menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trần Dương Quang

Từ vụ Biti's dùng gấm Trung Quốc: Để thoát vòng luẩn quẩn...

Theo chuyên gia, phải xác định dung lượng thị trường sản phẩm định làm, lựa chọn công nghệ hiện đại hơn và sau cùng là tổ chức sản xuất.

Nhận trách nhiệm về việc dùng loại gấm có bán sẵn trên Taobao của Trung Quốc trong sản phẩm vừa trình làng được giới thiệu là "cảm hứng miền Trung", Biti's cũng cho biết, trước đó doanh nghiệp này đã cố gắng tìm kiếm nguồn nguyên liệu vải trong nước nhưng chưa tìm được nhà cung cấp nào có vải dệt phù hợp.

Trong phản hồi chính thức, Biti's viết: "Bối cảnh ngành công nghiệp phụ trợ cho giày dép trong nước còn nhiều hạn chế, cũng như dịch bệnh hoành hành trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, Biti's Hunter xin hoàn toàn thừa nhận trách nhiệm về sự lựa chọn chưa thấu đáo này và cần nỗ lực nhiều hơn nữa để đáp ứng được sự kỳ vọng của người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt đối với dòng sản phẩm "Proudly Made in Vietnam" đầy tính tự hào".

Chia sẻ với thực tế ngành công nghiệp phụ trợ mà Biti's đưa ra trong phản hồi, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, quốc gia nào cũng phải phát triển công nghiệp phụ trợ. Trung Quốc thuận lợi hơn vì có thị trường rộng lớn 1,4 tỷ dân, mạng lưới sản xuất mạnh, sản lượng làm ra cực lớn nên có nhu cầu phát triển công nghiệp phụ trợ rất rõ ràng, doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ lớn mạnh và không phải lăn tăn gì bởi hàng sản xuất ra đến đâu bán được đến đó. Bên cạnh đó, khi thị trường rộng lớn như vậy, sản lượng cực lớn thì giá thành sản phẩm rất rẻ. Lợi thế này của Trung Quốc không có quốc gia nào giành được.

Dù vậy, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại khẳng định, trong kinh tế, không ai đứng mãi trên đỉnh cao. Vấn đề ở chỗ các nước khác, nếu quy mô còn nhỏ, sản lượng tiêu thụ không nhiều thì đành phải đi nhập vì sản xuất trong trường hợp này không đáng bao nhiêu, không thể thu hồi được vốn, nói gì đến có lợi nhuận.Việt Nam cũng không thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn ấy nếu không tính toán kỹ.

Như ngành da giày, PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho biết, máy, thiết bị da giày, da thuộc được Việt Nam nhập khẩu rất nhiều, chủ yếu là từ Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc rất đa dạng, phong phú về chủng loại mặt hàng, từ hàng cấp thấp đến cấp cao.

Tại Việt Nam, ông ghi nhận, ngành công nghiệp phụ trợ dệt may đã có bước phát triển nhất định nhờ xuất khẩu dệt may vào top đầu thế giới. Việt Nam tiêu thụ nguyên, phụ liệu dệt may rất lớn nên có cơ sở để phát triển công nghệ phụ trợ.

Vấn đề là chọn mảng, miếng nào để làm, và nguyên tắc của cạnh tranh là đi sau bao giờ cũng phải làm công nghệ mới hơn người đi trước. Làm công nghệ mới, đạt năng suất cao, chất lượng tốt hơn thì mới có thể thắng được người đi trước.

"Trong kinh tế, quy luật này là vĩnh viễn: người đi sau chỉ có thể thắng nhờ công nghệ mới hơn, tốt hơn, hiện đại hơn người đi trước.

Cho nên, Việt Nam muốn phát triển công nghiệp phụ trợ phải có những doanh nghiệp tiếng là phụ trợ nhưng thực chất là những doanh nghiệp nền tảng, nắm chắc công nghệ hiện đại", ông nói.

"Không thể có chuyện đi mua máy móc, công nghệ Trung Quốc về làm, thay thế cho việc nhập khẩu hàng Trung Quốc. Như vậy, doanh nghiệp chỉ có nước phá sản. Muốn thay thế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bằng hàng do doanh nghiệp trong nước tự sản xuất mà công nghệ không có gì mới, tổ chức sản xuất kém, quy mô nhỏ... thì không thể cạnh tranh được.

Cho nên, muốn công nghiệp phụ trợ làm sản phẩm gì thì phải tính toán từ dung lượng thị trường của mặt hàng đó trước. Dung lượng ấy có đáng để đầu tư không, ví dụ chỉ là thị trường nội địa hay phục vụ cho cả xuất khẩu?

Sau khi xác định có thị trường thì phải tính chọn công nghệ nào, công nghệ doanh nghiệp trong nước chọn không thể là công nghệ bắt chước y nguyên của nước khác mà phải hiện đại hơn. Chưa kể, hiện nay công nghệ thay đổi hàng ngày, nếu doanh nghiệp không chọn được công nghệ mới, mang lại năng suất, hiệu quả mới thì không thể nào địch nổi với "công xưởng của thế giới". Chọn được công nghệ rồi thì phải tổ chức sản xuất cho hiệu quả", PGS.TS Nguyễn Văn Nam chỉ rõ và nhấn mạnh, như vậy, không phải là không có lối thoát, nhưng để làm được không dễ chút nào, đòi hỏi phải có những con người thông minh, sáng tạo, dám nghĩ dám làm...

"Nếu chỉ hô hào, rồi ngay cả người không chút am hiểu cũng nhảy vào làm thì không thể thành công, và sau cùng lại quay về con đường nhập khẩu quen thuộc.

Điểm tích cực là rất nhiều doanh nhân trẻ hiện nay được đào tạo bài bản, tiếp thu công nghệ mới, có sáng tạo.

Nhưng trên hết Nhà nước vẫn phải hỗ trợ vì làm những việc này không rẻ chút nào, đòi hỏi rất nhiều sáng tạo, công nghệ mới, cung cách tổ chức, quản lý mới", PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho biết.

Trở lại sự việc của Biti's, vị chuyên gia đánh giá sự cố lần này rất đáng tiếc và có thể ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm của doanh nghiệp này dù lý do Biti’s phải nhập nguyên vật liệu từ Trung Quốc để sản xuất là có căn cứ.

Dù vậy, vị chuyên gia cũng lưu ý, Biti's đã xây dựng và khẳng định được tên tuổi của mình từ cách đây mấy chục năm, đặc biệt họ đã chinh phục được thị trường Trung Quốc từ lâu.

"Biti's len lỏi vào thị trường Trung Quốc, đầu tiên là ở những tỉnh biên giới còn lạc hậu rồi lấn vào các thành phố lớn, thuyết phục được thị trường Trung Quốc.

Việc chinh phục thị trường ấy là một bài học đáng quý về sự kiên trì. Hàng của Biti's trụ lại được ở thị trường Trung Quốc, họ am hiểu tâm lý của người tiêu dùng Trung Quốc nên đã thành công. Họ đưa được những nét đặc trưng của Việt Nam vào sản phẩm, tạo nên sự khác biệt, làm cho người tiêu dùng thích thú mà mua. Cho nên, Biti's phải cố gắng giữ gìn lòng tin của người tiêu dùng", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nhận xét.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả