Tuần đầu của tháng 1, thế giới ghi nhận số ca mắc Covid-19 kỷ lục
Số trường hợp được xác nhận mắc Covid-19 trên thế giới trong tuần đầu tiên của tháng Giêng đã tăng gần 14 triệu người, đây là mức kỷ lục kể từ đầu đại dịch.
Sự gia tăng bùng nổ về tỷ lệ mắc Covid-19 được ghi nhận dựa trên sự lây lan của chủng Omicron, cũng như các biến thể mới, bao gồm cả ở Pháp và Síp. Theo các nhà khoa học Síp, biến thể mới được tìm thấy ở một số cư dân nước này là sự lai tạo giữa chủng Delta và Omicron, do đó nó được đặt tên là Deltacron.
Trong khi đó, tỷ lệ tử vong đang giảm xuống - tuần thứ 2 liên tiếp trên thế giới ghi nhận ít hơn 40 nghìn ca tử vong.
Kỷ lục mới
Tỷ lệ mắc Covid-19 cao nhất hiện nay là ở Mỹ - trong một tuần có hơn 3 triệu người bị ca mắc mới được phát hiện và sự gia tăng số ca mắc mới vượt quá 800 nghìn người mỗi ngày. Trong bối cảnh đó, mới đây Mỹ đã quyết định rút ngắn thời gian chờ giữa 2 mũi vắc xin đầu với mũi vắc xin tăng cường của hãng Moderna và Pfizer/BioNTech cho người trên 18 tuổi từ 6 tháng xuống còn 5 tháng.
Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) nhấn mạnh sự điều chỉnh như vậy có thể cung cấp khả năng bảo vệ sớm hơn trước biến thể Omicron lây lan nhanh.
Ở vị trí thứ hai là Pháp, kể từ đầu tháng nước này ghi nhận 1,5 triệu người mắc Covid-19 và mức tăng hàng ngày lần đầu tiên vượt quá 300 nghìn ca. Đồng thời, các nhà chức trách Pháp lưu ý trước đó rằng, Delta vẫn là biến chủng thống trị ở nước này, tuy nhiên Omicron được coi là dễ lây lan hơn.
Tại Anh, khoảng 1 triệu người mắc Covid-19 mới đã được phát hiện trong một tuần và vào ngày 4/1, có khoảng 218 nghìn trường hợp mỗi ngày - đây là mức cao kỷ lục của quốc gia này. Bên cạnh đó, ở Vương quốc Anh, nơi có khoảng 80% dân số được tiêm chủng, tỷ lệ tử vong do Covid-19 được các chuyên gia đánh giá đang ở mức thấp nhất thời gian gần đây.
Đạt đỉnh
Ở châu Âu, tỷ lệ mắc mới đang tăng lên ở hầu hết mọi nơi và ngay cả việc thắt chặt các hạn chế mới cũng không giúp kiềm chế làn sóng lây lan. Ở Tây Ban Nha, gần 700 nghìn trường hợp lây nhiễm được phát hiện trong một tuần và ở Italy hơn 800 nghìn ca - đây là con số cao kỷ lục của hai quốc gia này kể từ đầu đại dịch.
Mặc dù việc đóng cửa gần như hoàn toàn đã có hiệu lực ở Hà Lan từ giữa tháng 12/2021, nhưng tốc độ lây lan của dịch bệnh đã lên đến đỉnh điểm. Lần đầu tiên, hơn 35 nghìn trường hợp mắc Covid-19 mỗi ngày được phát hiện nước này.
Số ca mắc Covid-19 mới cũng đang tăng lên ở các nước mà trước đây tỷ lệ mắc đã giảm. Tại Đức, hơn 50 nghìn ca mỗi ngày được ghi nhận. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có khoảng 40 nghìn người nhiễm mỗi ngày được phát hiện vào tháng 12 năm ngoái, thì giờ đây có hơn 60 nghìn ca mắc Covid-19 được ghi nhận.
Tăng trở lại
Tốc độ lây lan của Covid-19 đang tăng nhanh bên ngoài Mỹ và châu Âu, bao gồm cả châu Á và châu Mỹ Latinh. Ở Ấn Độ, so với cuối năm ngoái, số ca mắc mới đã tăng cao trở lại. Sáng ngày 9/1, Ấn Độ báo cáo có 159.632 trường hợp mắc Covid-19 mới trong 24 giờ, khi nước này ghi nhận đợt lây nhiễm tồi tệ nhất kéo dài 3 ngày kể từ tháng 6/2021. Con số mới nhất đã đánh dấu ngày thứ 3 liên tiếp nước này có số ca mắc mới hàng ngày vượt mốc 100.000.
Sự gia tăng làn sóng Covid-19 mới ở Philippines thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Ngày 9/1, Philippines tiếp tục ghi nhận số ca mắc Covid-19 ở mức cao mới với 28.707 ca sau con số kỷ lục 26.458 ca mắc mới một ngày trước đó.
Một đợt bùng phát mới đã bắt đầu ở châu Mỹ Latinh. Ở Brazil, lần đầu tiên kể từ tháng 7/2021, hơn 50 nghìn ca mắc mới mỗi ngày được ghi nhận, ở Colombia và Mexico - 25 nghìn ca mỗi ngày.
Tại Argentina, nơi vào cuối tháng 12/2021, số ca mắc Covid-19 vào khoảng 50 nghìn người mỗi ngày thì hiện có 110 nghìn trường hợp được báo cáo hàng ngày.
Theo lý giải của giới chức y tế Argentina, số lượng ca nhiễm mới tăng mạnh trong thời gian vừa qua rơi vào đúng giai đoạn bắt đầu kỳ nghỉ Hè ở Nam Bán cầu và hàng trăm nghìn người đã di chuyển tới các điểm du lịch trên cả nước khi các biện pháp hạn chế hầu như đã được dỡ bỏ.
Mặc dù vậy, chính phủ Argentina vẫn không có ý định siết chặt các biện pháp hạn chế như trước đây vì cho rằng đa phần các ca nhiễm mới đều ở thể nhẹ và đều tự khỏi bệnh sau thời gian cách ly.
Trong khi đó, số ca bệnh nặng phải điều trị tích cực vẫn ở mức thấp so với trước đây và không gây ảnh hưởng tới hệ thống y tế quốc gia. Một lý do nữa được Bộ Y tế Argentina đưa ra là do kết quả tích cực của chương trình tiêm chủng đại trà mà nước này đang triển khai từ hồi đầu năm 2021 đến nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận