menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trương Thanh Hoa

Từ sự ''bốc hơi' của Luna và TerraUSD: Cần chế tài kiểm soát đầu tư tiền ảo

Nửa đầu năm 2022 được cho là quãng thời gian không thể tồi tệ hơn đối với thị trường tiền ảo toàn thế giới. Giá của hầu hết các loại tiền ảo đều chỉ giảm chứ không tăng với biên độ “bốc hơi” lên tới hàng chục phần trăm. Việc mỗi ngày thị trường này mất đi hàng chục tỷ USD cũng dần trở thành bình thường và kéo theo đó hàng loạt nhà đầu tư bỗng chốc trắng tay.

Tháng 11/2021, thị trường tài sản kỹ thuật số đạt đỉnh với việc đồng Bitcoin (BTC) đạt mức cao kỷ lục khi 1 BTC “ăn” 69.000 USD và mức vốn hóa thị trường này đạt khoảng 3.000 tỷ USD. Tuy nhiên, sau đó thị trường này liên tục lao dốc. Cho đến đầu tháng 5 năm nay, BTC đã lao xuống dưới mốc 30.000 USD.

Tiếp đó, ngày 18/5, BTC giảm về mức giá thấp nhất trong vòng 1 năm qua khi chỉ còn hơn 28.000 USD sau những công bố của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt cho tới khi lạm phát hạ nhiệt. Mức vốn hóa thị trường tài sản số này theo đó giảm chỉ còn đạt khoảng 1,24 nghìn tỷ USD.

Mặc dù mức vốn hóa thị trường này vẫn còn nhỏ so với mức vốn hóa các thị trường tài chính truyền thống, nhưng sự quan tâm của nhà đầu tư ngày càng cao đối với các loại tài sản này đã đặt ra các yêu cầu đối với chính sách điều chỉnh hoạt động đầu tư trên thị trường này, đặc biệt là sau khi Luna và TerraUSD gần như mất sạch giá trị vào ngày 13/5 khiến nhiều sàn giao dịch đi đến quyết định tạm dừng giao dịch các đồng tiền này.

Tiêu biểu là vào ngày 13/6 vừa qua, thị trường tiền ảo đã có một phen “tắm máu” khi giá trị của các đồng liên tục đỏ sàn, hàng loạt sàn giao dịch phải ngừng không cho nhà đầu tư rút tiền, làn sóng bán tháo diễn ra ồ ạt chưa từng thấy. Các loại tiền ảo có giá trị cao nhất như Bitcoin hay Ethereum cũng mất giá chưa từng thấy khi lên tới 25-33% so với một tuần trước đó.

Chỉ riêng trong ngày hôm đó, tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền ảo toàn cầu đã “bốc hơi” hơn 927 tỷ USD. Đây là mức giảm “kinh khủng” nếu biết vào tháng 11/2021, con số này đang ở mức “đáng mơ ước” là 3.000 tỷ USD.

Thậm chí, Cơ quan quản lý Hàn Quốc phải đưa ra quyết định điều tra “khẩn cấp” thị trường giao dịch tiền kỹ thuật số để tìm ra các phương án bảo vệ nhà đầu tư trong tương lai.

5 năm là quãng thời gian quá dài để có thể ra đời các văn bản pháp lý cho tiền ảo nhằm bảo vệ nhà đầu tư. Nhìn sang nhiều quốc gia phát triển khác, có thể thấy, không thiếu nơi đã có những chế tài đủ mạnh cho lĩnh vực này.

Có thể kể đến như ở Mỹ, Bitcoin được coi như một loại hàng hóa và cho phép chứng khoán phái sinh dựa trên đồng tiền ảo này được giao dịch và những giao dịch này phải được báo cáo đầy đủ với cơ quan quản lý thuế. Điều này sẽ giúp hạn chế được các hoạt động thao túng giá Bitcoin, điều thường thấy trong giới tiền ảo, khi các cơ quan chức năng đã tăng cường giám sát.

Hay như Nhật Bản, ngay từ năm 2016, họ đã coi tiền ảo là một công cụ tài chính. Tuy nhiên, các hoạt động giao dịch hay đầu tư tiền điện tử bị kiểm soát rất chặt chẽ bởi các chế tài liên quan như phải có giấy phép và tài sản đảm bảo khi nhà đầu tư gặp rủi ro. Danh tính của nhà đầu tư phải được xác minh, lưu trữ và buộc phải cung cấp cho cơ quan chức năng nếu họ nhận ra giao dịch đáng ngờ.

Tuy nhiên, cho tới nay các chính sách điều chỉnh tài sản số vẫn còn rất “mỏng”, và có sự khác biệt lớn giữa các quốc gia. Điều này lại càng tạo ra nhiều thách thức trong việc điều chỉnh hoạt động này.

Bài học từ Luna và TerraUSD cho thấy các tổ chức cung cấp dịch vụ tiền điện tử hay rộng hơn là tài sản kỹ thuật số cần phải có được sự cấp phép từ các cơ quan quản lý sau khi đáp ứng được những tiêu chí nhất định do các cơ quan này yêu cầu. Những quy định này sẽ không chỉ giới hạn đối với các công ty cung cấp tài sản, giải pháp kỹ thuật số mà cả các sàn cung cấp dịch vụ giao dịch và các loại hình công ty liên quan khác.

Các quy định cần bao gồm lưu trữ, chuyển giao, thanh toán, lưu ký các khoản dự trữ của các loại tài sản này. Các quy định này sẽ tương tự như các quy định đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường tài chính hiện hành, nhưng cần được điều chỉnh cho phù hợp với tính chất của tài sản kỹ thuật số và các loại Stablecoins (đồng tiền ổn định) và đồng thời cung cấp các khuyến nghị đối với những rủi ro tiềm ẩn đối với các loại tài sản không đáp ứng được các tiêu chí đặt ra.

Bên cạnh đó, bản thân các cơ quan quản lý cũng cần có sự hỗ trợ của các tổ chức cung cấp dịch vụ để có thể tìm hiểu thêm các kỹ năng công nghệ khác như học máy, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sổ cái phân tán để áp dụng vào trong công tác giám sát hoạt động thị trường của mình (regtech). Để làm được điều này, sự hợp tác giữa các tổ chức cung cấp dịch vụ và các cơ quan quản lý là cần thiết, đảm bảo cách tiếp cận giám sát tốt nhất đối với các loại hình công nghệ, sản phẩm cũng như các giải pháp mới trên thị trường.

Về phía thị trường Việt Nam, theo thống kê của Statista, hiện Việt Nam đang có khoảng 6 triệu nhà đầu tư tham gia vào thị trường tiền ảo, con số thuộc Top đầu thế giới. Và lẽ dĩ nhiên khi cơn bão “mất giá” của tiền ảo càn quét toàn thế giới thì những người này cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng là gần đây nhiều nỗ lực đáng kể đã được thực hiện nhằm hướng tới việc điều chỉnh các loại tài sản này.

Quyết định số 942 ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng và thí điểm tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối Blockchain giai đoạn 2021-2023.

Tiếp đó, trong năm 2022, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 1798/VPCP-KTTH ngày 23/03/2022 gửi Bộ Tài chính về việc xây dựng khung pháp lý đối với tài sản ảo, tiền ảo. Do đó, có thể hy vọng rằng trong thời gian không xa, nhà đầu tư Việt Nam đối với các loại tài sản này sẽ có được những cơ chế bảo vệ tốt hơn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại