menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quốc Anh

Tự do hay công bằng cho tích tụ ruộng đất?

Định hướng chính sách cho gia đoạn hiện nay phải là nền nông nghiệp giá trị cao hơn là nền nông nghiệp công nghệ cao. Đây là quan điểm của TS Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội.

Theo ông Dũng, tháo giỡ nút thắt hạn điền có thể giúp thúc đẩy tích tụ ruộng đất một phần, nhưng hiệu ứng sẽ không lớn.

Tự do hay công bằng cho tích tụ ruộng đất?

- Thời gian gần đây, nhiều quan điểm cho rằng chỉ cần gỡ được nút thắt hạn điền thì quá trình tích tụ ruộng đất sẽ diễn ra nhanh chóng. Theo ông, vấn đề này nên giải quyết ra sao?

Ở tầm triết lý, tự do và công bằng là hai giá trị mà loài người theo đuổi. Tuy nhiên, nếu tự do có nghĩa là đất đai cần được tập trung cho những người có thể khai thác đất đai tốt nhất, thì công bằng lại có nghĩa là người nghèo cũng phải có phần đất đai của mình. Chính sách mở rộng hạn điền gặp nhiều khó khăn là vì chúng ta bị dằng xé giữa hai giá trị tự do và công bằng nói trên.

Khó có được một câu trả lời chung chung là cái gì quan trọng hơn. Khi công bằng triệt tiêu hết động lực làm giàu, (làm ra của cải), thì tự do quan trọng hơn. Nhưng khi tự do gây ra sự bất bình đẳng, bất ổn định xã hội, thì công bằng quan trọng hơn. Suy cho cùng thì tất cả các xu hướng chính trị trên thế giới đều chỉ là những sự dịch chuyển giữa tự do và công bằng mà thôi.

Trở lại với Việt Nam, chúng ta gần với các nước theo mô hình dân chủ xã hội, nên công bằng rất được coi trọng (Cho dù nhiều khi đó chỉ là sự công bằng trong nghèo khổ như trước khi Đổi mới). Mà đã coi trọng công bằng, thì nới rộng hạn điền hoặc bỏ hạn điền để tạo ra bất bình đẳng sẽ rất khó được chấp nhận.

Đó còn chưa kể là lo ngại về sự hình thành một tầng lớp “địa chủ mới” khi nút thắt hạn điện được mở. Đây là sự lo ngại mang tính bản năng của chế độ. Chúng ta đã làm cách mạng để đánh đổ giai cấp địa chủ, rồi sau hơn nửa thế kỷ lại tìm cách tích tụ đất đai để hình thành lên giai cấp “địa chủ mới” thì thật là luẩn quanh!

Tự do hay công bằng cho tích tụ ruộng đất?

Việc tích tụ đất đai chắc chắn sẽ dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo. Nhiều người nông dân mất ruộng đất chưa chắc đã có được những kỹ năng cần thiết để tìm kiếm công việc mới. Mà như vậy thì sự bần cùng hóa của nhiều nông dân là rủi ro hoàn toàn có thật.

-Nhưng rõ ràng trong bối cảnh mới thì tích tục đất đai là nhu cầu khách quan và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ, thưa ông?

Đúng là trong bối cảnh mới hôm nay thì tính tụ đất đai là một nhu cầu khách quan của quá trình hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Bởi vì muốn cạnh tranh được với các nước thì phải tăng năng suất - muốn tăng năng suất thì phải áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ - muốn áp dụng được các thành tựu khoa học công nghệ thì phải tích tụ được đất đai. Nếu nhiều nước đối tác của chúng ta chỉ có 3-5% dân số làm nông nghiệp, mà chúng ta lại có đến trên 40%, thì chúng ta cạnh tranh làm sao?

- Vậy câu chuyện nông dân phải có đất để sản xuất trong bối cảnh ngày nay cần nhìn nhận như thế nào, thưa ông?

Nhu cầu phải tích tụ đất đai là một chuyện; cách thức tích tụ đất đai lại là một câu chuyện khác. Quan trọng là đất đai phải được tích tụ một cách tự nhiên và cùng nhịp với quá trình chuyển đổi của lao động nông thôn. Tích tụ đất đai bằng cách thu hồi của nông dân và giao lại cho doanh nghiệp thì đó sẽ là một thảm họa.

Do đó, cách thức tích tụ đất đai phù hợp nhất phải được tiến hành như sau: Thứ nhất: Bảo đảm quyền tự do tài sản cho những người nông dân đối với đất đai của họ. Người nông dân sẽ có quyền giữ lại đất đai nếu họ còn có thể mưu cầu được hạnh phúc trên các thửa ruộng của mình. Nhưng họ sẽ có quyền chuyển nhượng nếu đất đai không còn nuôi sống họ.

Thứ hai: Đẩy nhanh quá trình đô thị hóa và thu hút lao động từ nông thôn ra thành thị. Tạo điều kiện cho lao động nhập cư có thể sinh sống và thành đạt ở quê hương mới và trở thành những thị dân.

Thứ ba: Hình thành các thị trấn, thị tứ xung quanh các khu công nghiệp, cung cấp đầy đủ các dịch vụ y tế, giáo dục và các dịch vụ công cần thiết khác để công nhân và gia đình họ có thể định cư lâu dài và trở thành thị dân.

Thứ tư: Đánh thuế đất nông nghiệp để tránh việc đất nông nghiệp bị bỏ hoang và thúc đẩy việc chuyển nhượng đất nông nghiệp. Mức thuế có thể rất thấp để không trở thành gánh nặng cho nông dân, nhưng hiện tượng bỏ hoang sẽ được khắc phục và khuyến khích chuyển nhượng đất sẽ được tăng cường.

-Nhưng không thể phủ nhận rằng, doanh nghiệp sẽ nắm bắt cơ hội tốt hơn và đây mới là lực lượng quan trọng đóng góp vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Vậy làm gì để dung hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và nông dân, thưa ông?

Tôi cho rằng có thể thu hồi đất của các nông, lâm trường hoạt động không hiệu quả để giao cho các doanh nghiệp hoặc thúc đẩy sự liên doanh giữa các nông, lâm trường này với các doanh nghiệp. Đối với đất đai của nông dân, quá trình tích tụ chỉ nên để diễn ra một cách tự nhiên, trùng nhịp với quá trình chuyển đổi lao động nông nghiệp và đô thị hóa. Đây là cách dung hòa lợi ích hợp lý, hợp tình nhất.

Ngoài ra, hợp tác hóa cũng là một cách tích tụ đất đai. Cần nghiên cứu những mô hình thành công và nhân rộng cho những nơi phù hợp. Đồng thời, định hướng chính sách cho gia đoạn hiện nay phải là nền nông nghiệp giá trị cao hơn là nền nông nghiệp công nghệ cao.

Với trên 40% dân số làm nông nghiệp, đồng nghĩa là có tới mấy chục triệu người đang mưu sinh trên những thửa ruộng, những mảnh vườn bé nhỏ của mình. Mọi chính sách nông nghiệp chỉ có nghĩa và chỉ nhân văn khi hướng tới mấy chục triệu người này, chứ không hẳn là hướng tới công nghệ cao hay thấp. Vấn đề đặt ra là những người nông dân sẽ lấy vốn, lấy kiến thức ở đâu để làm nông nghiệp công nghệ cao trên những thửa ruộng nhỏ bé của mình? Rõ ràng làm nông nghiệp công nghệ cao là hoàn toàn không khả thi đối với đa số những người nông dân hiện nay. Nhưng làm nông nghiệp giá trị cao thì lại không phải như vậy. Làm nông nghiệp giá trị cao là làm nông nghiệp hữu cơ, là làm nông nghiệp phải bỏ nhiều công sức lao động để bắt sâu, nhổ cỏ…

-Khi chúng ta mở nút thắt về hạn điền như vậy thì ông có niềm tin gì về sự tác động tích cực đến ngành nông nghiệp như việc tạo ra một sự đột phá phát triển không, thưa ông?

Tháo giỡ nút thắt hạn điền có thể giúp thúc đẩy tích tụ ruộng đất một phần, nhưng hiệu ứng sẽ không lớn. Vấn đề là phần lớn đất đai đang nằm trong tay những người nông dân. Khi và chỉ khi những người nông dân chuyển đổi đất đai thì việc tích tụ mới có thể xảy ra. Mà những người nông dân chỉ sẵn sàng chuyển đổi đất đai, khi việc chuyển đổi này có lợi hơn cho họ.

- Xin cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả