Tư duy về giáo dục và tương lai
Sự tụt hậu của giáo dục bắt nguồn lớn từ việc người ta dùng tư duy hiện tại và quá khứ để thiết kế nên những “sản phẩm” của một tương lai dài hạn. Thiếu tầm nhìn về tương lai, đặc biệt trước một bối cảnh sự rút ngắn các chu kỳ chuyển đổi thời đại, từ hàng thế kỷ, rút xuống vài thập kỷ và giờ chỉ còn tính bằng thập kỷ, cùng theo đó là những tiến bộ theo cấp số nhân của khoa học-công nghệ-kỹ thuật và tri thức đã đặt ra những thách thức rất lớn cho việc định hình nên những yêu cầu của tương lai.
Hồ Chủ tịch đã từng nói: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Việc “trồng người” do vậy, cần những tầm nhìn vượt trước vài thập kỷ. Giáo dục trong kỷ nguyên mới do vậy phải đạt được bốn trọng điểm quan trọng: 1) tư duy mở; 2) khả năng học tập suốt đời thông qua năng lực tự học; 3) tri thức liên/đa/xuyên ngành; 4) có khả năng kết nối xã hội hiệu quả.
Sự lạc hậu một cách nhanh chóng của các tri thức là một đặc trưng của thời đại. Theo Micheal Simmons thì “thời gian "bán phân rã tri thức", mượn cách nói của Vật lý, bây giờ giảm xuống còn 5 năm”. Nghĩa là thậm chí khi bạn tốt nghiệp đại học thì 1/2 tri thức ấy đã lỗi thời và cần bổ sung. Điều đó cho thấy, nếu chúng ta tiếp cận giáo dục với kỳ vọng rằng “cung cấp những tri thức nền căn bản” cho người học thì điều đó đang cho thấy rõ sự thất bại ngay từ khi dự án giáo dục bắt đầu. Với một quá trình học tập từ yêu cầu chừng 10 năm, nay đã kéo lên thành 12 – 16 năm và còn đang gia tăng nữa với việc “phổ cập cao học”, sự lạc hậu của các tri thức khi bước vào con đường học tập đã diễn ra ngay sau những bậc họ đầu tiên. Giáo dục, do vậy, cần một sự đổi mới toàn diện về cách tư duy, thay vì đào tạo ra những “chuẩn mực”, chúng ta cần đào tạo nên “những nền tảng mở”. Mỗi “sản phẩm” của giáo dục phải là những con người “có khả năng” thay vì những con người “có tri thức”, tức là phải biến mình trở thành một nguồn tài nguyên vô tận để có thể thích nghi và hữu dụng trong mọi hoàn cảnh và thời đại, thay vì chỉ là một “bán thành phẩm” hữu dụng hạn chế trong một điều kiện hoàn cảnh và thời đại nhất định.
Với tốc độ gia tăng theo cấp số nhân của tri thức mới, cũng như những đòi hỏi liên tục thay đổi về các năng lực, kỹ năng do sự tiến bộ của xã hội, sẽ chẳng có trường lớp nào đào tạo liên tục để đáp ứng được mọi yêu cầu của mọi cá thể trong xã hội, thậm chí việc đào tạo ấy sẽ vô dụng ngay sau khi kết thúc tiến trình đào tạo.
Năng lực tự học suốt đời trở thành một đòi hỏi bắt buộc với mỗi cá nhân để tồn tại, phát triển và thành công trong xã hội. Những tư duy về các học các kỹ năng, các tri thức “đóng gói” và các dạng tương tự là một sự tụt hậu của con người trước thực trạng xã hội, và giáo dục theo cách thức cung cấp những sản phẩm như vậy cũng là một bước lùi trước tương lai.
Thay vì đó, cần phải xây dựng năng lực tư duy, tiệm cận được các quy luật vận động của xã hội, hiểu được những “bí ẩn” kết nối các sự vật, hiện tượng để có thể tự cập nhật tri thức, tự hiểu biết và tự đào tạo kỹ năng cho mình là những yêu cầu cấp bách của thời đại. Giáo dục, do vậy phải chú trọng vào tư duy, vào những tri thức mang tính hệ thống và nền tảng giúp cho người tiệm cận được các quy luật bất biến, thay vì những tri thức “vụn vặt” của các ngành chuyên sâu, cụ thể, vốn là sản phẩm của thời đại “công nghiệp hóa với sự phân công lao động sâu”, và hình thành một năng lực “tưởng tượng” tốt.
Càng tiến bộ, càng mở rộng được tri thức, thông qua sự hỗ trợ kết nối của các nền tảng thông qua Internet, với sự phát triển của Big Data, AI, con người kết hợp với máy móc, hòa làm một năng lực tính toán, cập nhật, xử lý, phân tích dữ liệu, thông tin và ra quyết định của con người ngày một gia tăng và vượt qua mọi sự tưởng tượng có thể, chỉ cần với trước đây vài thập kỷ.
Trong một môi trường như vậy, các tri thức phân ngành sẽ trở thành những “củ khoai tây trong một giỏ khoai tây”, trở nên phân mảnh, thiếu hữu dụng và cản trở. Thế giới nhất nguyên – với xu hướng hội tụ nhờ sự kết nối của siêu xã hội toàn cầu thông qua sự hỗ trợ của Internet và công nghệ đã làm cho thế giới trở nên kết nối chặt chẽ, tri thức do vậy, cũng không thể nằm ngoài xu hướng hội tụ này. Việc hình thành nên các tri thức đa/liên/xuyên ngành là một xu thế tất yếu.
Do vậy, việc tích hợp tri thức đa/liên/ngành cũng là một đòi hỏi bắt buộc đối với giáo dục cho tương lai. Người học phải thấy được sự liên quan, kết nối và ý nghĩa của các môn học được đào tạo trong cả tiến trình học tập, chứ không phải là những modules tách rời, và hoàn thành theo kiểu những bậc thang để “bước qua là xong”. Mỗi tri thức tiếp cận được cần phải xâu chuỗi liên tục với các tri thức trước đó và tri thức tiếp cận sau này.
Cuối cùng, bởi con người là một sinh vật xã hội, trong một kỷ nguyên số với xã hội mạng lưới, một con người yếu kém về khả năng kết nối là một con người thất bại. Năng lực kết mạng (networking) trở thành một yếu tố quyết định cho sự thành công của mỗi con người. Giáo dục phải đem lại khả năng đó cho con người thông qua việc biết cách biến mình thành tài nguyên trong mạng lưới (hay cộng đồng) bởi đó là yếu tố đầu tiên để “gia nhập mạng” thành công.
Tiếp đó, phải có khả năng mở rộng mạng lưới thông qua chia sẻ để kết nối, cho để nhận (phương thức wiki) với một tư duy mở để gia tăng tối đa các đầu mút (nuts) trong mạng lưới mà mình tiếp cận được. “Mỗi người trên Trái đất đều thuộc về một siêu cụm, mạng xã hội toàn cầu, không ai là ngoại lệ. Giữa hai người ở bất cứ nơi đâu, giữa biển người rộng lớn dù không quen biết nhau nhưng vẫn có một con đường nối kết giữa hai neuron bất kỳ trong não bộ của chúng ta, giữa hai công ty bất kỳ trên thế giới, giữa hai hóa chất trong cơ thể ta” (Albert-László Barabási, 2017). Bởi Internet “các mạng lưới sẽ thống trị thế kỷ mới ở mức độ cao hơn mức mà hầu hết mọi nười sẵn sàng tiếp nhận.Chúng khiến ta đặt ra những câu hỏi quan trọng, giúp hình thành thế giới quan của ta trong kỷ nguyên mới” (Albert-László Barabási, 2017).
Tư duy về giáo dục, do vậy phải là tư duy về tương lai, để kiến trúc nên những “thiết kế của tương lai”, không phải cho hiện tại, cũng không phải vị quá khứ!
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận