Từ vụ trái phiếu Tân Hoàng Minh: Bịt ‘lỗ hổng’ pháp lý, kiểm soát dòng tiền thế nào?
Vụ việc Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh không chỉ cho thấy vi phạm của doanh nghiệp mà còn lộ ra “lỗ hổng” pháp lý trong lĩnh vực này.
Luật sư Vũ Văn Thiệu, Hãng luật INCIP, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã có cuộc trao đổi với PV Tiền Phong về các quy định hiện hành và những biện pháp bịt “lỗ hổng” pháp lý này.
Thưa luật sư, từ vụ án liên quan đến Tân Hoàng Minh và 9 lô trái phiếu của nhóm doanh nghiệp này bị hủy đã lộ ra những “lỗ hổng” nào trong việc huy động trái phiếu?
Luật sư Vũ Văn Thiệu: Hiện tại, việc phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp được điều chỉnh bởi Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ Quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (gọi tắt là Nghị định 153).
Tuy nhiên, quy trình chào bán trái phiếu (quy định tại Điều 11 Nghị định 135) và phương án phát hành trái phiếu và thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận phương án phát hành (quy định tại Điều 13 Nghị định 135) vẫn còn nhiều “lỗ hổng”, chưa quy định rõ vai trò giám sát, quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
Luật sư Vũ Văn Thiệu
Qua vụ việc trên, người mua trái phiếu cần chú ý đến những yếu tố nào để tránh rủi ro?
Luật sư Vũ Văn Thiệu: Thông thường, nhà đầu tư trái phiếu luôn luôn quan tâm đến vấn đề lãi suất đối với trái phiếu, chưa thật sự nhìn nhận đầy đủ các thông tin liên quan đến trái phiếu mà mình định đầu tư.
Vấn đề cần quan tâm đầu tiên là tổ chức nào nhận bảo lãnh phát hành hay bảo lãnh thanh toán cho trái phiếu đó. Cần lưu ý rằng, phần lớn tổ chức đứng ra bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp là bảo lãnh phát hành, chứ không phải là bảo lãnh thanh toán.
Ví dụ trong vụ việc của Tân Hoàng Minh, Ngân hàng SHB thông báo, khẳng định chỉ cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản và dịch vụ quản lý tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu tổng trị giá 1.600 tỷ đồng do 2 công ty thuộc Tân Hoàng Minh phát hành. SHB không bảo lãnh phát hành, không bảo lãnh thanh toán, không đầu tư và không phân phối 2 lô trái phiếu nêu trên.
Một điểm cần lưu ý, các trái phiếu được phát hành, bảo lãnh bởi các ngân hàng, ít rủi ro hơn so với các loại trái phiếu khác, thì lại không hấp dẫn các nhà đầu tư, bởi lãi suất chỉ nhỉnh hơn một chút so với lãi suất tiền gửi tại ngân hàng.
Yếu tố tiếp theo các nhà đầu tư cần xem xét khi quyết định mua trái phiếu, cần chú ý đến tài sản bảo đảm đối với trái phiếu đó. Ví dụ, xem xét tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất và dự án hình thành thì cần phải nắm được những thông tin như: Dự án nằm ở đâu, đơn vị định giá có tên tuổi hay không. Nếu tài sản bảo đảm là cổ phần, thì giá trị của tài sản bảo đảm này sẽ có biên độ dao động lớn hơn phụ thuộc vào tình hình kinh doanh và uy tín của doanh nghiệp trên thị trường.
Theo luật sư, cần có những biện pháp nào để minh bạch thông tin trong huy động trái phiếu doanh nghiệp?
Luật sư Vũ Văn Thiệu: Đối với những “lỗ hổng” hiện tại, căn cứ hệ thống quy định pháp luật hiện hành, cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 153 theo hướng quy định cụ thể, chi tiết hơn về mục đích phát hành và giám sát việc sử dụng vốn huy động được sau khi phát hành trái phiếu. Theo đó, cần có cơ chế quản lý, tăng cường nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu đúng mục đích.
Cần quy định cụ thể về các điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp: Phải có tài sản bảo đảm, giá trị cụ thể của tài sản bảo đảm đối với trái phiếu phát hành, loại tài sản bảo đảm được chấp thuận, đồng thời phải trái phiếu phải có đơn vị tín dụng bảo lãnh phát hành và thanh toán, mới được chào bán ra thị trường trái phiếu.
Mặt khác, việc xử lý tài sản bảo đảm để trả nợ trái phiếu cần quy định cụ thể hơn, về thời hạn xử lý tài sản bảo đảm, thứ tự thanh toán cho các nhà đầu tư trái phiếu trong trường hợp doanh nghiệp mất khả năng thanh toán đối chiếu với các khoản nợ khác của doanh nghiệp.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 304/CĐ-TTg ngày 7/4/2022 về chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đây đã phải biện pháp căn cơ chấn chỉnh những vi phạm trên thị trường chứng khoán, thưa luật sư?
Luật sư Vũ Văn Thiệu: Công điện của Thủ tướng Chính phủ chủ yếu xử lý khẩn cấp, giao cho các cơ quan Công an, Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng khác khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, theo đó xử lý nghiêm các sai phạm đã và đang tồn tại trong thị trường tài chính hiện hành.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng giao nhiệm vụ rà soát các quy định pháp luật liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp và phát hành, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Việc rà soát, sửa đổi quy định pháp luật phù hợp với thực tế, theo đó triển khai quy định pháp luật trong thực tiễn, mới là căn cứ thực tế để chấn chỉnh, làm trong sạch thị trường tài chính nói chung, thị trường chứng khoán nói riêng, là cơ sở để những nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào thị trường chung.
Xin cảm ơn luật sư!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận