Từ tháng 9: Trạm thu giá trở lại tên... trạm thu phí, tăng mức phạt với người ngoại tình
Trạm thu giá trở lại tên trạm thu phí; tăng mức phạt hành chính đối với người ngoại tình; phạt đến 30 triệu nếu yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch giả tạo... là một số chính sách có hiệu lực từ tháng 9.
Trạm thu giá trở lại tên trạm thu phí
Trước đây, nơi thu phí phương tiện tham gia giao thông đường bộ có tên gọi là trạm thu phí.
Kể từ khi thông tư 49/2016/TT-BGTVT có hiệu lực, tên gọi trạm thu phí đã bị sửa đổi. Theo đó, nơi thực hiện việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ của xe cộ được gọi là trạm thu giá. Việc này đã gây ra nhiều ý kiến phản ứng trái chiều.
Tuy nhiên, Thông tư 15/2020/TT-BGTVT có hiệu lực từ 15-9 tới đây, trạm thu giá sẽ chính thức trở về với tên gọi trạm thu phí. Điều này được quy định rõ tại khoản 1 điều 3: "Trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ (sau đây gọi tắt là trạm thu phí) là nơi thực hiện việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông đường bộ".
Như vậy, kể từ 15-9, trạm thu giá sẽ trở về lại với chính tên gọi ban đầu của nó là trạm thu phí.
Tăng mức phạt ngoại tình
Từ ngày 1-9, nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Nghị định này tăng mức phạt với nhiều hành vi vi phạm.
Cụ thể, các hành vi ngoại tình, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng (điều 59) có mức phạt từ 3-5 triệu đồng. Trong khi các hành vi này, theo nghị định 110 trước đây có mức phạt từ 1-3 triệu đồng.
Hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký kết hôn hoặc để làm thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (giấy xác nhận độc thân) có mức phạt tiền từ 1-3 triệu đồng.
Phạt từ 3-5 triệu đồng dành cho các hành vi đăng ký kết hôn bằng giấy tờ người khác hoặc cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về tình trạng hôn nhân để làm thủ tục đăng ký kết hôn.
Mức phạt tương tự đối với các hành vi sử dụng không đúng mục đích đối với giấy xác nhận độc thân; dùng giấy tờ người khác để làm thủ tục cấp giấy xác nhận độc thân; cam đoan, cung cấp thông tin, tài liệu sai để được cấp xác nhận độc thân.
Khai sinh muộn không còn bị phạt
Điều 37, nghị định 82 đã bỏ việc xử phạt đối với việc khai sinh muộn. Quy định trước đây xử phạt cảnh cáo đối với cha mẹ chậm khai sinh cho con (trong hạn 60 ngày). Như vậy, bố mẹ đăng ký khai sinh muộn cho con sẽ không còn bị phạt.
Tuy nhiên, nghị định tăng mức phạt đối với các vi phạm về đăng ký khai sinh như: Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ đã được cấp để làm thủ tục đăng ký khai sinh (phạt 1-3 triệu đồng); cam đoan, làm chứng sai sự thật về việc sinh; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về nội dung khai sinh; sử dụng giấy tờ của người khác để đăng ký khai sinh (phạt 3-5 triệu đồng).
Phạt đến 30 triệu đồng nếu giả mạo công chứng
Điều 12, nghị định 82 quy định mức phạt từ 20-30 triệu đồng đối với các hành vi: Giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người yêu cầu công chứng hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch để công chứng hợp đồng, giao dịch; giả mạo chữ ký của người yêu cầu công chứng; yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch giả tạo; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để công chứng hợp đồng, giao dịch...
Phạt đến 35 triệu đồng đối với hành vi hành nghề công chứng khi không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Tổ chức hành nghề công chứng bị phạt đến 50 triệu đồng đối với hành vi không phải là tổ chức hành nghề công chứng mà hoạt động công chứng hoặc sử dụng công chứng viên không đủ điều kiện hành nghề hoặc người không phải là công chứng viên.
Link nguồn
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận