Từ vụ trừng phạt Didi, vì sao Bắc Kinh muốn trấn áp Big Tech?
Chính quyền Trung Quốc đang nhắm vào một loạt công ty công nghệ lớn của nước này. Các công ty càng lớn mạnh, chính quyền càng lo lắng.
Theo FT, Trung Quốc cho biết họ sẽ thắt chặt các quy định đối với các công ty niêm yết ở nước ngoài hoặc tìm cách bán cổ phiếu ra nước ngoài. Điều này khiến nhà đầu tư ở New York lo lắng và gây nguy hiểm cho các khoản đầu tư sinh lợi.
Sự thay đổi diễn ra khi các nhà quản lý Trung Quốc tăng cường giám sát các công ty công nghệ, bao gồm Didi Global gần đây đã niêm yết tại Mỹ.
Didi Chuxing - ứng dụng gọi xe có hơn nửa tỉ người dùng và được ví như "Uber Trung Quốc", bị điều tra chưa đầy 1 tuần sau khi niêm yết tại Mỹ là minh chứng mới nhất. Ứng dụng này bị yêu cầu gỡ bỏ khỏi các kho ứng dụng smartphone vì "thu thập bất hợp pháp dữ liệu người dùng".
Ngay sau Didi, 3 công ty công nghệ Trung Quốc cũng bị đặt vào tầm ngắm. Trên thực tế các tín hiệu cảnh báo đối với Didi và những công ty này đã xuất hiện từ lâu. Phố Wall vốn đã là cầu nối giữa phép màu kinh tế Trung Quốc và danh sách bom tấn của Mỹ của các công ty như Alibaba Group Holding Ltd. ở New York. Nó nhấn mạnh tầm ảnh hưởng kinh tế đang lên của Trung Quốc trong khi cho phép các nhà đầu tư Mỹ thu lợi từ sự tăng trưởng của họ.
Giờ đây, động thái hạn chế các danh sách như vậy của Trung Quốc làm nổi bật tầm nhìn khác nhau ở Bắc Kinh và Washington về tương lai của công nghệ, bảo vệ dữ liệu và an ninh. Với khoảng cách ngày càng rộng rãi về sự ngờ vực đối với một loạt vấn đề, cả các công ty Trung Quốc và Mỹ đều có thể bị mắc kẹt ở giữa.
Trong đó tín hiệu cảnh báo mạnh nhất là vụ điều tra chống độc quyền đối với Alibaba hồi cuối năm ngoái và đầu năm nay. Điểm chung của các công ty công nghệ bị "sờ gáy" là niêm yết tại thị trường Mỹ.
Alibaba huy động 25 tỉ USD khi IPO lần đầu năm 2014, Didi là hơn 4 tỉ USD trong đợt IPO cuối tháng 6 nhưng số tiền huy động không phải là vấn đề.
Vấn đề nằm ở chỗ quan hệ Mỹ - Trung đang căng thẳng và Washington đang chuẩn bị các công cụ pháp lý, buộc các công ty Trung Quốc phải cho Mỹ kiểm toán nếu muốn niêm yết. Chính quyền Bắc Kinh đã thông qua các luật đảm bảo an ninh quốc gia và yêu cầu các doanh nghiệp, trong đó có lĩnh vực công nghệ, hợp tác với các cơ quan an ninh.
Sự năng nổ của Cơ quan Quản lý nhà nước về quy chế thị trường Trung Quốc (SAMR) và Cơ quan Quản lý không gian mạng (CAC) đã làm chao đảo lĩnh vực công nghệ.
Đầu năm nay, sau khi nhắm vào Alibaba, SAMR đã yêu cầu 30 công ty công nghệ khác "tự chấn chỉnh" và báo cáo cho cơ quan này. Trong số những công ty được yêu cầu có cả Didi. Điều đó làm dấy lên suy đoán công ty này sẽ từ bỏ tham vọng IPO tại Mỹ.
Tuy nhiên, Didi cuối cùng cũng quyết định niêm yết. Dù huy động hơn 4 tỉ USD, công ty này lại chẳng tổ chức lễ ăn mừng. Chỉ vài ngày sau đợt IPO, Didi chính thức bị CAC điều tra khiến giá cổ phiếu sụt giảm 20%. Giá trị thị trường của Didi đã giảm 1/5.
Các luật sư và những người trong ngành công nghệ mô tả việc Trung Quốc tăng cường chống độc quyền là một điều lạ, bởi từ trước đến nay luật cạnh tranh luôn bị xem nhẹ vì thiếu sự giám sát của chính quyền.
Một số chuyên gia khác nhận định, chính quyền Trung Quốc đang muốn "yên lòng dân" bằng chiến dịch "trấn áp Big Tech".
Theo nhóm này, các công ty công nghệ ngày càng lớn mạnh nhưng lại ra sức bóc lột những người yếu thế và không chia sẻ những gì kiếm được với nhân viên, điển hình như các nền tảng thương mại trực tuyến và các công ty giao thức ăn.
Sau nhiều năm tăng trưởng nhanh chóng không bị kiềm chế, trở thành một trong những công ty lớn nhất trên thế giới, các tập đoàn Trung Quốc hiện phải đối mặt với tiền phạt và các quy định mới nhằm hạn chế các hoạt động độc quyền.
Chính quyền Bắc Kinh nhấn mạnh không một công ty công nghệ nào có quyền trở thành kho dữ liệu thông tin cá nhân lớn hơn chính quyền. Lời cảnh báo của Bắc Kinh không chỉ dành cho các công ty công nghệ khác mà còn phản ánh nỗi lo của chính quyền Trung Quốc về sự lớn mạnh của Big Tech.
Hồi tháng 3.2021, thành viên của Ủy ban tư vấn Chính phủ Trung Quốc Li Shouzhen tuyên bố đã tới lúc kiểm soát các Big Tech, chuyển từ giai đoạn phát triển không kiểm soát sang có kiểm soát.
Theo ông Li, chấn chỉnh lại các công ty công nghệ lớn là cần thiết để tạo ra sự cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng và các công ty khởi nghiệp nhỏ khỏi việc bị các Big Tech "nuốt chửng".
Chính quyền Trung Quốc dường như đã hạ quyết tâm "bẻ nanh vuốt" các Big Tech và đang làm rất nhanh, với các quy định tiệm cận Mỹ và châu Âu. Luật chống độc quyền của Trung Quốc cho phép phạt tới 10% tổng doanh thu nội địa hằng năm của một công ty. Đây là mức phạt tương đương quy định ở châu Âu.
Giáo sư tài chính Oliver Rui tại Thượng Hải cảnh báo: việc kiểm soát chặt chẽ việc thu thập dữ liệu sẽ là rủi ro hàng đầu đối với các công ty công nghệ và tạo ra ảnh hưởng dây chuyền.
Chẳng hạn như việc Apple đã khiến ngành quảng cáo toàn cầu lao đao khi cập nhật các phiên bản hệ điều hành mới, trong đó cho phép người dùng quyết định chia sẻ hay ngăn chặn các ứng dụng/trang web thu thập dữ liệu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận