24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quỳnh Trang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Từ công nghệ “xô chậu” nhiều thực phẩm chức năng được thổi phồng qua quảng cáo?

“Có những sản phẩm gắn mác là thực phẩm chức năng nhưng sản xuất bằng công nghệ xô, chậu là chủ yếu. Thậm chí có một số cơ sở mua vỏ viên nang, trộn nguyên liệu, thành phẩm và bán ra thị trường”

Hiện nay, nhiều loại thực phẩm chức năng đang rao bán trên thị trường được thổi phồng công dụng quá mức, thậm chí được quảng cáo có thể chữa bách bệnh. Ngoài ra, chất lượng sản phẩm cũng là vấn đề đáng bàn khi có những sản phẩm gắn mác là thực phẩm chức năng nhưng sản xuất bằng ‘công nghệ xô, chậu’ (phối trộn thô sơ) là chủ yếu. Thậm chí từng có một số cơ sở mua vỏ viên nang, sau đó trộn nguyên liệu để tạo sản phẩm thực phẩm chức năng và bán ra thị trường.

Thực phẩm chức năng theo ‘công nghệ xô, chậu’

Thống kê của Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế cho thấy hiện nay, tình trạng vi phạm về quảng cáo, chất lượng liên quan đến thực phẩm chức năng rất nhiều. Trong năm 2022, Cục đã xử phạt khoảng 2,7 tỉ đồng. Năm 2023 phạt gần 1,9 tỉ đồng cho các hành vi vi phạm trong quảng cáo, chất lượng thực phẩm chức năng.

Trong một báo cáo mới đây, Sở An toàn thực phẩm TPHCM cho biết, giai đoạn từ năm 2017 – 2023, đơn vị đã lấy kiểm nghiệm 988 mẫu thực phẩm chức năng. Trong đó phát hiện 113 mẫu (11,4%) không đạt về chỉ tiêu vi sinh, chỉ tiêu vitamin, chỉ tiêu định tính và định lượng…

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM, thực phẩm chức năng bao gồm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng y học… Những năm gần đây, thực phẩm chức năng đã trở nên bùng nổ từ việc sản xuất trong nước cho đến nhập khẩu, phân phối và sử dụng sản phẩm.

Nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng tăng cao cho thấy người dân ở nước ta đã nhận thức được tầm quan trọng của bảo vệ sức khoẻ. Tuy nhiên, thế giới đã sử dụng trước, việc đi sau so với các nước khác và đi quá nhanh, khiến việc sản xuất và quảng cáo thực phẩm chức năng đang gặp nhiều vấn đề.

Thứ nhất, trong khâu sản xuất, bà Lan cho biết những năm gần đây, cơ quan chức năng đã bắt đầu truy xuất nguồn gốc các loại thực phẩm chức năng. Theo đó, thực phẩm chức năng phải được sản xuất (hoặc nhập khẩu từ nước ngoài) trong dây chuyền đạt GPM (nghĩa là thực hành sản xuất tốt), thì mới có thể lưu hành trên thị trường. Tuy nhiên, đây là một vấn đề vô cùng nan giải.

“Có những sản phẩm gắn mác là thực phẩm chức năng nhưng sản xuất bằng công nghệ xô, chậu là chủ yếu. Thậm chí có một số cơ sở mua vỏ viên nang, trộn nguyên liệu, thành phẩm và bán ra thị trường”, bà Lan nhấn mạnh.

Hiện TPHCM có 43 nhà máy đạt GPM nhưng không phải sử dụng dây chuyền sản xuất thuốc để sản xuất thực phẩm chức năng. Dù những tiêu chí sản xuất thực phẩm chức năng là thấp hơn so với sản xuất thuốc, nhưng muốn sản xuất thực phẩm chức năng vẫn cần xây dựng một dây chuyền sản xuất mới.

Nói đến nguồn gốc sản phẩm, bà Lan đặt vấn đề rằng: “Liệu có ai dám khẳng định thực phẩm chức năng bán trên thị trường đều sản xuất đúng với quy trình đạt GMP? Hay vẫn có trường hợp sản phẩm chưa đạt chuẩn nhưng lẻn lỏi bán ra thị trường”.

Từ công nghệ “xô chậu” nhiều thực phẩm chức năng được thổi phồng qua quảng cáo?

Thực phẩm chức năng bùng nổ tại thị trường Việt Nam trong những năm trở lại đây với hàng chục ngàn sản phẩm được lưu hành.

Thứ hai, trong phân phối, kinh doanh có quy định là thực phẩm chức năng bán trong nhà thuốc phải được xếp riêng biệt, không lẫn lộn với thuốc. Việc làm thế nào có thể bảo quản tốt chất lượng thuốc, người dân không nhầm lẫn với thuốc cũng là một vấn đề cần giải quyết.

Ngoài ra, hiện vẫn chưa có điều khoản, quy định nào cấm bán thực phẩm chức năng tại chợ, trên sàn thương mại điện tử. Trước tình trạng này, bà Lan đã từng đề nghị cần có những luật hoặc chương trình riêng cho thực phẩm chức năng.

Thứ ba, quảng cáo thực phẩm chức năng là vấn đề rất nặng nề. Theo quy định của quảng cáo, nhà sản xuất, kinh doanh phải đưa những thông tin đúng cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, thời gian qua, quảng cáo thực phẩm chức năng là vấn đề vô cùng đau đầu. Bởi nhiều loại thực phẩm chức năng được quảng cáo trên mạng xã hội nhưng có công dụng còn hơn thuốc, chữa bách bệnh…

“Vấn đề thực phẩm chức năng vẫn còn nhức nhối rất nhiều và còn làm nhiều việc. Do đó, bên cạnh tập huấn cho nhân viên các nhà thuốc tư vấn cho người dân dùng đúng, thì cũng đòi hỏi ý thức người hành nghề và sự kiểm tra chặt chẽ của cơ quan quản lý”, bà Lan nói.

Nhiều vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng

Hiện nay, những vi phạm về quảng cáo, chất lượng sản phẩm thực phẩm chức năng rất nhiều. Cụ thể là hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật, gây hiểu lầm với thuốc; sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các cơ sở, nhân viên y tế, bác sĩ, dược sĩ để tạo niềm tin cho người dân. Ngoài ra, có những trường hợp quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ khi chưa thẩm định nội dung hoặc quảng cáo không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền duyệt.

Đây là những nội dung được bà Trần Thị Thu Liễu, Phó trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm và thông tin truyền thông, Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế, nêu ra tại một hội thảo về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong quản lý thực phẩm chức năng đã diễn ra vừa qua.

Bà Liễu đã nêu lên hàng loạt những khó khăn, tồn tại trong xử lý quảng cáo thực phẩm chức năng. Đó là vi phạm xảy ra tại các website, mạng xã hội đặt máy chủ tại nước ngoài khó kiểm soát; không xác định được chủ thể quảng cáo bán hàng vi phạm, không có cơ sở để xử lý vi phạm.

Sự phát triển công nghệ số, AI (trí tuệ nhân tạo) đã rất dễ dàng tạo các video sử dụng hình ảnh các cơ sở y tế, bác sĩ, hình ảnh đài truyền hình, công an, quốc phòng, các báo lớn hoặc sử dụng hình ảnh người của công chúng, nhà khoa học đã nghỉ hưu để quảng cáo, bán thực phẩm thổi phồng công dụng hoặc sai công dụng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả