Tư duy đám đông khiến nghỉ dưỡng ven đô “nhanh nở sớm tàn”
Bất động sản nghỉ dưỡng ven đô đã từng có một thời trở thành cơn sốt, được nhiều đại gia cũng như các chủ đầu tư quan tâm. Nhưng quy luật sớm nở tối tàn đã không ngoại trừ bất kỳ ai, trong đó có loại hình sản phẩm này.
Nghỉ dưỡng ven đô “bùng lên, lụi xuống” chưa xứng tầm tiềm năng
Không được hình thành sớm và phát triển mạnh như bất động sản nghỉ dưỡng ven biển, nhưng ngay từ khi ra đời, bất động sản nghỉ dưỡng ven đô lại tạo nên một cơn sốt đột biến rất đáng chú ý.
Ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội đánh giá: “Việc phát triển du lịch ven đô sẽ trở thành một nhu cầu cần thiết của xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh các khu đô thị bị áp lực về môi trường, cuộc sống và không ít người cần có thời gian ngắn với chi phí thấp để giải quyết các vấn đề này. Nhu cầu nghỉ ngơi, xả stress và tìm đến các khu nghỉ dưỡng ven đô trong tương lai sẽ được coi trọng không kém gì nhu cầu ăn uống”.
Với số dân ngày càng tăng, lượng phương tiện giao thông ngày càng nhiều, ô nhiễm môi trường ngày một đáng lo thì việc các gia đình trung lưu và thượng lưu có nhu cầu thoát nội, hướng ngoại để nghỉ dưỡng là điều tất yếu. Không thể đi quá xa thành phố thì các vùng ven đô như Hòa Bình, Sóc Sơn, Hòa Lạc, Ba Vì là những địa điểm đáng chú ý hàng đầu khi ở ngay sát Hà Nội.
Theo con mắt của các chủ đầu tư, tại thị trường phía Bắc, Hòa Bình đang được đánh giá là một thị trường tiềm năng. Ông Phạm Văn Tuyên, Giám đốc điều phối hoạt động kinh doanh Công ty Cổ phần nghỉ dưỡng Ngoại ô cho biết: “Chúng tôi chọn Hòa Bình để thực hiện dự án vì địa điểm ngay gần Hà Nội, thuận lợi cho việc di chuyển, thêm vào đó là cảnh quan thiên nhiên đẹp và khí hậu trong lành. Đặc biệt, Hòa Bình có nét độc đáo của văn hóa Mường, là điểm thuận lợi thu hút khách du lịch nghỉ dưỡng”.
Nhiều nhà đầu tư đã nhanh chân khai thác lợi thế để phát triển bất động sản nghỉ dưỡng ven đô
Đại diện một đơn vị đầu tư đã chỉ ra 5 yếu tố tiềm năng để thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ven đô có thể tăng trưởng mạnh trong những năm tới.
Ước tính của Tổng cục Thống kê cho thấy, với thời gian di chuyển khoảng 90 phút cả đi lẫn về, mỗi năm người dân trung lưu Hà Nội có nhu cầu đi nghỉ cuối tuần khoảng 20 - 30 lần/năm. Chỉ tính riêng việc phục vụ dân số hiện tại của Hà Nội, bất động sản nghỉ dưỡng ven đô đã cần tới 50.000 phòng nghỉ tối thiểu/năm.
Tuy nhiên, hiện số lượng những khu du lịch nghỉ dưỡng được đầu tư bài bản ở vùng ven Hà Nội và các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hoà Bình, Ninh Bình vẫn rất khiêm tốn, chỉ mới có một số ít dự án đã đi vào hoạt động như khu du lịch Flamingo Đại Lải, Mai Châu Ecolodge, Serena Resort Kim Bôi, Emeralda Ninh Bình...
“Sớm nở tối tàn” là đúng quy luật nhưng lại không đúng với tiềm năng của loại hình sản phẩm này.
Để đánh giá một cách công bằng thì tiềm năng phát triển các khu nghỉ dưỡng ven đô hoàn toàn không thua kém gì nghỉ dưỡng ven biển. Đặc biệt, miền Bắc với địa hình chủ yếu là đồi núi, khí hậu gió mùa đặc trưng là những yếu tố thuận lợi cho việc thực hiện các chuyến nghỉ dưỡng ngoại thành.
GS.TSKH. Đặng Hùng Võ nhận định: “Ven đô là nơi rất thuận tiện cho việc phát triển các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng như khách sạn, shophouse,… Đồng thời, tại ven đô cũng có khả năng phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch gắn với người dân ví dụ như homestay”.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho rằng, du lịch ven đô sẽ là một trong những câu trả lời cho bài toán này bởi tiềm năng của nó lớn hơn nhiều so với du lịch biển. Hơn nữa, loại hình này có thể cung cấp tổng hoà các nhu cầu từ môi trường sinh thái đến di tích lịch sử, trải nghiệm du lịch nông nghiệp công nghệ cao, văn hoá địa phương…
Ngoài ra, hạ tầng giao thông giữa thủ đô Hà Nội và các tỉnh thành lân cận ngày càng được hoàn thiện giúp cho khoảng cách từ nội đô ra các vùng ven được rút ngắn, thuận lợi nhiều trong việc di chuyển.
Đặc biệt, quá trình đô thị hóa đang tăng nhanh, và khi áp lực nội đô quá lớn nó sẽ tạo nên một lực nén đẩy ra ven đô, nhu cầu nghỉ dưỡng của người dân sẽ tăng lên nhiều hơn. Nhu cầu tăng là tiềm năng lớn nhất nhằm thúc đẩy phát triển khu nghỉ dưỡng ven đô nói riêng và tất cả các mô hình khác nói chung.
Chính vì vậy, bất động sản nghỉ dưỡng ven đô có lợi thế ở nguồn cầu lớn đến từ khách du lịch nội địa, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội và cả những người dân sinh sống trong chính nội đô.
Số liệu của Sở Du lịch Hà Nội cũng cho thấy, năm 2016, nếu Nha Trang - một trong những thị trường trọng điểm của du lịch biển - chỉ có 4,6 triệu lượt khách thì riêng thủ đô Hà Nội đón 21,8 triệu lượt khách. Trong khi Nha Trang chứng kiến sự bùng nổ liên tiếp của hàng loạt dự án nghỉ dưỡng thì từ 2012 - 2017, trong 5 năm, do quỹ đất hạn hẹp, Hà Nội chỉ cung thêm vào nguồn cung hiện tại 1.200 phòng khách sạn 3 - 5 sao.
Đại diện một doanh nghiệp cho biết, thị trường nghỉ dưỡng ngoại ô sẽ đóng vai trò “chia lửa” khi khu du lịch nội đô quá tải. Bởi trong vài năm tới, khách du lịch đến Hà Nội sẽ tăng cao, trong khi 5 năm qua, Hà Nội chỉ có 1.200 phòng khách sạn 3 - 5 sao để phục vụ, khiến thời gian lưu trú giảm xuống.
Ngoài san sẻ lượng khách từ nội đô, bản thân thị trường nghỉ dưỡng ven Hà Nội cũng đã có một nguồn cầu tương đối lớn và ổn định đến từ lượng khách muốn ra ngoại ô để nghỉ dưỡng.
“Thấy nó bùng lên mình cũng nhảy vào cho nó bùng tiếp” - Tư duy khôn mà dại
Việc bùng nổ như một cơn sốt trên những thông tin ảo và xây dựng không dựa trên giá trị thực tế, đầu tư một cách “ăn theo” đã khiến nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng ven đô rơi vào tình trạng “tê liệt” một cách chóng vánh.
GS.TSKH. Đặng Hùng Võ cho rằng: “Tư duy phát triển của nhiều người Việt là tư duy đám đông, thấy thị trường bùng lên thì cũng nhảy vào cho 'nó' bùng tiếp. Nhưng sau đó, khi thị trường bùng quá sức thì buộc phải giảm. Và khi thị trường suy giảm, mọi người lại thi nhau nhảy ra hết”.
Vị chuyên gia nhấn mạnh, điều này chính là một trong những nguyên nhân khiến cho bất động sản nghỉ dưỡng ven đô vừa ra đời đã nhanh chóng lụi xuống.
“Thấy mọi người nhảy vào nếu khôn ra thì đừng nhảy theo mà hãy nhảy vào chỗ khác. Người Việt ta rất hay có lối tư duy thấy mọi người nhảy vào thì mình cũng nhảy theo và đó không phải là cách đầu tư khôn ngoan”, GS. Võ cho hay.
Chạy theo đám đông nhưng không có tư duy, chiến lược phát triển nói cách khác là đầu tư một cách ồ ạt thiếu quy hoạch thì sẽ không bao giờ có kết quả.
Việc xây dựng các biệt thự nghỉ dưỡng nhỏ lẻ, không đồng bộ về quy hoạch, không đi kèm hệ thống các dịch vụ du lịch khiến các khu vực này chỉ đơn thuần phục vụ những đại gia sở hữu nó. Khi hết nhu cầu vui chơi, nghỉ dưỡng và sở hữu thì các biệt thự này lại trở thành một "khối băng” .
Trước bối cảnh đó, ông Nguyễn Mạnh Thản bày tỏ quan điểm: “Chúng ta không thể đầu tư xong rồi ngồi chờ khách mà phải liên kết với các lực lượng, trong đó có các đơn vị lữ hành, cơ quan Nhà nước để tạo thành chuỗi trong du lịch như chuỗi trách nhiệm, chuỗi quyền lợi… Lúc đó, thị trường nghỉ dưỡng ven đô mới có thể phát triển một cách đồng bộ”.
Về vấn đề này, ông Amorn Harnkham, nguyên Giám đốc Tổng cục Du lịch Thái Lan, Giám đốc khu vực Trường quản lý khách sạn và du lịch quốc tế Thái Lan cho rằng, trước hết cần có mục tiêu trong việc phát triển thị trường du lịch nghỉ dưỡng ven đô. “Khi đã có mục tiêu rồi thì cần đưa ra những chiến lược, sản phẩm cụ thể để hút khách. Và quan trọng hơn nữa là phải làm sao để sau khi khách đến nghỉ dưỡng và trở về nhà, họ vẫn muốn quay lại thêm nhiều lần nữa”, ông Harnkham nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận