24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trịnh Vũ Tường
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Từ vụ lập khống 57 hồ sơ xét xử: Lộ nhiều bất cập về nhân sự ngành tòa án Đắk Nông

Vụ lập 57 hồ sơ khống tại huyện Đắk Song

Vì sao không kỷ luật nữ thẩm phán?

Mặc dù được xác định là người chủ mưu làm khống tới 57 bộ hồ sơ xét xử năm 2016 nhưng bà Bùi Thị Dung, Thẩm phán sơ cấp TAND huyện Đắk Song khi đó không bị TAND tỉnh Đắk Nông kỷ luật, cho nghỉ việc theo nguyện vọng.

Nguyên nhân được Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông Ngô ĐứcThọ cho biết, do bà Dung và Thư ký tòa chủ động làm đơn xin nghỉ việc trước khi có kết luận của Thanh tra TAND Tối cao. Bà Dung hiện đang hành nghề luật sư.

Luật sư Tạ Quang Tòng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk cho biết, theo quy định, các thẩm phán (từ sơ cấp trở lên), kiểm soát viên, điều tra viên (trung cấp trở lên)… khi không còn làm nghề này nữa (xin nghỉ việc hoặc nghỉ hưu), họ có quyền làm các thủ tục để chuyển thành luật sư hành nghề luật theo quy định.

“Đối với trường hợp của bà Bùi Thị Dung, bà này đã xin thôi việc tại TAND huyện Đắk Song, và được TAND tỉnh cho nghỉ việc theo nguyện vọng. Trong quyết định cho nghỉ việc cũng không nêu rõ trước đó bà Dung từng bị kỷ luật hay không, do đó khi bà này gửi hồ sơ sẽ được cấp có thẩm quyền xem xét, cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Trường hợp bà Dung đã bị kỷ luật, trước khi gửi hồ sơ lên Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh Đắk Nông phải thẩm tra xem xét mức độ kỷ luật, có nghiêm trọng hay không. Kể cả sau khi đã được cấp chứng chỉ hành nghề, nhưng trong hồ sơ có thể hiện trạng thái đã bị kỷ luật, Đoàn luật sư tỉnh Đắk Nông cũng có quyền xem xét, có khả năng sẽ không cho bà này hoạt động nghề luật sư”, luật sư Tòng phân tích.

Ngoài án ảo còn có án oan sai, áp dụng trái luật...

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, ngày 31/7/2020, TAND Tối cao đã ra kết luận 253 về việc thanh tra công vụ và kiểm tra việc thực hiện Quyết định 120 của TAND Tối cao đối với TAND hai cấp tỉnh Đắk Nông, trong đó có yêu cầu điều chuyển công tác các cán bộ, công chức tòa án liên quan vụ làm khống 57 hồ sơ án dân sự ở TAND huyện Đắk Song năm 2016.

Kết luận 253 cũng chỉ ra nhiều hạn chế, thiếu sót, vi phạm xảy ra tại TAND tỉnh Đắk Nông. Cụ thể, trong quá trình xét xử các vụ án hình sự của TAND hai cấp tỉnh này vẫn có những sai sót như cho bị cáo hưởng án treo, phạt tiền không đúng; áp dụng hình phạt không tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của bị cáo; "Có 2 vụ án để quá hạn luật định; Một số thẩm phán có tỷ lệ hủy án hơn 1,16%; Có một vụ án oan sai xảy ra tại TAND huyện Tuy Đức…", trích một phần kết luận 253.

Trên cơ sở kết luận của TAND Tối cao, TAND tỉnh Đắk Nông mới kiểm điểm, xử lý trách nhiệm những người vi phạm. Ban cán sự Đảng TAND tỉnh Đắk Nông thừa nhận, nguyên nhân để xảy ra những sai sót trên (bao gồm cả vụ làm khống 57 hồ sơ) một phần do một số Thẩm phán, thư ký Thẩm tra viên, công chức thiếu kinh nghiệm, năng lực còn hạn chế, chưa thực sự cố gắng, nỗ lực nghiên cứu, thực hiện công tác chuyên môn nghiệp vụ được giao, có lúc duy tình trong thực hiện nhiệm vụ công.

"Một số lãnh đạo đơn vị chưa thực sự chặt chẽ, sâu sát với công việc, có lúc còn nể nang, du di cho cấp dưới; thiếu kinh nghiệm trong công tác quản lý, nhất là giải quyết các lĩnh vực, sự việc mới phát sinh. Trong quá trình thảo luận, quyết sách những vấn đề chung hoặc đưa ra quan điểm xử lý công chức có lúc một số đồng chí trong Ban cán sự còn cả nể, xuôi chiều, ít đưa ra chính kiến, quan điểm cá nhân hoặc để tình cảm đan xen...", Ban cán sự Đảng TAND tỉnh Đắk Nông nêu rõ.

Cũng theo Ban cán sự Đảng TAND tỉnh Đắk Nông, các sai phạm, thiếu sót của công chức hàng năm đều kiểm điểm để rút kinh nghiệm và hạ mức đánh giá, xếp loại, hạ mức thi đua...nên được coi như đã xử lý. "Nhiều công chức xin thôi việc do không chịu nổi áp lực cũng ảnh hưởng nhất định đến công tác xử lý cán bộ, công chức (từ năm 2016 đến nay, TAND hai cấp tỉnh Đắk Nông có 10/138 công chức là Thư ký, Thẩm phán xin nghỉ việc", TAND tỉnh Đắk Nông cho biết thêm.

Một nguyên nhân khách quan khác cũng được Ban cán sự Đảng TAND tỉnh này đưa ra là do một số nội dung để xử lý Thẩm phán theo Quy định 120 chỉ được thực hiện khi người này hết nhiệm kỳ. Do vậy, tại thời điểm kiểm tra hoặc trong năm Thẩm phán có thể vi phạm về tỉ lệ, tuy nhiên hết nhiệm kỳ số liệu đã khác nên không vi phạm.

Trước yêu cầu xử lý nghiêm của TAND Tối cao, ngày 11/9/2020, Ban cán sự Đảng TAND tỉnh Đắk Nông đã họp kiểm điểm với tất cả các Thẩm phán, công chức có sai phạm. Cụ thể, kỷ luật cảnh cáo và đề nghị miễn nhiệm một thẩm phán sơ cấp; nguyên Chánh án TAND huyện Tuy Đức bị kỷ luật khiển trách vì là người đứng đầu đơn vị có án oan; Xử lý 10 trường hợp có án hủy vượt 1,16% và 3 trường hợp cho bị cáo hưởng án treo không đúng quy định…

“Đây là bài học sâu sắc trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TAND tỉnh, tập thể Ban cán sự Đảng TAND tỉnh nghiêm túc kiểm điểm, nhận trách nhiệm trước Ban cán Đảng, lãnh đạo TAND Tối cao”, lược trích báo cáo kiểm điểm của tập thể ban cán sự Đảng TAND tỉnh Đắk Nông.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả