Từ những thương vụ triệu USD thất bại đến bê bối nợ học phí rồi bị bắt của shark Thuỷ
Ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) nổi tiếng sau khi tham gia Shark Tank Việt Nam 3 mùa đầu tiên và có chuỗi trung tâm tiếng Anh là Apax English.
Nổi lên ở Shark Tank Việt Nam
Ông Nguyễn Ngọc Thủy sinh ngày 17/04/1982 tại Hà Nội. Năm 17 tuổi, ông Thủy bắt đầu con đường khởi nghiệp bằng một trung tâm luyện thi đại học cùng thầy giáo của mình. Sau đó, ông thử sức nhiều dự án kinh doanh khác nhau và quyết định từ bỏ lịch trình học tập tại Đại học Mỏ - Địa chất như nguyện vọng đăng ký ban đầu.
Ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy).
Năm 2008, ông thành lập công ty Egame, tiền thân Tập đoàn Egroup đã phát triển đến nay được 14 năm. Sau đó, ông xây dựng "hệ sinh thái giáo dục" Egroup với chuỗi công ty con phát triển về giáo dục, sức khỏe, thông tin.
Đáng chú ý, trong nhiều năm liền, ông Nguyễn Ngọc Thủy nổi như cồn trong giới đầu tư khi tham gia Shark Tank Việt Nam 3 mùa đầu tiên và gắn với biệt danh Shark Thủy. Hàng loạt thương vụ đầu tư vào các công ty trên truyền hình đã làm nên tên tuổi của doanh nhân này.
Theo Tạp chí Tri thức, ngay mùa đầu tiên, Shark Thủy trở thành cá mập chi tiền nhiều thứ 4 trong số 7 nhà đầu tư khách mời với số vốn cam kết lên tới 19,2 tỷ đồng. Tổng cộng trong 3 mùa tham gia (2017-2019), Shark Thủy đồng ý rót tiền vào 9 startup với số vốn lên tới hàng chục tỷ đồng.
Một số dự án Shark Nguyễn Ngọc Thủy cam kết đầu tư trong Shark Tank Việt Nam có thể kể đến:
Dự án Soya Garden – lĩnh vực thực phẩm, đồ uống : Mức đầu tư 15 tỷ đồng cho 45% cổ phần công ty.
Dự án Volunteer for Education – lĩnh vực hàng không, du lịch : mức đầu tư 2,7 tỷ đồng cho 36% cổ phần.
Dự án Magic Book – lĩnh vực giáo dục và đào tạo: mức đầu tư 500.000 USD cho 30% cổ phần.
Dự án Talks cafe 100% English – lĩnh vực giáo dục : mức đầu tư 5 tỷ đồng cho 45% cổ phần.
Dự án We Escape – lĩnh vực dịch vụ khách hàng : mức đầu tư 5 tỷ đồng cho 36% cổ phần.
Dù để lại không ít dấu ấn trên thị trường, hầu hết dự án nhận vốn từ Shark Thủy đều sớm nở chóng tàn. Bên cạnh vấn đề về chiến lược kinh doanh, một trong những nguyên nhân chính khiến các dự án thất bại là Covid-19.
Tham vọng vào giáo dục và lùm xùm tại chuỗi trung tâm tiếng Anh lớn nhất Việt Nam
Thành công lớn nhất của Shark Thủy có lẽ là xây dựng được chuỗi trung tâm tiếng Anh Apax English và EnglishNow.
Trong một thời gian dài, Apax English và EnglishNow được xem là “gà đẻ trứng vàng” của Apax Holdings (IBC) - một thành viên trực thuộc Tập đoàn Egroup của Shark Thủy. Tới cuối năm 2022, Shark Thủy sở hữu 6,17% vốn IBC, trong khi Egroup nắm gần 16,8%.
Theo giới thiệu, Apax Holdings nắm 66,36% vốn tại CTCP Anh ngữ Apax (Apax English/Apax Leaders). Hệ thống này khi cao điểm có hơn 120 trung tâm trên toàn quốc với thương hiệu Apax Leaders, trải rộng tại hơn 30 tỉnh thành với khoảng 120.000 học viên.
Những năm trước dịch, Apax Holdings có giai đoạn tăng trưởng nóng, liên tục mở trung tâm. Doanh thu đạt 1.000 tỷ vào năm 2018 và tăng gấp đôi lên 2.000 tỷ trong năm 2020. Nhưng sau dịch Covid-19, hàng loạt trung tâm Anh ngữ Apax Leaders bị giáo viên tố nợ lương, trong khi phụ huynh dồn dập đòi tiền.
Theo Vietnamnet, lùm xùm tại Trung tâm Apax Leaders bắt đầu từ tháng 9/2022, khi nhiều phụ huynh tại Đắk Lắk gửi đơn phản ánh tới các cơ quan chức năng về việc Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders Buôn Ma Thuột đóng cửa nhưng không hoàn trả học phí. Các phụ huynh cho biết đã đóng hàng chục triệu đồng cho 12 tháng, nhưng con mới chỉ học 1 tháng, trung tâm này đã đóng cửa.
Tại thời điểm này, Ban lãnh đạo Apax Leaders khẳng định không có chủ trương “bỏ rơi khách hàng”, đồng thời gửi lời xin lỗi phụ huynh và hứa sẽ sớm mở cửa trở lại.
Chỉ 2 tháng sau, hàng chục phụ huynh tại Đồng Nai có con theo học tại Trung tâm Apax Leaders Biên Hòa cũng làm đơn khiếu nại, yêu cầu hoàn trả học phí với lý do trung tâm không thực hiện đúng như cam kết, “giáo viên dạy hời hợt, thậm chí các khóa học đã được nửa thời gian mới đưa tài liệu cho học viên”. Các phụ huynh tại đây nhiều lần liên hệ, xin hoàn học phí với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng nhưng không nhận được phản hồi.
Trước sức ép của phụ huynh, Apax Leaders đề xuất được hoàn trả học phí thành 5 đợt, kéo dài 5 tháng, mỗi đợt 20%.
Đây cũng là thời điểm hàng loạt trung tâm Anh ngữ Apax Leaders trên cả nước như Apax Leaders Tp.HCM, Apax Leaders Hà Nội, Apax Leaders Hà Tĩnh, Apax Leaders Khánh Hòa, Apax Leaders Hải Phòng… đóng cửa, bị giáo viên tố nợ lương, phụ huynh tố “ôm tiền bỏ rơi khách hàng” và yêu cầu hoàn trả học phí.
Chia sẻ trên VietNamNet thời điểm đó, ông Nguyễn Ngọc Thủy cho biết đã “không lường trước tác động của dịch Covid-19”.
“Việc đóng cửa các trung tâm tiếng Anh khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Khi tăng trưởng nóng với việc mở nhiều trung tâm vào giai đoạn 2019 cùng phần chủ quan trên đà chiến thắng, chúng tôi đi khá nhanh và đã gặp một cú vấp quá lớn”, ông Thủy nói.
Ông Thủy cho biết giai đoạn đó, mỗi tháng tập đoàn tổn thất khoảng hơn 100 tỷ và trong 6 tháng gần 1.000 tỷ đồng. Ông cho biết đã đề xuất với các phụ huynh cho chuyển thành các hợp đồng vay, có lãi suất như ngân hàng và sẽ trả dần sau giai đoạn tái cấu trúc.
Dù dính phải những lùm xùm, ông Thủy khẳng định sẽ không bao giờ bỏ trốn ra nước ngoài và sẵn sàng chịu trách nhiệm với những gì mình làm.
Thời gian sau, nhiều lần Shark Thủy họp với các phụ huynh có con theo học tại trung tâm, đưa ra lộ trình hoàn trả học phí. Sau khi xin được chuyển học phí đã thu thành các khoản vay có lãi, từ Đồng Nai đến Hà Nội, các phụ huynh đã đóng tiền đều có chung nguyện vọng sớm được hoàn tiền để cho con đi học ở chỗ khác. Thậm chí trên Facebook, nhiều phụ huynh lập nhóm “Hội nạn nhân của trung tâm Apax English” để chia sẻ thông tin với nhau.
Shark Thủy trong cuộc họp trực tiếp đầu tiên với phụ huynh Tp.HCM vào tháng 3/2023. Ảnh: báo Thanh Niên
Ngày 9/1/2023, Apax Leaders ra thông báo về phương án hoàn học phí cho phụ huynh. Thông báo nêu từ tháng 3/2023, khi chính thức quay lại hoạt động, Apax Leaders đã nỗ lực để xây dựng lại hệ thống, đã thực hiện được 2 đợt hoàn phí theo lộ trình cam kết với phụ huynh ngày 9/4/2023.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện kế hoạch này, Apax gặp nhiều khó khăn như vừa bị kiệt quệ sau dịch Covid-19 lại gặp kinh tế suy thoái, doanh nghiệp có nhiều nghĩa vụ tài chính phát sinh phải trả.
Ngoài ra, “khó khăn đặc biệt” gây chậm hoàn phí là do một số nhóm phụ huynh bao vây các trung tâm Apax Leaders đang hoạt động, gây sức ép để đòi lại học phí, làm ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh và nguồn thu của công ty.
“Nhân sự lo sợ nghỉ việc, tăng số lượng rút phí do các trung tâm đang hoạt động không thể giảng dạy trực tiếp cho học sinh”, thông báo nêu. Việc này khiến Apax Leaders mất khả năng hoàn phí các đợt tiếp theo cho phụ huynh. Hiện công ty đã dừng giảng dạy trực tiếp tại các trung tâm ở Tp.HCM để “đảm bảo an toàn cho học sinh và thầy cô”.
Trước thông tin ông Thủy đưa ra, các phụ huynh cho rằng: "Ông Thủy đang cố tình biến chúng tôi từ nạn nhân trở thành người phá hoại".
Tính đến nay chỉ riêng tại Tp.HCM, có 39/41 trung tâm Apax Leaders dừng hoạt động, phụ huynh của 4.400 học sinh muốn rút học phí. Tổng số tiền Apax Leaders phải trả cho phụ huynh tại đây là hơn 108 tỷ đồng, đã trả được khoảng 14,2 tỷ. Apax còn nợ gần 94 đồng. Bên cạnh đó, đơn vị còn nợ lương giáo viên và nhân viên đến tháng 2/2023 là hơn 11.5 tỷ đồng và tiền thuê mặt bằng 9 tỷ đồng. Đơn vị này đề xuất phương án trả nợ dần từ năm 2025, mỗi quý trả cho một phụ huynh 4,5 triệu đồng cho đến khi hết.
Mắc kẹt vì bất động sản
Apax Holdings của Shark Thủy thêm phần khó khi lấn sân sang bất động sản. Thị trường bất động sản trầm lắng và gần như đóng băng từ năm 2022 tới nay đẩy không ít doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất thanh khoản.
Sau 3 mùa tham gia Shark Tank Việt Nam, từ 2017-2019, cuối năm 2022 chính Shark Thủy lại đi tìm nhà đầu tư để cứu mình. Ông Thủy đã nỗ lực làm việc với các quỹ đầu tư để gọi vốn, nhưng dường như không thành công.
Trong khoảng 2 năm qua, doanh nghiệp của Shark Thủy tái cấu trúc, dùng cả bất động sản và đồ gia dụng để gạt nợ cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, Apax Holdings vẫn không thoát khỏi bùn lầy. Cổ phiếu IBC về mức “trà đá”, dưới 2.000 đồng/cp, giảm hơn 10 lần trong thời gian ngắn.
IBC bị đẩy từ HOSE xuống sàn Upcom, nhưng cổ phiếu vẫn bị đình chỉ giao dịch do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận