Từ 'cơn sốt' sàn Temu giá rẻ: 'Cơn lốc' hàng ngoại đổ bộ Việt Nam
Không đợi đến khi cơn sốt sàn Temu giá rẻ xuất hiện, tại thị trường Việt Nam, hàng ngoại giá rẻ đã âm thầm thâm nhập qua kênh thương mại điện tử (TMĐT) và chỉ thực sự bùng nổ khi các sàn Shopee, Tiktok Shop…, đẩy mạnh tiếp cận người tiêu dùng Việt thời gian gần đây.
Sửng sốt vì... giá rẻ của hàng ngoại!
Đầu tháng 10 vừa qua, nhiều người dùng MXH Việt Nam bất ngờ khi thấy mạng Temu quảng cáo trên facebook và một số nền tảng MXH khác. Dù khá bất ngờ nhưng với giao diện tiếng Việt cùng mức giá hấp dẫn đưa ra cho nhiều mặt hàng thời trang, gia dụng, thêm chính sách freeship hoàn toàn, Temu nhanh chóng thu hút người tiêu dùng Việt thử mua sắm trên sàn này, trở thành cơn sốt sàn Temu giá rẻ.
Nhiều mặt hàng thời trang, gia dụng, phụ kiện trên sàn này có giá chỉ từ vài ngàn đến vài chục ngàn một món, gây không ít sửng sốt cho người tiêu dùng. Dù đã qua hơn 1 tháng nhưng cơn sốt sàn Temu giá rẻ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt vì sự tò mò của người tiêu dùng Việt với sàn TMĐT, được cho là chỉ ra đời mới 2 năm mà “khuynh đảo” nhiều thị trường nhờ giá rẻ này.
Người tiêu dùng Việt 'sửng sốt' với nhiều mặt hàng có giá bán rất rẻ trên Temu.
Trong cơn sốt sàn Temu giá rẻ, chị Hoàng Anh (quận Tân Phú, TP.HCM) cho biết được bạn bè giới thiệu Tiktok Shop, chị chốt thử một chiếc quần jean với mức giá chỉ 150 ngàn đồng trên Tiktok Shop - mức giá chỉ bằng một nửa so với giá chị thường mua ở các shop quần áo. Hàng được nhà bán quảng cáo là từ Quảng Châu và được Tiktok Shop trợ giá nên mới có mức giá rẻ như vậy. Nhận hàng, chị thấy chất kiểu dáng, chất vải, màu sắc bên ngoài tuy không thật “xuất sắc” nhưng cũng có thể chấp nhận được với mức giá như vậy. Những lần sau, chị Hoàng Anh lại vào Tiktok Shop xem livestream và chốt thêm nhiều mặt hàng giá rẻ khác cho gia đình như chăn ga, khăn, thảm chùi chân,… Theo chị Hoàng Anh, các mặt hàng được bán với giá rất “mềm”, mẫu mã lại phong phú nên nhiều khi cứ xem là lại thích mua.
Là người rất mê chăn ga, chị Thái Mỹ Linh (quận 1, TP.HCM) cảm thấy vui sướng khi săn được một bộ drap lụa, được quảng cáo của Thái Lan trên Tiktok Shop, với giá chỉ bằng 50% sản phẩm mua của các thương hiệu trong nước. “Cứ nghĩ hàng rẻ chắc chất lượng cũng không ra gì nhưng nhận hàng thật sự bất ngờ vì màu sắc, chất vải rất ổn, chị cũng không ngờ giá rẻ vậy!” - chị Linh chia sẻ.
Bộ chăn ga lụa Thái được livestream bán trên Tiktok Shop với giá rất "mềm".
Theo chia sẻ của nhiều người tiêu dùng, chưa bao giờ thấy quần áo, phụ kiện thời trang, mỹ phẩm, đồ dùng gia đình, phụ kiện công nghệ... lại có giá rẻ như vậy trên các sàn thương mại điện tử.
Trên sàn Temu giá rẻ, đa số hàng được người bán nhập về từ các thị trường bên ngoài như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc,…
Không chỉ được bán bởi người bán trong nước, hàng ngoại còn được “rao” trên các mục hàng quốc tế của các sàn hay các nhà bán nước ngoài để khách chuộng hàng ngoại dễ "săn hàng” .
Có thể thấy, cũng giống như nhiều nước trên thế giới, người tiêu dùng Việt, đặc biệt là giới trẻ đang bị "hấp dẫn" bởi hàng thời trang nhanh, hàng tiêu dùng giá rẻ mà đa số xuất phát từ Trung Quốc, được bán qua các sàn TMĐT quen thuộc như Shopee, Lazada và gần đây là Tiktokshop, Taobao, Shein, 1688, đặc biệt gần đây là sàn Temu giá rẻ.
Để thuận tiện cho việc đặt hàng của người tiêu dùng Việt, các nền tảng xuyên biên giới như sàn Temu giá rẻ, Shein,... có sẵn phiên bản tiếng Việt. Việc thanh toán, giao hàng hóa đến người mua trên các sàn này được thực hiện tương tự các sàn trong nước, thông qua các nhà vận chuyển quốc tế hoạt động ở thị trường Việt Nam như J&T Express, Best Express… Phí ship cũng không chênh lệch bao nhiêu so với đặt hàng trong nước, thậm chí như Temu còn miễn phí ship.
Hàng hóa được bán trên sàn Temu phiên bản tiếng Việt.
Việt Nam - đích đến của các sàn TMĐT xuyên biên giới
Trước đây, khi TMĐT mới phát triển ở Việt Nam, người tiêu dùng Việt dù rất cởi mở với việc mua sắm online nhưng không ít lần phải “thất vọng” vì hàng rao một đàng, chất lượng một nẻo. Đơn cử như hàng thời trang, các nhà bán thường lên mạng lấy mẫu mã ở nước ngoài rồi rao bán trên các sàn nhưng sản phẩm lại được may gia công ở các xưởng nhỏ, với chất liệu và kiểu dáng kém xa so với hàng mẫu. Khâu đổi trả hàng cũng nhiều rối rắm khiến ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của người tiêu dùng với TMĐT.
Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm trở lại đây, khi các sàn trong nước như Tiki, Sendo,…bùng nổ với chính sách bán hàng cam kết chính hãng 100%, đổi trả, hoàn tiền dễ dàng, niềm tin của người tiêu dùng Việt với TMĐT dần tăng lên. Cùng với sự tham gia của các “ông lớn” TMĐT nước ngoài như Shopee, Lazada..., sự cạnh tranh ngày càng tăng lên. Các sàn có chính sách kiểm duyệt chặt chẽ hơn với chất lượng hàng hóa. Các dịch vụ sau bán hàng như đổi trả, hoàn tiền, phản hồi chất lượng dịch vụ cũng được tổ chức chuyên nghiệp hơn nhằm tăng tính cạnh tranh, cũng như tăng sự hài lòng của người tiêu dùng với TMĐT.
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), thị trường TMĐT Việt Nam đang là đích đến của các sàn TMĐT lớn của Trung Quốc như Temu, Shein, Taobao…bởi tốc độ tăng trưởng thuộc top đầu khu vực Đông Nam Á, cơn sốt sàn Temu giá rẻ là ví dụ. Ông Nguyễn Minh Đức - Phó TTK Vecom - cho biết đại diện các sàn TMĐT như 1688, Temu… đã đến làm việc với Hiệp hội để hỏi về thủ tục kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Theo ông Đức, thị trường TMĐT đang chuyển sang giai đoạn toàn cầu hoá, giúp cho các nhà bán dễ dàng tiếp cận người mua toàn cầu thông qua các sàn TMĐT xuyên biên giới, qua đó lược bỏ đi rất nhiều khâu trung gian. Nhờ vậy, người tiêu dùng được hưởng lợi vì mua hàng với giá rẻ hơn. TMĐT Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này, vì thế các doanh nghiệp TMĐT Việt Nam không có cách nào khác là phải hội nhập sân chơi toàn cầu và tìm cách tăng tính cạnh tranh của mình so với các sàn ngoại.
TMĐT Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thuộc top đầu khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Thu Hà
Sự bành trướng của các doanh nghiệp TMĐT ngoại cũng như các kênh mua sắm trực tuyến của doanh nghiệp ngoại như cơn sốt sàn Temu giá rẻ trên thị trường trong nước đồng nghĩa với sự “hụt hơi, yếu sức” của doanh nghiệp TMĐT và doanh nghiệp sản xuất trong nước giữa cuộc chạy đua cạnh tranh giành miếng bánh thị trường nội địa.
Sau thời gian phát triển rầm rộ, hiện tại các sàn TMĐT của doanh nghiệp Việt như Tiki, Sendo…, dường như chậm lại trong cuộc đua với các tên tuổi như Shopee, Lazada, Tiktok Shop… Mặc dù vẫn nằm trong top 5 sàn TMĐT có doanh thu cao nhất, tuy nhiên, thị phần của hai sàn Tiki và Sendo không đáng kể khi đặt lên bàn cân so sánh với những "tay chơi ngoại quốc" như Shopee, TikTok hay Lazada. Trong báo cáo doanh thu quý 2/2024 của 4 sàn TMĐT hàng đầu do YouNet ECI thực hiện, Shopee dẫn đầu thị trường với thị phần 71,4% tính theo tổng giao dịch. TikTok Shop chiếm 20% thị phần, Lazada chiếm 5,9% trong khi đại diện Việt Nam - Tiki chỉ chiếm thị phần khá khiêm tốn với 0,7%.
Theo các chuyên gia, việc các doanh nghiệp TMĐT Việt Nam chậm chân hơn ngay tại thị trường nội địa so với các ông lớn ngoại quốc cũng đã là một bất lợi cho hàng Việt trong bối cảnh mua sắm online đang trở thành xu hướng của người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ. Bởi lẽ, nhiều sàn TMĐT xuyên biên giới vẫn chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam, doanh nghiệp Việt muốn đưa hàng hoá lên các sàn này chưa có đầu mối tiếp cận. Chưa kể, nhiều sàn xuyên biên giới của Trung Quốc như Shein, sàn Temu giá rẻ, Taobao… lại có chính sách tập trung hỗ trợ cho các nhà sản xuất, nhà bán của Trung Quốc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận