Từ điểm hữu hạn, ngân hàng cổ phần Việt tính đường dài
Bên cạnh lợi nhuận, mở rộng quy mô tổng tài sản cũng là cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các ngân hàng thương mại cổ phần, bởi đây là tổng hòa các thị phần.
Cuối cùng, sau bao lần lỡ hẹn, chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán Việt Nam đã phá đỉnh thành công. Dòng cổ phiếu ngân hàng tạo động lực quan trọng, và không hẳn nhà đầu tư đang quá hào phóng…
Cùng thời điểm, các doanh nghiệp nói chung và khối ngân hàng thương mại bước vào mùa đại hội đồng cổ đông thường niên 2021. Những tính toán đường dài của các nhà băng tiếp tục định hình.
Hữu hạn trước cơ hội mở
Đã 13 năm qua hệ thống ngân hàng không có thêm thành viên nội địa nào được thành lập mới. Sau khi cấp phép thêm một số trường hợp, năm 2008 đánh dấu số lượng các ngân hàng thương mại trong nước đạt đỉnh, gồm 5 thành viên có vốn Nhà nước chi phối và 40 ngân hàng thương mại cổ phần.
Đến nay, quy mô trên chỉ còn 4 ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ, 3 ngân hàng mua lại bắt buộc và chỉ còn 28 ngân hàng thương mại cổ phần. Như vậy, số lượng ngân hàng thương mại đã bị thu hẹp lại qua quá trình tái cơ cấu từ năm 2011 đến nay và xu hướng này vẫn chưa dừng lại. Điều này có ảnh hưởng lớn đối với hệ thống các ngân hàng thương mại và cả nền kinh tế.
Với số lượng giảm đi đáng kể, cũng như hữu hạn khi không có thành viên thành lập mới, cơ hội mở rộng thị phần trở nên lớn hơn với những ngân hàng thương mại hiện hữu. Cơ hội đó đã, đang và không ngừng mở rộng.
Đơn cử, 13 năm trước có 45 ngân hàng thương mại đối ứng với quy mô nền kinh tế chỉ hơn 1,6 triệu tỷ đồng GDP. Nay, chỉ còn 35 thành viên đối ứng với khoảng 6,2 triệu tỷ đồng quy mô GDP ước tính sơ bộ cuối năm 2020.
Sát sườn hơn, năm 2008, cùng tương quan số lượng trên chỉ có khoảng 1,4 triệu tỷ đồng tín dụng toàn hệ thống; đến cuối năm 2020 đã lên tới khoảng 9,2 triệu tỷ đồng.
Tương tự, dân số Việt Nam năm 2008 có khoảng 86,2 triệu người thì nay hệ thống ngân hàng có số lượng thành viên ít hơn nhiều nhưng có trường tiếp cận của quy mô khoảng 97,5 triệu người.
Hay ở một xu hướng đang bùng nổ là quá trình chuyển đổi số và không gian ngân hàng số hiện nay. Nếu 2008 nhiều thành viên vẫn còn chật vật đầu tư, chuyển đổi hệ thống ngân hàng lõi, Internet Banking và Mobile Banking còn khá sơ khởi, thì nay có thể nói là một sự choáng ngợp.
Không cần lùi về 13 năm trước, mà chỉ giai đoạn 5 năm gần đây, hệ thống đã ghi nhận cấp độ tăng trưởng tầm nghìn phần trăm của kết quả số hóa. Cụ thể, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến tháng 10/2020 so với 5 năm trước, số lượng và giá trị thanh toán qua kênh Internet đã tăng 276,4% và 343%; đặc biệt số lượng và giá trị thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng tới 1.037% và 972,5%.
Trở lại với bối cảnh chỉ số VN-Index phá đỉnh, nhà đầu tư hẳn không quá hào phóng với dòng cổ phiếu ngân hàng. Họ có cơ sở tính toán khi nhìn lại điểm hữu hạn trước cơ hội rộng mở trên. Tuy nhiên, nắm được cơ hội đó còn tùy thuộc vào năng lực và tầm nhìn của mỗi ngân hàng thương mại.
Năng lực chiếm lĩnh, tính đường dài
Kết thúc năm 2020, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam tiếp tục được “sàng lọc” bởi các điểm cơ bản: mức độ hoàn tất Basel II, tất toán gọn nợ tại VAMC hay chưa, tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu đến đâu (nhất là trong bối cảnh môi trường tiềm ẩn rủi ro bởi COVID-19)…
Nếu theo những tiêu chí trên, Vietcombank, MB, Techcombank… đã sớm đạt đích từ nhiều năm trước. Trong đó có một kết quả đáng chú ý: Vietcombank đã có tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu lên tới khoảng 380%; hay MB cũng đạt tới hơn 144% đến cuối quý 1/2021. Bên cạnh sức chủ động phòng ngừa rủi ro, chỉ tiêu này có hàm ý tiềm năng hoàn nhập lợi nhuận trong tương lai.
Ngay quý 1, nhiều ngân hàng thương mại đã lần lượt công bố lợi nhuận trước thuế tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ 2020, thậm chí tính bằng lần như tại MSB, SeABank và MB hoặc một số đạt tăng trưởng cao từ 50 - 70%…
Bên cạnh lợi nhuận, mở rộng quy mô tổng tài sản cũng là cuộc cạnh tranh giữa các thành viên, bởi đây là tổng hòa các thị phần. Vị thế ở đây đang quyết liệt giữa nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân hàng đầu. Đến cuối 2020, MB đang dẫn đầu, sát kề là Sacombank, ACB, Techcombank và VPBank.
Tuy nhiên, thị phần và tổng tài sản sẽ trở nên hữu hạn khi cân đối với lực đỡ của vốn điều lệ. Theo đó, các ngân hàng thương mại tiếp tục tính đường dài trong mùa Đại hội đồng cổ đông năm nay.
Trong khi Techcombank dự kiến tiếp tục không chia cổ tức, thì Sacombank và Eximbank đang trình Ngân hàng Nhà nước để có thể tăng vốn qua trả cổ tức sau nhiều năm tạm ngừng.
Thành viên đang nắm ưu thế thị phần và tổng tài sản là MB (gần 495.000 tỷ đồng cuối 2020) đã tính toán phương án tăng mạnh vốn điều lệ, dự kiến tăng gần 40% năm nay. Kế hoạch định rõ, một cấu phần vốn tăng thêm sẽ tập trung đầu tư cho thị trường phía Nam; một cấu phần tiếp tục tăng cường năng lực công nghệ thông tin - điểm mà MB tạo thu hút trên thị trường những năm gần đây qua loạt dự án chuyển đổi số và mở rộng nhanh chóng hệ sinh thái ngân hàng số.
Hay tại ACB, kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 25% đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua ngày 6/4, cùng tham vọng sẽ nâng tổng tài sản lên mức gần 500.000 tỷ đồng cuối năm nay. Đại diện lãnh đạo ACB lạc quan với kế hoạch trên, khi nhận định năm 2021 sẽ có nhiều thuận lợi, gắn với triển vọng phục hồi của kinh tế Việt Nam, với hướng mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6% - 6,5% năm nay.
Nắm cơ hội phục hồi đó, một số ngân hàng thương mại đã nhanh chóng tăng tốc ngay trong quý đầu tiên. Bên cạnh kết quả lợi nhuận, có thể thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng tại Vietcombank đã đạt 3,7%, tại HDBank là 5,2%, hay tại MB vượt trội với khoảng 8%, MSB trên 9%... Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống cuối quý 1 ước đạt hơn 2%, đồng nghĩa có nhiều thành viên chưa kịp bắt nhịp.
Riêng ở chỉ tiêu quan trọng là tăng trưởng tín dụng như trên cũng cho thấy, điều kiện để nắm cơ hội đang có nhiều khác biệt giữa các thành viên./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận