Tuần Châu Group của đại gia Đào Hồng Tuyển làm ăn ra sao?
Sở hữu hệ sinh thái đồ sộ và nắm trong tay loạt dự án khủng, song bức tranh tài chính của Tuần Châu Group lại là ẩn số với đa phần công chúng.
Tuần Châu là một trong những doanh nghiệp đầu tiên phát triển lĩnh vực du lịch, dịch vụ tại Quảng Ninh theo hướng quy mô lớn. Ở thời điểm trước năm 2000, theo đánh giá của giới đầu tư, đây là hướng đi táo bạo, nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với bản lĩnh của người đứng đầu Tập đoàn Tuần Châu - doanh nhân Đào Hồng Tuyển đã cho thấy định hướng đầu tư phát triển du lịch dịch vụ đẳng cấp tại Quảng Ninh là đúng đắn.
Tới nay, Tập đoàn Tuần Châu đã trở thành tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam, phát triển đa ngành trong nhiều lĩnh vực bao gồm: Bất động sản, đầu tư, sản xuất & xuất nhập khẩu, du lịch, khách sạn, vui chơi giải trí, du thuyền, bến cảng, sân golf, hay ít biết hơn, là cả đất hiếm.
Dù vậy, bức tranh tài chính của tập đoàn này vẫn là ẩn số với đa phần công chúng.
Theo tìm hiểu, Tuần Châu Group là tập hợp của nhiều pháp nhân, với vai trò "lõi" của Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh.
Giai đoạn 2016-2019, Âu Lạc Quảng Ninh có doanh thu thuần không mấy ổn định. Như năm 2017, chỉ tiêu này (công ty mẹ) ở mức 864 tỷ đồng, nhưng đến năm 2018 lại giảm hơn 600 tỷ, về mức 226 tỷ đồng và phục hồi lên 739 tỷ đồng trong năm 2019. Hiệu quả kinh doanh cũng là vấn đề đáng bàn khi doanh nghiệp này nhiều năm liên tục báo lỗ, riêng năm 2018 lỗ hơn 77 tỷ đồng, và lỗ 57,6 tỷ đồng năm 2019. Ở giai đoạn này, doanh nghiệp chỉ có lãi duy nhất vào năm 2016 với con số khiêm tốn 1,6 tỷ đồng.
Dù công ty thua lỗ nhưng quy mô tài sản vẫn có xu hướng đi lên. Trong 4 năm 2016-2019, tổng tài sản tăng từ 2.945 tỷ đồng lên 3.453 tỷ đồng.
Khi nhắc đến Tập đoàn Tuần Châu, một pháp nhân khác không thể bỏ qua đó là CTCP Tuần Châu Hà Nội - chủ đầu tư dự án “Khu du lịch quốc tế Tuần Châu Hà Nội” (tên thương mại Tuần Châu Ecopark) rộng 200ha tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Cập nhật tại ngày 9/7/2020, vốn điều lệ của công ty đạt mức 1.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên giống như Âu Lạc Quảng Ninh, Tuần Châu Hà Nội cũng có kết quả kinh doanh không mấy sáng sủa.
Cụ thể, trong 4 năm từ năm 2016, Tuần Châu Hà Nội liên tiếp thua lỗ, với khoản lỗ ngày càng lớn, đỉnh điểm là lỗ 149 tỷ đồng năm 2019, hệ quả là vốn chủ sở hữu co về còn vỏn vẹn 26 tỷ đồng cuối năm 2019, tổng tài sản là 1.265 tỷ đồng. Cùng với việc thua lỗ, Tuần Châu Hà Nội cũng gánh trên vai khoản nợ lớn và có xu hướng tăng theo từng năm với biên độ 32%, từ 937 tỷ đồng năm 2016 lên mức 1.238 tỷ đồng trong năm 2019.
Về phần mình, CTCP T&H Hạ Long được thành lập vào năm 2007 với vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Công ty này từng hợp tác với CTCP Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh để triển khai Dự án Tuần Châu với quy mô 178.000 m2 tại Tuần Châu, Quảng Ninh.
Pháp nhân này cho thấy sự gắn kết chặt chẽ giữa Tập đoàn Tuần Châu và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của nữ doanh nhân Trương Mỹ Lan, phu nhân của nhà tài phiệt Hồng Kông, ông Eric Chu Nap Kee (Chu Lập Cơ).
Cụ thể, tháng 1/2020, "chúa đảo" Đào Hồng Tuyển đã nhường vị trí chủ tịch HĐQT T&H Hạ Long cho ông Lâm Khắc Vinh (Truong Vincent Kinh, SN 1974) và đến cuối năm, chiếc ghế này tiếp tục "đảo" qua ông Nguyễn Vũ Anh Thi (SN 1982). Cả hai người này đều là những nhân sự quen tên trong hệ sinh thái doanh nghiệp của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Về tình hình kinh doanh, tổng tài sản của T&H Hạ Long luôn duy trì mức cao trong giai đoạn 2016-2019, dao động trong khoảng 2.500-2.700 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2019 là 2.740 tỷ đồng.
Cùng với việc mở rộng quy mô kinh doanh, doanh thu thuần của T&H Hạ Long cũng thể hiện sự tăng trưởng mạnh và đạt đỉnh vào năm 2019 với 423,4 tỷ đồng, lợi nhuận thuần tương ứng ở mức 51,2 tỷ đồng.
Đây là doanh nghiệp hiếm hoi trong hệ sinh thái Tuần Châu báo lãi và hoạt động hiệu quả. Ở diễn biến liên quan, ngày 21/6 vừa qua, Agribank đã tổ chức đấu giá khoản nợ xấu hơn 12,3 tỷ đồng của CTCP Thời trang Lua La và Công ty TNHH nhà hàng Nhã Nam. Đây là khoản nợ liên quan đến ông Đỗ Ngọc Minh - con trai của cựu chủ tịch Agribank Đỗ Tất Ngọc và là con rể của “Chúa đảo” Tuần Châu Đào Hồng Tuyển. Tài sản bán đấu giá là 1,5 triệu cổ phần phổ thông của T&H Hạ Long do bà Đào Thị Đoan Trang - vợ ông Đỗ Ngọc Minh đứng tên sở hữu được thế chấp tại Agribank. Giá trị tài sản xác định thời điểm cho vay gần nhất là 12 tỷ đồng, đồng nghĩa với định giá 8.000 đồng/CP.
Cùng với T&H Hạ Long, đầu năm 2017, Tuần Châu đã thành lập một loạt doanh nghiệp tại TP.HCM với tổng vốn hơn 16.000 tỷ đồng như Công ty TNHH Sài Gòn Marina City (vốn 900 tỷ đồng), Công ty TNHH Sài Gòn New City (3.000 tỷ đồng); CTCP Đầu tư và Phát triển Tuần Châu (5.500 tỷ đồng); CTCP Tập đoàn Tuần Châu Holdings; Công ty Đầu tư Kinh doanh và Quản lý chợ Kim Biên (1.200 tỷ đồng); CTCP Đầu tư Tuần Châu Global Capital (5.450 tỷ đồng), CTCP Đầu tư và Phát triển Tuần Châu. Phần nhiều trong số này được thành lập trên cơ sở hợp tác cùng Vạn Thịnh Phát Group.
Dẫu vậy, ngoại trừ Sài Gòn New City, các pháp nhân còn lại đều đã đồng loạt giải thể với lý do kinh doanh không hiệu quả. Dù vậy, Sài Gòn New City cũng không có hoạt động nào đáng kể, chưa phát sinh doanh thu thuần các năm qua; tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản là 2.999 tỷ đồng.
Một thành viên đáng chú ý khác của Tuần Châu Group là Công ty TNHH Jen Tuần Châu. Công ty này được thành lập vào năm 2012 với vốn điều lệ 243,6 tỷ đồng, thành phần cổ đông gồm Công ty TNHH MTV Đảo Ngọc (49%) và Công ty Jen Capital Viet Nam (trụ sở ở Hồng Kông sở hữu 51%). Tại đây, con gái "chúa đảo" Đào Hồng Tuyển là bà Đào Thuỵ Phương Thảo (sinh năm 1990) giữ vị trí Chủ tịch HĐTV.
Tương tự như phần lớn các thành viên trong trong tập đoàn, giai đoạn 2017-2019, Jen Tuần Châu cũng ghi nhận kết quả kinh doanh kém khả quan, khi chưa phát sinh doanh thu nhưng liên tục ghi nhận lỗ thuần, riêng năm 2016 lỗ hơn 8 tỷ đồng. Thêm vào đó, Jen Tuần Châu cũng sử dụng đòn bẩy tài chính khá cao, với hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 3,2 lần tới cuối năm 2019.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận