhiều nhà đầu tư còn nhớ nếu như đã biết tôi ở giai đoạn 2014 – 2019 trở về trước;

Và để minh chứng thực tế rằng, nếu Bước 1 và Bước 2 của bạn thực hiện tốt, thì việc đa dạng danh mục gồm từ 10 đến trên 20 cổ phiếu vẫn mang lại một tỷ suất sinh lợi cao hơn nhiều so với việc bạn chỉ tập trung vào 1 đến 2 cổ phiếu, trong khi rủi ro của bạn lại được giảm đi rất nhiều. Ví dụ Danh mục Đầu tư gồm 24 mã cổ phiếu mà tôi đã khuyến nghị và chia sẻ rộng rãi ở topic ngày 14/07/2022 vừa qua (trên trang facebook cá nhân: DAUTU688) đã cho tỷ suất lợi nhuận rất ấn tượng lên đến 28,1% chỉ sau 2 tháng nắm giữ, tính trên vốn gốc bỏ ra thì lợi nhuận đạt trên 47% (vốn đầu tư thực có là 9,5 tỷ, tôi dùng margin ở tỷ lệ vừa phải để mua vào danh mục gồm 24 mã cổ phiếu với tổng giá trị mua vào là 16,033 tỷ (giải ngân từ ngày 21/06 đến ngày 12/07/2022), đến ngày 23/08/2022 thì giá trị danh mục đã tăng lên thành 20,558 tỷ - lãi 4.5 tỷ trên vốn gốc ban đầu là 9.5 tỷ đồng); Trong khi rất nhiều Nhà đầu tư cũng mua vào (bắt đáy) cùng thời điểm như tôi trong đợt thị trường hồi phục vừa qua nhưng tập trung chỉ vào 1 đến 3 cổ phiếu, cũng được đánh giá là các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, đầu ngành như HPG, HSG, MBB, TCB, VHM, VIC, FPT, VPG, HAH, GMD, PNJ, VSC, HUT, . . . (các cổ phiếu rác, đầu cơ, nền tảng cơ bản xấu,… thì tôi sẽ không bàn ở đây) thì lại có tỷ suất sinh lời khá thấp - chỉ từ vài % đến dưới 10% - thấp hơn nhiều so với tỷ suất lợi nhuận mà Danh mục gồm tới 24 mã cổ phiếu của tôi đạt được; Ví dụ nhiều nhà đầu tư all in vào cổ phiếu VIC, VSC thì đến nay vẫn còn đang lỗ nhẹ, còn nếu all in vào các mã khác như HPG, FPT, TCB, VPG, HAH, GMD,… thì tỷ suất mà họ đạt được cũng không có gì quá nổi bật đáng để bàn tới;

Khi tôi chia sẻ phương pháp này, cũng có một vài nhiều Nhà đầu tư ý kiến rằng, danh mục đầu tư tôi khuyến nghị bao gồm trên 20 cổ phiếu thì khác gì tôi đang mua cả thị trường? Cả thị trường có hơn 1.700 cổ phiếu, và sau 2 Bước lọc (1&2) thì tôi chỉ có thể chọn ra được từ 10 đến 25 cổ phiếu để đưa vào Danh mục Đầu tư, tỷ lệ chọi trung bình là 1:70, cứ trung bình 70 cổ phiếu trên thị trường tôi mới có thể chọn ra được 1 cổ phiếu để đưa vào danh mục – đây là một công việc đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cũng như thời gian để đảm bảo cho Danh mục của tôi đạt được mức rủi ro tối thiểu nhưng kết quả lợi nhuận mà danh mục mang lại vuột trội hơn nhiều so với thị trường, do vậy nó hoàn toàn không thể đại diện cho toàn thị trường.

I.3/ Phương pháp đầu tư “LOW RISK – HIGH RETURN” áp dụng dễ hay khó?

Vậy là tôi đã chia sẻ chi tiết toàn bộ phương pháp đầu tư rất hiệu quả mà tôi đã tâm huyết nghiên cứu và đang áp dụng cho chính tôi cùng nhóm Nhà đầu tư mà tôi đang hỗ trợ; Tuy nhiên như tôi đã nói ở phần trước, trình độ, kỹ năng, chuyên môn và kinh nghiệm (trong việc chọn cổ phiếu, dự báo thị trường, chọn điểm mua bán,…) của mỗi nhà đầu tư (cá nhân/tổ chức) là khác nhau, từ đó dẫn đến Danh mục đầu tư và hiệu quả đầu tư của mỗi Nhà đầu tư cũng sẽ khác nhau;

Câu chuyện cũng tương tự khi có hàng triệu Nhà đầu tư trên thế giới tìm hiểu phương pháp đầu tư thành công của Warren Buffett, của Peter Lynch, của William O’Neil, của Mark Minervini, . . . qua hàng loạt các sách báo, video, khóa học, . . . tuy nhiên hiệu quả khi ứng dụng vào thực tế của mỗi nhà đầu tư là khác nhau. Phương pháp đầu tư của Warren Buffett đã giúp ông kiếm hàng chục tỷ USD từ thị trường nhưng điều đó không có nghĩa là sau khi tìm hiểu về phương pháp đầu tư của Warren Buffett thì bạn cũng sẽ trở lên giàu có như ông ấy, Buffett thì vẫn là Buffett, và bạn vẫn là bạn.

Do đó phương pháp này chỉ phát huy hiệu quả tốt đối với các Nhà đầu tư (cá nhân và tổ chức) dày dặn kinh nghiệm, có kiến thức và trình độ chuyên môn nhất định trong lĩnh vực phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật, khả năng xử lý thông tin và dự báo tốt; Chỉ như vậy họ mới đủ khả năng để xây dựng lên những Danh mục Đầu tư chất lượng thỏa tiêu chí “LOW RISK – HIGH RETURN” mà tôi đã chia sẻ; Còn nếu bạn là một nhà đầu tư thiếu các kỹ năng đó, tôi khuyên bạn nên tìm một mentor đáng tin cậy, hiểu rõ và đã áp dụng thành công phương pháp này để hỗ trợ cho bạn, chẳng hạn bạn có thể tham gia nhóm DAUTU688 mà tôi đang hỗ trợ đầu tư theo phương pháp này hoàn toàn miễn phí.

Và cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh 1 lần nữa, một danh mục đầu tư thỏa tiêu chí “LOW RISK – HIGH RETURN” mà tôi đã đề cập luôn luôn phải đi qua đủ cả 3 bước của phương pháp. Thiếu bất kỳ 1 bước nào trong quy trình 3 bước trên thì đó không còn là một danh mục “LOW RISK – HIGH RETURN” mà Tôi đã chia sẻ nữa, điều này thật nguy hiểm. Tôi ví dụ bạn làm tốt ở Bước 1 và Bước 3 (chọn cổ phiếu tốt và đa dạng hóa), nhưng bạn bỏ qua Bước 2 (bạn xác định điểm mua không tốt và bạn cố tình đi ngược với xu thế của thị trường chung) thì Danh mục của bạn vẫn đối diện với rủi ro thua lỗ cực lớn. Hay bạn làm tốt Bước 2 và Bước 3 (xác định xu hướng thị trường đúng, chọn điểm mua đúng và đa dạng hóa tốt), tuy nhiên điều đó cũng sẽ trở thành vô nghĩa nếu bạn bỏ qua Bước 1, khi đó nếu bạn đưa vào danh mục gồm toàn những cổ phiếu rủi ro cao như cổ phiếu rác, cổ phiếu đầu cơ, cổ phiếu có nền tảng cơ bản và triển vọng xấu, . . . . thì việc bạn có đa dạng hóa tốt thế nào cũng không thể giúp cho rủi ro danh mục của bạn giảm đi được, và bạn vẫn đối diện với rủi ro thua lỗ đến cháy túi;

II/ Thân tặng quý Nhà đầu tư Danh mục gồm 12 cổ phiếu được lọc theo Phương pháp đầu tư “LOW RISK – HIGH RETURN” từ Nhà đầu tư Nguyễn Văn Thành

II.1/ Nhận định thị trường từ nay đến cuối năm

Hiện danh mục theo dõi của tôi lúc nào cũng có khoảng 35 mã cổ phiếu được tôi đánh giá là có nền tảng và triển vọng tốt mà tôi đã lọc ở Bước 1. Tuy nhiên nếu sang Bước 2, tôi xác định và đánh giá xu hướng chung của thị trường hiện tại và sắp tới là đang xấu thì tất cả sẽ chỉ tạm dừng tại đây, tôi sẽ tiếp tục đứng ngoài quan sát và theo dõi diễn biến của thị trường chứ không có chuyện thân tặng danh mục hay khuyến nghị gì ở đây cả. Bởi tôi đã nhấn mạnh với quý Nhà đầu tư lần nữa rằng, Danh mục Đầu tư được gọi là “LOW RISK – HIGH RETURN” khi và chỉ khi đã đi qua đầy đủ cả 3 bước của phương pháp. Và ngay từ phần mở đầu của chuyên mục kỳ này, tôi có hứa là tôi sẽ gửi tặng quý Nhà đầu tư gần xa một Danh mục gồm 12 cổ phiếu với tỷ suất sinh lợi kỳ vọng lên đến trên 20% cho thời gian nắm giữ từ 3 đến 6 tháng tới, điều đó ngầm ý rằng, tôi vẫn đang đánh giá và ủng hộ kịch bản thị trường lạc quan từ nay đến cuối năm sau khi đã xem lại diễn biến thị trường trong các phiên gần đây cũng như đánh giá lại các yếu tố vĩ mô ủng hộ cho kịch bản mà tôi đưa ra như sau:

- Đầu tiên nhìn sang thị trường Mỹ thì chúng ta đều thấy cả 2 chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều đã tạo mô hình đỉnh sau cao hơn đỉnh trước và đáy sau cao hơn đáy trước khi đã có 3 phiên hồi phục gần đây – Thông tin FED tăng lãi suất sau cuộc họp Jackson Hole dường như đã được phản ánh hết vào giá khi cả 2 chỉ số này đã có 2 tuần điều chỉnh trước đó. Điều này cho thấy cả DJI và S&P 500 vẫn sẽ tiếp tục đang nằm trong 1 kênh tăng giá và phục hồi đi lên sau một đợt điều chỉnh mạnh hơn 20% vào 6 tháng đầu năm 2022. MACD cũng đã có dấu hiệu tích cực trở lại; Việc DJI và S&P 500 cho tín hiệu tiếp tục phục hồi sẽ tạo bước đệm tích cực cho Vnindex về mặt tâm lý trong thời gian tới;

Tuần tới mua bán gì? [KỲ 3: 12 - 16/09/2022]

- Vnindex đã trải qua 4 phiên đi ngang và giao động trong biên độ hẹp trước áp lực chốt lời, 2 phiên điều chỉnh khá mạnh vào ngày 7 và ngày 8/09 vào tuần trước sau thời gian gần 2 tháng phục hồi từ đáy cũng là điều chúng ta không quá bất ngờ khi đã có kha khá cổ phiếu trên thị trường đạt mức lợi nhuận từ 15% - 50%, thậm chí một số ít cổ phiếu đạt trên 70% tính từ đáy gần nhất như IDC, TDC, VGC, HAG,… ; Tuy nhiên hiện vùng hỗ trợ 1200 - 1216 của Vnindex vẫn chưa bị phá vỡ, lực mua lên đã xuất hiện vào phiên thứ sáu cuối tuần vừa qua. Nếu vnindex tiếp tục phục hồi trong các phiên tới, tạo ra mô hình đáy sau cao hơn đáy trước thì kênh giá đi lên của Vnindex sẽ được hình thành; Và mặc dù có kha khá số cổ phiếu phục hồi khá mạnh trong đợt thị trường phục hồi vừa qua, nhưng phần đông các cổ phiếu có nền tảng cơ bản khá tốt còn lại vẫn còn cách đỉnh lập hồi đầu năm là khá xa (khoảng từ 35% - 40%) như HPG, SSI, HCM, TCB, STB, GVR, VHM, . . . và quan điểm cá nhân tôi cho rằng, chuyện các cổ phiếu này giảm sâu hơn nữa là điều hơi khó xảy ra, do vậy xác suất xảy ra kịch bản xấu nhất Vnindex quay lại đáy cũ là rất thấp;

Ngoài ra các yếu tố về vĩ mô cũng đang ủng hộ cho kịch bản tích cực của thị trường thể hiện qua các số liệu dự báo và thống kê sau đây:

- Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới công bố vào ngày 8/8/2022, tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo đạt khoảng 7,5% trong năm 2022, bất chấp tình trạng bất định toàn cầu gia tăng liên quan đến cuộc xung đột kéo dài giữa Nga - Ukraine, giá cả hàng hóa thế giới tăng cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do tình trạng phong tỏa để kiểm soát dịch Covid-19 tại Trung Quốc. Mức tăng trưởng này xếp cao hơn so với các nước trong khu vực gồm Philipines, Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Cụ thể, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 5,1% trong quý I/2022, 7,7% trong quý II/2022 và được dự báo GDP quý III tiếp tục tăng trưởng cao hơn so với DGP trong quý II;

- 8 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định và phục hồi, lạm phát được kiểm soát. Điều này được thể hiện qua các hàng loạt các con số thống kê như: Thu ngân sách 8 tháng đầu năm ước đạt 85,6% dự toán - tăng 19,4% so với cùng kỳ; Xuất nhập khẩu 8 tháng đạt gần 498 tỷ USD - tăng 15,5% so với cùng kỳ, trong đó xuất siêu đạt 3,96 tỷ USD; Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ 8 tháng đạt gần 3,68 triệu tỷ đồng - tăng 19,3% so với cùng kỳ; Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước 8 tháng đạt trên 285,4 nghìn tỷ, bằng 51% kế hoạch và tăng 16,9% so với cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện 8 tháng đạt 12,8 tỷ USD - tăng 10,5% - cao nhất từ năm 2018 đến nay. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động 8 tháng đạt gần 150.000 doanh nghiệp (gấp 1,43 lần số doanh nghiệp rời khỏi thị trường);

Cá nhân Tôi dự báo Vnindex sẽ sớm tiến lên vùng 1350 điểm vào cuối năm nay;

II.2/ Danh mục Đầu tư “LOW RISK – HIGH RETURN” bao gồm 12 cổ phiếu - mến tặng quý anh chị Nhà đầu tư gần xa

Và để kết thúc chuyên mục “Tuần tới mua bán gì?” kỳ thứ 3 này, Tôi xin thân tặng quý Nhà đầu tư gần xa Danh mục Đầu tư gồm 12 mã cổ phiếu được tôi xây dựng dựa trên phương pháp đầu tư “LOW RISK – HIGH RETURN” mà tôi đã vừa chia sẻ đến quý NĐT ở trên để quý Nhà đầu tư tự đánh giá và kiểm định sự hiệu quả của phương pháp đầu tư này sau khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng tới;

Đây là danh mục gồm 10 cổ phiếu mà tôi đã lọc và khuyến nghị nội bộ từ đầu tuần trước (tôi có thông báo trên Fb trang cá nhân) và bổ sung thêm vào 2 cổ phiếu mới là FRT và GVR vào danh mục; Tất cả các cổ phiếu này đều đã vượt qua 2 vòng lọc khắt khe: Vòng 1 phải thỏa hàng loạt tiêu chí khắt khe khi đánh giá về triển vọng và nền tảng cơ bản – tương ứng với Bước 1 của phương pháp. Tiếp đến là vòng 2, các cổ phiếu này phải được canh mua tại vùng mua tốt về mặt kỹ thuật mà tôi đã khuyến nghị; Và may mắn là sau 2 phiên thị trường điều chỉnh mạnh vào cuối tuần trước, thì chúng tôi đã có cơ hội giải ngân khi nhiều cổ phiếu trong danh mục đã chạm vùng giá tôi đã khuyến nghị mua vào;

Tỷ suất sinh lợi mục tiêu của Danh mục với độ rủi ro cực thấp gồm 12 cổ phiếu này nằm trong khoảng từ 20.4%-31.5% trên thời gian nắm giữ từ 3 đến 6 tháng; Nếu dùng thêm đòn bẩy tài chính (margin) ở mức vừa phải với tỷ lệ dưới 1:0.8 (vốn tự có 1 tỷ vay thêm không quá 800tr) thì có thể nâng mức tỷ suất sinh lợi mục tiêu của danh mục lên mức từ 36% - 56%;

Và đây là danh mục đầu tư cùng với các lưu ý đi kèm, quý anh chị có thể lưu về máy tính hoặc điện thoại để tiện theo dõi:

Tuần tới mua bán gì? [KỲ 3: 12 - 16/09/2022]

- Danh mục trên thích hợp cho các nhà đầu tư vốn từ 1 tỷ đến 50 tỷ

- Đối với nhà đầu tư vốn dưới 10 tỷ, chia đều vốn làm 12 phần bằng nhau và mua hết 12 cổ phiếu trên (tỷ trọng vốn phân bổ vào mỗi cổ phiếu trong danh mục khoảng 8% - 10%/Tổng vốn), các nhà đầu tư có vốn từ 20 - 50 tỷ, có thể gia tăng tỷ trọng vốn vào các cổ phiếu có thanh khoản lớn trên 200 tỷ/phiên như DGC,BSR,PVD,PVS,IDC, FRT nhưng không được quá 15%/tổng vốn để hạn chế rủi ro thanh khoản khi mua vào cũng như bán ra;

- PVD, PVS, IDC, LHG, GVR cũng là các cổ phiếu nằm trong danh mục đầu tư gồm 24 mã cổ phiếu áp dụng theo phương pháp "LOW RISK - HIGH RETURN" đã được chia sẻ và khuyến nghị rộng rãi từ ngày 14/07/2022 trên trang facebook: www.facebook.com/DAUTU688; Tương tự PHR nằm trong danh mục 22 cổ phiếu khuyến nghị ngày 3/08/2022 và REE, DGC nằm trong danh mục 20 cổ phiếu khuyến nghị ngày 8/08/2022;

- Thông tin phân tích về DGC, IDC và GVR quý NĐT có thể tham khảo trên chuyên mục "Tuần tới mua bán gì" kỳ 1 và kỳ 2 Thành đã phân tích và chia sẻ trên trang 24hmoney.vn; Thông tin các cổ phiếu còn lại sẽ được tôi chia sẻ chi tiết hơn ở các kỳ sau của chuyên mục hoặc NĐT có thể liên hệ trực tiếp với tôi qua trang Fb cá nhân;

Lưu ý: Thông tin chia sẻ, khuyến nghị và dự báo trên chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin tham khảo và Nhà đầu tư hoàn toàn tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình;

Trân trọng và kính chúc quý Nhà đầu tư giao dịch thành công!

Nhà đầu tư Nguyễn Văn Thành

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Nguyễn Văn Thành Pro

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

11 Yêu thích
2 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại