'Tự nguyện' mua bảo hiểm mới được ngân hàng giải ngân cho vay
"Nếu không mua bảo hiểm nhân thọ thì phải xếp hàng chờ giải ngân".
Bộ Tài chính cho biết đã nhiều lần chỉ đạo tăng cường thanh tra hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm, các công ty môi giới nhằm hạn chế tình trạng gian lận, trục lợi bảo hiểm và đảm bảo tối đa quyền lợi của người mua. Mới đây, lãnh đạo bộ này tiếp tục chỉ đạo lập đường dây nóng, thanh tra hãng bảo hiểm để không tiếp tục xảy ra tình trạng ép khách mua bảo hiểm kèm khoản vay ngân hàng.
Nhiều độc giả đặt câu hỏi nếu các ngân hàng cố tình lách luật thì làm thế nào? Độc giả Hoàng Đức nói: "Vốn dĩ xưa nay ngân hàng không hề ép người vay mua bảo hiểm. Đơn giản là, nếu khách hàng không mua thì khoản vay đó rất khó được thông qua. Đa phần người đi vay đều rất cần khoản tiền vay đó, và cũng đa phần họ không thể chứng minh được thu nhập phù hợp tương đương. Rốt cuộc, vẫn phải tự nguyện mua bảo hiểm thôi".
Độc giả có nickname sonvh13.vn kể: "Trước Tết tôi vay tiền của một ngân hàng, họ nói không ép mua bảo hiểm nhưng muốn giải ngân thì phải xếp hàng chờ. Buồn cười khi tôi vừa đồng ý mua bảo hiểm cái là có tiền giải ngân ngay và luôn".
Thời gian qua, nhiều người dân phản ánh việc vay ngân hàng bắt buộc phải mua kèm bảo hiểm. Đặc biệt giai đoạn gần cuối năm 2022, với lý do ngân hàng "cạn room tín dụng", nhiều khách vay cho biết bị ngân hàng ép vào đường cùng khi điều kiện cần để giải ngân là mua gói bảo hiểm tương đương 3-4% giá trị khoản vay.
Độc giả có nickname Kerry Wong kể về việc vay tiền mua ôtô nhưng bị ép mua bảo hiểm nhân thọ 30 triệu đồng một năm: "Cuối năm 2022, tôi định vay 400 triệu đồng để mua trả góp ôtô trị giá 850 triệu đồng. Cuối cùng ngân hàng ép mua bảo hiểm nhân thọ 30 triệu đồng một năm. Nhân viên ngân nói thẳng rằng không mua là không thể giải ngân, với lại 30 triệu đồng một năm là gói bảo hiểm thấp nhất".
Độc giả có nickname quanguoc54 có nhu cầu vay tiền mua ôtô kể câu chuyện tương tự: "Bạn nhân viên bán hàng của một hãng xe tư vấn cho tôi nếu mua trả góp thì dù ít hay nhiều phải mua gói bảo hiểm nhân thọ giá 15 triệu đồng một năm. Và bắt buộc đóng một lần trước, có như vậy thì vậy ngân hàng mới cho vay. Tính thêm lãi suất vay 13,5% nữa thì tôi không vay cho khoẻ".
Độc giả có nickname ngoctai1788 kể về việc hồ sơ bị "ngâm" do chưa mua bảo hiểm nhân thọ: "Hôm trước tôi đi vay, tư vấn viên vẫn nói là không bắt buộc mua bảo hiểm, nhưng hồ sơ đến giai đoạn ký (online) thì nhân viên nói nếu không mua bảo hiểm thì nhân viên không đẩy hợp đồng qua giai đoạn ký (online).
Nhân viên ngân hàng đã làm hồ sơ hoàn chỉnh, đã ra được hợp đồng, cuối cùng lại thông báo không đưa hợp đồng trừ khi mua bảo hiểm (trong khi tôi tải app hoàn tất toàn bộ quy trình, chỉ còn ký hợp đồng online thì lại bắt buộc phải được nhân viên ngân hàng đẩy hợp đồng lên thì tôi mới có thể ký). Vậy thì tạo ra bước này làm gì? Đây là rõ ràng lách luật".
Độc giả có nickname adamkhuc nói: "Việc này kéo dài nhiều năm, do đó lương nhân viên ngân hàng không cao, nhưng thu nhập của họ cực kỳ cao khi được bảo hiểm trích phần trăm hậu hĩnh. Chuyện họ có thu nhập tốt không ảnh hưởng gì đến người đi vay, nhưng chính vì vậy mà họ phải chạy chỉ tiêu ép bằng được, không bán được bảo hiểm thì chỉ có nghỉ việc, vì cấp trên đã ký hợp đồng thỏa thuận với bên bảo hiểm rồi.
Người quen của tôi từng đi vay và bị ép mua hai gói bảo hiểm, chị từ chối các kiểu bớt được mộ gói, khoản còn lại không thể từ chối, nếu không thì không được vay".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận