Từ những đại án liên quan đến đất đai: Nhận diện “kẽ hở pháp luật” đang… hiện hữu
Xoay quanh các đại án liên quan đến đất đai vừa qua, ngoài những tồn tại của Luật Đất đai và các văn bản dưới luật, còn hiện hữu sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Đất đai với một số luật khác...
Thống kê cho thấy, từ năm 2013 đến năm 2020, toàn ngành Thanh tra đã thực hiện 6.028 cuộc, qua thanh tra phát hiện vi phạm 2.127,6 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 67.011,5 ha đất, riêng Thanh tra Chính phủ thực hiện 46 cuộc thanh tra, phát hiện vi phạm 79.968,84 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 25.351,6 ha đất.
Thực tiễn triển khai thi hành Luật Đất đai qua công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng cho thấy những vi phạm phổ biến như: Giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá gây thất thu ngân sách; Việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và các cơ sở nhà đất chưa phù hợp các quy định của Luật Đất đai và các quy định về đấu giá tài sản nhà;…
Đặc biệt, các vụ án hình sự liên quan đến đất đai diễn ra thời gian vừa qua cũng được cho rất đa dạng; động cơ, mục đích phạm tội rất phức tạp. Đáng chú ý, có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều tổ chức, nhiều người, gây thiệt hại lớn đối với tài sản của Nhà nước.
Điển hình như vụ khởi tố, bắt giam nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch tỉnh cùng hàng loạt các nguyên lãnh đạo các sở, ngành chức năng của tỉnh Bình Thuận về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” với hành vi giao hơn 92.000 m2 đất không qua đấu giá cho doanh nghiệp vào năm 2017 nhưng lại áp mức giá theo bảng giá đất năm 2013, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước số tiền hơn 71 tỷ đồng là một ví dụ.
Hay, trước đó, Công an tỉnh Khánh Hòa cũng đã ra quyết định khởi tố hàng loạt vụ án vi phạm các quy định về quản lý đất đai, liên quan đến việc giao “đất vàng” ở Nha Trang cho doanh nghiệp làm dự án. Trong đó, đã khởi tố hàng loạt lãnh đạo tỉnh như: ông Nguyễn Chiến Thắng - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; ông Đào Công Thiên - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh,…
Và mới đây nhất, dư luận lại tiếp tục “nóng” lên, khi Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã đề nghị truy tố hàng loạt bị cáo liên quan đến vụ án 43ha đất vàng tại Tổng Công ty 3/2, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng cho Nhà nước, trong số các bị can bị đề nghị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” có: Trần Văn Nam - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương; Phạm Văn Cành - nguyên Phó Bí thư Tthường trực Tỉnh ủy Bình Dương; Trần Thanh Liêm - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương…
Đây chỉ là một số trong các vụ án bị xử lý do liên quan đến đất đai, gây thất thoát tài sản Nhà nước, trước đó, không ít tổ chức, cá nhân, thậm chí cả lãnh đạo cấp Bộ đã phải “trả giá” trước sự nghiêm minh của pháp luật…
Liên quan đến sai phạm đất đai tại Tổng Công ty 3/2, hàng loạt lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã bị đề nghị truy tố - Ảnh minh họa
Trước thực trạng đã nêu, theo các chuyên gia, nguyên nhân của các vụ việc ngoài những bất cập, tồn tại của Luật Đất đai và các văn bản dưới luật, vẫn hiện hữu một “lỗ hổng” cần sớm khắc phục, đó là sự chồng chéo, chưa thống nhất trong một số quy định giữa Luật Đất đai 2013 với các hướng dẫn thi hành luật và với một số luật khác như: Bộ Luật Dân sự, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở...
Điều này không chỉ dẫn đến sự lúng túng trong quản lý, mà còn tạo ra những “kẽ hở” của luật pháp để một số cá nhân, tổ chức lợi dụng để tham nhũng và trục lợi, gây lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước.
Theo Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty luật HPVN, trong việc lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu giá đất, đấu thầu dự án có gắn liền với quyền sử dụng đất. Luật Đấu thầu chưa quy định rõ đấu thầu đối với loại đất nào (đã được hoặc chưa được giải phóng mặt bằng), Luật Đất đai chưa quy định rõ đã đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo pháp luật đấu thầu rồi có phải đấu giá quyền sử dụng đất theo pháp luật đất đai không?
Cụ thể, khoản 3 Điều 1 Luật Đấu thầu năm 2013 quy định: “Lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), dự án đầu tư có sử dụng đất” và khoản 1 Điều 1 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định dự án sử dụng đất thuộc trường hợp đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư: “Dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); và dự án đầu tư có sử dụng đất để xây dựng nhà ở thương mại; công trình thương mại, dịch vụ: công trình đa năng, tổ hợp đa năng cho mục đích kinh doanh”. Có nghĩa các dự án đầu tư có sử dụng đất bắt buộc phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Tuy nhiên, khoản 1 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013 quy định: Đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê hoặc cho thuê mua; Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê… chỉ quy định việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất mà không quy định trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Hay như, điểm b khoản 1 Điều 119 Luật Đất đai năm 2013 quy định: Điều kiện để tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất là khi “đất đã được giải phóng mặt bằng”. Trong khi đó, khoản 3 Điều 1 Luật Đấu thầu 2013 lại quy định, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại có sử dụng đất được thực hiện thông qua 2 hình thức: đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và đấu thầu dự án. Có nghĩa áp dụng đấu giá và đấu thầu kể cả đối với đất chưa thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng.
“Chính những mâu thuẫn giữa các quy định của hai Luật nêu trên đã và đang là nguyên nhân khiến nhiều địa phương lúng túng, gặp khó khăn trong việc áp dụng hai hình thức đấu giá và đấu thầu”, Luật sư Hiệp chia sẻ.
Hay như, theo các chuyên gia, so với Luật Đầu tư, Luật Đất đai không thống nhất về thời điểm xác định nhu cầu sử dụng đất hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư và hồ sơ xác định nhu cầu sử dụng đất.
Cụ thể, theo pháp luật đầu tư, thời điểm thẩm định nhu cầu sử dụng đất là thời điểm thẩm định hồ sơ đầu tư. Tuy nhiên, pháp luật đất đai lại quy định văn bản thẩm định được lập trên cơ sở hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Thời gian thẩm định theo các quy định hướng dẫn Luật Đầu tư là 15 ngày trong khi các quy định hướng dẫn Luật Đất đai là 30 ngày.
Đặc biệt, về việc chấm dứt dự án đầu tư và thu hồi đất có liên quan, Luật Đầu tư quy định chấm dứt dự án sau 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện. Tuy nhiên Luật Đất đai cho phép gia hạn sử dụng đất 24 tháng và nhà đầu tư phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án…
Từ đó, các chuyên gia cho rằng, trong thời gian chờ Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung và đi vào thực tiễn, cần sớm có biện pháp “bịt” các “lỗ hổng” từ những mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận