menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Dương Mạnh

Từ vụ VN Pharma: Lỗ hổng của luật hay lỗ hổng từ con người?

Liên quan vụ án tại VN Pharma, ngày 2-10-2019, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân TPHCM nhận định hiện vẫn còn một số lỗ hổng pháp lý, dễ dàng để các đối tượng xấu lợi dụng nhập khẩu, sản xuất thuốc kém chất lượng tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao “đối tượng xấu” lại chỉ lợi dụng lỗ hổng này để bán thuốc vào bệnh viện công?

Rất khó, nhưng không phải với VN Pharma

Công ty cổ phần VN Pharma được thành lập tháng 10-2011. Mặc dù tuổi đời còn non trẻ nhưng chỉ chưa đầy bốn năm, nhiều loại thuốc của VN Pharma đã trúng thầu tại các bệnh viện lớn ở TPHCM.

Theo báo Tuổi Trẻ số ra ngày 3-10-2019, danh mục thuốc trúng thầu vào bệnh viện giai đoạn 2011-2014 cho thấy bảy loại thuốc nhãn Health 2000 đã được nhập khẩu vào Việt Nam với tổng trị giá trên 4,3 triệu đô la Mỹ, trúng thầu vào nhiều bệnh viện và đã sử dụng hết. Trong khi nguồn gốc thuốc và nguồn gốc doanh nghiệp chưa rõ ràng, Cục Quản lý dược đã buộc phải yêu cầu ngưng lưu hành.

Ngoài ra, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, ngoài bảy loại thuốc có số đăng ký mang nhãn Helix, Cục Quản lý dược còn cấp cho VN Pharma một số giấy phép nhập chuyến để nhập thuốc từ Helix. Theo quy định ở thời điểm đó, chỉ được nhập khẩu chuyến các thuốc “chứa dược chất có ít số đăng ký lưu hành tại Việt Nam”.

“Ít” ở đây là nếu thuốc chỉ có dưới 5 số đăng ký và thị trường có nhu cầu, có công ty đề nghị thì được nhập khẩu chuyến. Trong các loại thuốc mà VN Pharma đề nghị và được nhập chuyến từ Helix, H-Capita có ít số đăng ký thuốc tương tự nhất trên thị trường. Với H-Epra 40, trên thị trường có tới 96 thuốc tương tự , H-Lastapen 500 mg có 55 số đăng ký và loại thuốc còn lại trong danh sách có tới 166 số đăng ký!

Đến tháng 5-2014, thuốc H-Capita của VN Pharma nhập về đã trúng thầu vào Trung tâm Đấu thầu thuốc tập trung y tế trực thuộc UBND TPHCM với 9.300 hộp.

Theo lãnh đạo một công ty dược tại TPHCM, một công ty dược mới thành lập ở Việt Nam thường khó tham gia đấu thầu, mời thầu vì chưa đủ kinh nghiệm. Nếu đăng ký xin hồ sơ nhập chuyến, phải mất ba năm hàng mới được nhập về Việt Nam, rồi còn phải có kinh nghiệm thêm ba năm bán buôn nữa thì mới đủ tiêu chuẩn làm hồ sơ thầu, phải có đội ngũ kinh doanh, tiếp thị, tổ chức hội nghị... nhưng vẫn có rủi ro rớt thầu.

Vị lãnh đạo này kể mỗi lần làm hồ sơ đăng ký thuốc, bộ hồ sơ nộp lên Cục Quản lý dược phải cao hơn đầu người ngồi, với năm thùng carton hồ sơ, qua năm tiểu ban của Bộ Y tế duyệt, phải mất 2-3 năm chỉnh sửa, nộp lại nhiều lần, bổ sung chứng từ, công chứng, đóng dấu...

Do cơ chế hay con người?

Trước khi thành lập Trung tâm Mua sắm hàng hóa và tài sản công của ngành y tế TPHCM vào năm 2014 và trước khi có quy định về đấu thầu tập trung, mỗi bệnh viện được tự đấu thầu thuốc, thiết bị y tế và do mỗi nơi làm một kiểu với giá khác nhau nên Nhà nước không sao kiểm soát được.

Từ khi nhập khẩu thuốc đến lưu kho, phân phối đến tay người bệnh phải trải qua năm chặng (năm tầng nấc trung gian), qua mỗi tầng nấc giá thuốc lại bị đội lên 10-15%. Trong khi nếu giao cho các công ty đa quốc gia phân phối, từ khi nhập về đến tay người bệnh giá chỉ đội lên khoảng 3-5%. Tại Việt Nam lúc này không tìm ra được công ty nào có thể thay thế như vai trò của một công ty đa quốc gia để phân phối thuốc vào các bệnh viện, vì lo ngại độc quyền cũng như bị lợi ích nhóm chi phối.

Thực tế, có hai công ty đa quốc gia chiếm lĩnh tới 50-60% thị trường dược Việt Nam (khoảng 1,5-1,8 tỉ đô la Mỹ, tính theo giá nhập). Các công ty này thông qua các công ty Việt Nam để nhập khẩu, đấu thầu đưa thuốc vào kênh bệnh viện hoặc bán trên thị trường tự do.

Ở mỗi nhóm thầu vào bệnh viện, Nhà nước không khống chế số lượng. Các bệnh viện mua rất nhiều thuốc biệt dược do chất lượng điều trị tốt và cũng vì bệnh nhân muốn dùng thuốc “xịn”. Có những bệnh viện tuyến trung ương, thuốc biệt dược chiếm 80% chi phí điều trị của bệnh nhân.

Năm 2012, Thông tư 01 của Bộ Y tế ra đời, quy định nhóm thuốc biệt dược chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 20% và giảm dần xuống còn 5% về số lượng, nhưng về giá trị vẫn cho chiếm khoảng 30%. Các thuốc từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia... có chất lượng “kém” hơn, sẽ do thị trường tự điều phối. Nhà nước chỉ điều phối nhóm biệt dược gốc và nhóm thuốc sản xuất từ các nước đứng đầu thế giới về công nghệ dược phẩm.

Năm 2014, Nhà nước thay đổi sang hình thức đấu thầu tập trung, đấu thầu quốc gia. Lúc này, Bộ Y tế không tìm được một công ty dược trong nước đủ lớn, trong khi phần lớn sản lượng thuốc nhập khẩu nằm trong tay hai tập đoàn nước ngoài là Zulic và DKSH. Do đó, Nhà nước mới thí điểm đấu thầu tập trung tại TPHCM.

Một lãnh đạo Sở Y tế TPHCM trước đây cho biết, để đấu thầu tập trung, một mình Sở Y tế TPHCM không thể kham nổi, cũng không thể “vừa đá bóng vừa thổi còi”, nên đã đề xuất UBND TPHCM thành lập “Trung tâm Mua sắm hàng hóa và tài sản công của ngành y tế” trực thuộc UBND TPHCM và một số cán bộ của Sở Y tế được cử qua trung tâm này phụ trách về chuyên môn, bên cạnh những nhân sự khác không thuộc ngành y tế, không có chuyên môn y tế.

Trong khi đó, các quy định về đấu thầu dược được xây dựng dựa vào các quy định về đấu thầu xây dựng nên thiếu thông tin cụ thể, nhất là thông tin chuyên ngành dược. Các nhân sự của trung tâm, bên có chuyên môn y tế (dược) và bên không có chuyên môn, khó có tiếng nói chung.

Đây là giai đoạn VN Pharma nổi lên như một “ngôi sao” trong đấu thầu thuốc vào các bệnh viện.

Sau hai năm, Trung tâm Mua sắm hàng hóa và tài sản công của ngành y tế bị giải tán và UBND TPHCM trả việc đấu thầu thuốc về cho Sở Y tế.

Đấu thầu đang theo hướng tốt hơn

Sau khi “giải tán” Trung tâm Mua sắm hàng hóa và tài sản công của ngành y tế TPHCM, Bộ Y tế họp nhiều lần và ra quyết định Sở Y tế chỉ chấm đấu thầu tập trung về kỹ thuật, còn về khung giá cho từng loại thuốc và số lượng mua, tiền trả hết bao nhiêu do bệnh viện tự quyết định.

Năm 2017, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia được thành lập, với chức năng cân đối tài chính và cơ số thuốc sao cho hợp với túi tiền của Nhà nước và bệnh viện. Cơ quan Bảo hiểm y tế (BHYT) cuối năm sẽ tổng kết về số lượng thuốc cũng như giá trị (số tiền tiêu) nhiều nhất trong năm, rồi cắt nhóm thuốc này ra để cân đối ngân sách sao cho phù hợp.

Sau đó, Bảo hiểm xã hội tạo ra danh mục thầu tập trung cấp quốc gia để xem xét những loại thuốc được tiêu thụ số lượng nhiều hoặc có giá trị lớn để cắt giảm bớt. Trong số đó, những thuốc tiêu hết nhiều tiền là thuốc cung cấp từ các công ty đa quốc gia, thuốc biệt dược gốc. Nếu biệt dược gốc có những thuốc generic châu Âu thay thế, BHYT sẽ mời nhà cung cấp đến thương thảo lại giá cả hoặc là thay thế bằng thuốc generic nhóm 1. Nếu nhiều công ty đa quốc gia có cùng một biệt dược gốc được tiêu thụ hết nhiều tiền, BHYT mời các công ty này đến thương thảo nhằm hạ giá xuống mức thấp nhất để Bộ Y tế chọn và ký hợp đồng làm thầu quốc gia về cơ số và giá. Sau đó, BHYT và Bộ Y tế trả về cho các sở y tế mua với khung giá Bộ Y tế vừa thương thảo.

Theo các chuyên gia chuyên ngành dược, quy định về đấu thầu quốc gia, theo Thông tư 15/2019 của Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày 1-10-2019, đang theo xu hướng tốt hơn. Trước đó, trong Thông tư số 03/2019, Bộ Y tế quy định không chào thầu thuốc nước ngoài nếu như doanh nghiệp trong nước sản xuất được. Thông tư này cũng yêu cầu tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn cho các nhóm đấu thầu, tạo cơ hội cho những doanh nghiệp đầu tư về chất lượng sẽ gia tăng sức cạnh tranh so với doanh nghiệp nội ở kênh bệnh viện, ưu tiên các quốc gia sản xuất hàng tốt.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả