menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phạm Thu Hiền

Từ nguy cơ NIM thu hẹp đến bức tranh nợ xấu

Tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay vẫn chậm, trong bối cảnh khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn yếu. Nhưng đó chưa phải là nỗi lo duy nhất mà ngành ngân hàng đối mặt trong năm nay.

Nguy cơ NIM thu hẹp

Hôm nay (ngày 14/03), Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị về chính sách tiền tệ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng, với sự tham gia của các lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Chủ tịch, Tổng giám đốc ngân hàng thương mại (NHTM), các ban bộ ngành, lãnh đạo các hiệp hội ngành nghề và một số doanh nghiệp.

Thông tin từ người đứng đầu Chính phủ đưa ra cho thấy tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm 2024 giảm so với cuối năm 2023 trong khi lượng tiền gửi còn rất lớn (14 triệu tỷ đồng); lãi suất cho vay vẫn còn cao; nợ xấu có xu hướng tăng. Trước đó, số liệu của NHNN cho thấy dư nợ tín dụng đến ngày 16/02 đang giảm 1% so với đầu năm nay, còn cập nhật mới nhất cho thấy tính đến ngày 29/02 tăng trưởng tín dụng thu hẹp mức sụt giảm còn 0.72% so với đầu năm.

Trong khi lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức 3.3%/năm, chỉ giảm 0.2%/năm so với cuối năm 2023; lãi suất cho vay bình quân của các khoản vay mới ở mức 6.4%/năm, giảm đến 0.7%/năm so với cuối năm 2023, cao hơn 0.5% mức giảm lãi suất tiền gửi.

Có thể thấy việc giải ngân vốn đầu ra của ngành ngân hàng vẫn đang gặp không ít thách thức, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn hồi phục chậm, cầu và sức hấp thụ vốn của các doanh nghiệp vẫn ở mức thấp. Xu hướng này nếu không có những tiến triển trong thời gian tới, tất yết sẽ ảnh hưởng lên kết quả lợi nhuận của các ngân hàng trong năm nay. Ngoài thách thức tăng trưởng tín dụng, các nhà băng cũng có thể đối mặt với nguy cơ biên lãi ròng (NIM) thu hẹp lại, sau khi đã mở rộng ra trong năm 2023 nhờ lãi suất tiền gửi giảm nhanh hơn lãi suất cho vay.

Với việc Chính phủ đánh giá lãi suất cho vay vẫn còn cao và tiếp tục yêu cầu ngành ngân hàng phải có giải pháp giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp, người vay vốn nói riêng, một số dự báo cho rằng thờ gian tới lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm thêm, nhất là khi các khoản tiền gửi trung dài hạn thời kỳ lãi suất cao vào cuối năm 2022- đầu năm 2023 đến nay đã đáo hạn.

Ngoài ra, với việc NHNN mới đây yêu cầu các nhà băng phải niêm yết lãi suất cho vay bình quân trước thời điểm ngày 01/4 tới, cũng có thể khuyến khích các ngân hàng có thêm động lực giảm lãi suất cho vay để tăng khả năng cạnh tranh, lôi kéo, thu hút khách hàng, đẩy mạnh tín dụng hơn trong những tháng tới. Hiện một số tổ chức cũng đã bắt đầu công bố lãi suất cho vay bình quân trong những ngày gần đây.

Ở chiều ngược lại, dư địa giảm lãi suất đầu vào dường như không còn, thậm chí còn đang chịu áp lực có thể đi lên trở lại, do ảnh hưởng của tỷ giá kéo theo việc NHNN phải hút bớt tiền đồng về thông qua kênh phát hành tín phiếu trong những ngày gần đây. Cụ thể với giá đô la Mỹ trên thị trường tự do liên tục đi lên trong một tháng qua, ngày 11/3 NHNN đã nối lại kênh đấu thầu tín phiếu và chỉ trong 3 ngày 11, 12 và 13/3 đã hút ròng đến 45,000 tỷ đồng, nhằm giảm bớt lượng thanh khoản dư thừa của hệ thống mà có thể rót vào các hoạt động đầu cơ trên thị trường ngoại hối.

Ngoài ra, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2024 tăng mạnh 1.04% so với tháng trước, dù có bị ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ trước nhu cầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ của người dân tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nhưng mức tăng hơn 1% nói trên là khá cao. Với các yếu tố tỷ giá và lạm phát đều chịu áp lực, mặt bằng lãi suất tiền gửi cũng chịu ảnh hưởng là điều tất yếu.

Thực tế số liệu từ nhà điều hành cũng cho thấy bức tranh biên độ lãi suất đầu ra – đầu vào của các ngân hàng đang có dấu hiệu thu hẹp. Cụ thể mặt bằng lãi suất cho vay giảm hơn 2.5% trong năm 2023 và tiếp tục giảm trong tháng đầu năm 2024. Đáng lưu ý là từ đầu năm đến nay, theo dữ liệu công bố từ NHNN, trong khi lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức 3.3%/năm, chỉ giảm 0.2%/năm so với cuối năm 2023; lãi suất cho vay bình quân của các khoản vay mới ở mức 6.4%/năm, giảm đến 0.7%/năm so với cuối năm 2023, cao hơn 0.5% mức giảm lãi suất tiền gửi.

Nợ xấu vẫn tăng

Bên cạnh thách thức hệ số NIM và tăng trưởng tín dụng, bức tranh nợ xấu của ngành ngân hàng cũng ngày càng ảm đạm hơn. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng từ mức 1.92% vào cuối năm 2022 đã tăng lên mức 4.97% vào cuối năm 2023. Nếu tính cả nợ xấu bán cho VAMC chưa được xử lý và nợ xấu tiềm ẩn từ các khoản nợ cơ cấu lại, con số còn lớn hơn nhiều. Các dự báo cũng cho thấy nợ xấu trong năm nay sẽ còn tăng lên và chỉ đạt đỉnh từ nửa cuối năm. Việc tín dụng nếu tiếp tục tăng chậm cũng là một trong những nguyên nhân đẩy tỷ lệ nợ xấu gia tăng.

Ngoài các khoản vay tiếp tục bị suy giảm chất lượng và phải chuyển nhóm, khoản nợ cơ cấu lại theo thông tư 02/2023/TT-NHNN tính đến hết năm 2023 khoảng 171,000 tỷ đồng, tương đương 1.26% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, sẽ hết thời hạn cơ cấu vào ngày 30/6/2024 là một gánh nặng rất lớn cho các nhà băng. Dù NHNN mới đây cho biết sẽ tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02 đến hết năm 2024, nhưng bài toán trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho các khoản nợ tái cơ cấu theo đúng tiến độ vẫn sẽ ảnh hưởng lên kết quả kinh doanh của các NHTM.

Bên cạnh đó, với khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chậm thanh toán vẫn ở mức cao, đặc biệt là ở nhóm bất động sản, các ngân hàng cũng có thể đối mặt với rủi ro tín dụng từ danh mục TPDN đang nắm giữ hiện nay. Thống kê cho thấy lượng TPDN đáo hạn trong năm nay vẫn khá lớn, lên tới 277,000 tỷ đồng, nhưng hoạt động phát hành trái phiếu mới để tái tài trợ cho các trái phiếu cũ đến hạn vẫn gặp nhiều khó khăn, do niềm tin dành cho kênh đầu tư này vẫn chưa phục hồi, cộng thêm các cơ chế kiểm soát chặt chẽ đối với các thương vụ phát hành mới.

Trong khi nợ xấu tăng nhanh, khả năng hấp thụ tổn thất của hệ thống ngân hàng cũng giảm xuống, với tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng giảm từ 125% trong năm 2022 xuống còn 94% vào cuối năm 2023. Điều này cũng hàm ý lợi nhuận năm 2023 của các ngân hàng dù tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng đâu đó có lẽ vẫn có một số nhà băng chưa thật sự trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tương xứng với chất lượng tín dụng suy giảm trong khi tài sản đảm bảo là các bất động sản sụt giảm giá trị

Trước tình hình chất lượng tài sản có thể suy giảm, trong năm 2024 các ngân hàng cũng tiếp tục đặt mục tiêu tăng vốn mạnh mẽ để gia tăng bộ đệm vốn, thông qua các kế hoạch bán vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài, phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Theo đó, các thương vụ thâu tóm và sáp nhập trong ngành ngân hàng được dự báo sẽ sôi động hơn trong năm nay.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
4 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại