menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đồng Khoa

Tư duy thuế quan của Tổng thống Trump đã ảnh hưởng đến thế giới thế nào?

Thuế quan được sử dụng như một công cụ của chính sách vĩ mô, giống như trước khi các quốc gia bắt đầu nhận ra lợi ích của thương mại tự do, hơn là việc áp dụng các “chiến thuật kinh tế méo mó”

Mới đây, việc Philippines áp thuế đối với xi măng nhập khẩu từ Việt Nam đã thu hút được sự chú ý đáng ngạc nhiên. Cụ thể, Manila đã tuyên bố sẽ triển khai thuế trong 3 năm, theo sau động thái đánh thuế tự vệ tạm thời đối với gốm và gạch lát tường, cũng như kính nổi màu.

Theo đó, xi măng nhập khẩu từ Việt Nam sẽ chịu mức thuế 250 peso/tấn (tương đương 4,8 USD/tấn) trong năm đầu tiên, và giảm còn 225 peso vào năm tiếp theo và còn 200 peso trong năm thứ ba và cuối cùng, theo Bộ Công Thương Philippines.

Một số chuyên gia cho rằng đây là dấu hiệu của sự ảnh hưởng tư tưởng từ các đòn thuế quan mà Mỹ và Trung Quốc liên tục “giáng” lên nền kinh tế của nhau, họ lo ngại rằng liệu các quốc gia khác trên thế giới có “hùa theo” xu hướng này để trừng phạt lẫn nhau?

Nhưng cũng có những ý kiến cho rằng liệu thế giới có đang trở nên nhạy cảm quá với cụm từ “áp thuế” hay “thuế quan”, bởi việc này dường như là công cụ chính sách đối ngoại đặc trưng của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Mặc dù vậy, rõ ràng cách tiếp cận của người Mỹ và những gì thế giới đang thấy ở Philippines lại là hai điều rất khác nhau.

Việt Nam đã đạt được sự tăng trưởng lớn trong xuất khẩu xi măng nhờ năng lực sản xuất lớn, và Philippines dường như đang cố gắng kìm hãm một số yếu tố trong làn sóng đó.

Một trong những lý do của việc này xuất phát từ nhu cầu đối với xi măng tại Philippine đã tăng sau khi Tổng thống Duterte đẩy mạnh chương trình cơ sở hạ tầng trị giá 180 tỉ USD nhằm thu hút đầu tư nước ngoài và tạo thêm việc làm cho người dân đảo quốc này.

Tư duy thuế quan của Tổng thống Trump đã ảnh hưởng đến thế giới thế nào?

Công nhân Việt Nam tải xi măng lên thuyền tại một nhà máy xi măng ở Đồng Nai: việc Philippines áp thuế gần đây đối với xi măng nhập khẩu từ Việt Nam và thuế quan trên diện rộng của Trump là hai điều khác nhau

Việc sử dụng thuế quan như vậy dường như khá phổ biến. Đôi khi, chính phủ các quốc gia sử dụng hình thức thuế đối kháng, là để bù đắp trợ cấp xuất khẩu, hoặc đôi khi một số ngành hàng sẽ được dán nhãn "chống bán phá giá" vì chính phủ tin rằng công ty nước ngoài đang bán dưới mức phí tại thị trường của họ.

Việc các nước đang phát triển thường sử dụng các mức thuế “chống bán phá giá” để bảo vệ cho các ngành công nghiệp của họ, cũng như đảm bảo việc làm cho người dân bản xứ. Điều này có nghĩa chính phủ các quốc gia này cũng sẽ không khuyến khích nhập khẩu. Trên thực tế, chính bản thân Mỹ cũng đã áp dụng chính sách này khi cường quốc này vẫn còn là một quốc gia đang phát triển.

Nhìn lại lịch sử, Đạo luật thuế quan năm 1789 áp đặt mức thuế 5% đối với tất cả hàng nhập khẩu và Bộ trưởng Bộ Tài chính đầu tiên của Mỹ - ông Alexander Hamilton là một người ủng hộ mạnh mẽ chính sách này. Khi đó, vị Bộ trưởng này cảm thấy rằng chính sách thuế này sẽ bảo vệ khu vực sản xuất đang phát triển của đất nước, cũng như thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp trong dài hạn.

Các “bộ sưu tập” thuế quan được xem là nguồn thu nhập chính của chính phủ Mỹ cho đến khi nước này bắt đầu áp dụng thuế thu nhập liên bang vào năm 1913. Sau Thế chiến II, thuế quan giảm khi Mỹ và các nước phương Tây khác chuyển sang công nhận lợi ích của thương mại của nhau.

Thế nhưng, vận đổi sao dời, đến nay Tổng thống Trump lại đang chơi một trò chơi khác. Vị Tổng thống thứ 45 đang sử dụng thuế quan như một công cụ của chính sách đối ngoại và ông cho rằng đồng đô la Mỹ khi được định giá cao trên thị trường tiền tệ thế giới, có nghĩa rằng các mức thuế quan áp trên diện rộng có thể thiết lập lại các điều khoản thương mại giữa các quốc gia.

Đây chính là lý do tại sao Tổng thống Trump không chỉ liên tục đăng tải các dòng tweet về tác động của thuế quan đối với Trung Quốc, mà còn liên tục lên tiếng đe dọa về các mức thuế quan đối với EU, Nhật Bản, Canada, Mexico hoặc bất kỳ quốc gia nào có vẻ như đang tạo ra các nguy cơ đối với nền kinh tế Mỹ.

Giới quan sát cho rằng thuế quan đang được sử dụng như một công cụ của chính sách vĩ mô, giống như trước khi các quốc gia bắt đầu nhận ra lợi ích của thương mại tự do và trật tự kinh tế tự do hơn là việc áp dụng các “chiến thuật kinh tế méo mó” – ý chỉ việc liên tục áp các mức thuế quan nhằm trừng phạt nền kinh tế của lẫn nhau. Thế nhưng, rõ ràng việc áp các mức thuế quan qua lại này làm cho tin tức kinh tế trở nền thú vị và hơi khó đoán mỗi ngày.!.

Thế giới đã có một môi trường thương mại toàn cầu tương đối bình ổn trong ba thập kỷ qua. Kể từ khi Thế chiến II kết thúc và sự hình thành Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại, do Mỹ lãnh đạo, các quốc gia đã chứng kiến sự mở cửa lớn trên phạm vi toàn thế giới, cũng như sự gia tăng mạnh mẽ về thương mại và tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu.

Mặc dù đã có những cuộc giao tranh chiến thuật, như "thuế gà" của những năm 1960 dẫn đến thuế nhập khẩu 25% của Mỹ áp dụng đối với một số xe bán tải, hoặc nhập hạn ngạch xe ô tô Nhật Bản vào Mỹ vào cuối những năm 1970, thì các vấn đề vẫn chỉ xảy ra trong một phạm vi hẹp mà chủ yếu xuất phát từ việc bảo vệ tình trạng việc làm trong các lĩnh vực cụ thể, trong phạm vi từng quốc gia cụ thể.

Hầu hết các nhà lãnh đạo hiện nay trưởng thành trong thời đại thương mại lành tính đó, thế nhưng chính bản thân họ lại đang hướng tới một thế giới nơi có thuế quan và rào cản thương mại cao. Dường như các nhà lãnh đạo này không nhớ hậu quả của Đạo luật thuế quan Smoot-Hawley năm 1930 đã tăng thuế nhập khẩu lên trung bình khoảng 20%. Chính điều này dẫn đến thuế quan trả đũa từ các nước châu Âu và giảm một nửa nhập khẩu và xuất khẩu làm trầm trọng thêm cuộc Đại khủng hoảng.

Sẽ không có lợi ích khi các quốc gia khác theo gương Mỹ và dựng lên nhiều rào cản thương mại hơn. Vì vậy, ngay cả khi Trump gửi các dòng tweet trên điện thoại thông minh của mình – chiếc điện thoại vốn được lắp ráp tại các nhà xưởng châu Á, thông qua các máy chủ đặt tại Trung Quốc, sử dụng chip sản xuất tại Đài Loan, thì tốc độ các vòng thuế quan mới của ông sẽ đồng nghĩa với việc các sản phẩm được lắp ráp trên các chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp sẽ bắt đầu có giá bán cao hơn.

Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến nguy cơ lạm phát và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại. Và chính người tiêu dùng, sẽ là những người bị ảnh hưởng cuối cùng!!! Hãy cùng hy vọng rằng các quốc gia khác sẽ không tuân theo sự dẫn dắt của Trump và sử dụng thuế quan như một công cụ “cùn”. Hãy cùng hy vọng rằng thế giới sẽ phải học lại một số bài học khó khăn đó!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả