Từ chuyện Coca-Cola bị truy thu hơn 800 tỷ đồng tiền thuế, cách nào ngăn các ông lớn "né" thuế?
Sau khi Coca-Cola Việt Nam bị truy thu thuế và phạt chậm nộp thuế 821 tỷ đồng nhiều chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều "ông lớn" FDI cần được đưa vào tầm ngắm thanh tra để chống chuyển giá, né thuế.
Câu chuyện không chỉ của riêng Coca-Cola
Doanh nghiệpnày từng bị Cục Thuế TPHCM xếp vào vị trí số 1 trong danh sách doanh nghiệp nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá do liên tục kê khai lỗ trong nhiều năm. Các năm từ 2012 trở về trước, Cty này liên tục kê khai số lỗ “khủng”. Đến năm 2013, Cty này bắt đầu kê khai lãi 150 tỷ đồng và tiếp tục lãi 350 tỷ đồng trong năm 2014. Tuy nhiên, do doanh nghiệp được chuyển lỗ trong vòng 5 năm nên đến thời điểm đó Coca-Cola Việt Nam vẫn chưa phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo cơ quan thuế, “bí quyết” để doanh nghiệp này có thể liên tục kê khai lỗ nằm ở chi phí nguyên phụ liệu, trong đó chủ yếu hương liệu được nhập trực tiếp từ Cty mẹ với giá rất cao. Trung bình chi phí nguyên phụ liệu chiếm trên 70% giá vốn, cá biệt năm 2006 - 2007 chi phí nguyên phụ liệu lên đến 80 - 85% giá vốn. Đến cuối năm 2012, số tiền lỗ lũy kế của Coca-Cola đã lên đến 3.768 tỷ đồng, vượt cả số tiền đầu tư ban đầu của tập đoàn là 2.950 tỷ đồng. Các chuyên gia nhận định, xét về mặt kỹ thuật, công ty này đã phải phá sản.
Trong văn bản trả lời, đại diện Coca-Cola Việt Nam cho rằng: "Trong quá trình thanh tra, Coca-Cola Việt Nam đã mắc phải những sai sót nhỏ, công ty đã thông báo với Tổng cục Thuế và sẽ hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ được yêu cầu". Hiện công ty đã tạm nộp hơn 471 tỷ đồng.
Ngoài Coca-Cola,Thanh tra Tổng cục Thuếcũngđã “hé lộ” danh tính hàng loạt “ông lớn” có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp (DN) lớn tại Việt Nam bị truy thu, xử phạt mức thuế khủng trong đó có Heineken, Standard Chartered và Thiên Ngọc Minh Uy.
Mới nhất, Thanh tra Tổng cục Thuế công bố kết quả thanh tra hoạt động chuyển nhượng vốn của Cty Heineken. Cụ thể, từ cuối năm 2018, Cty Heineken Asia Pacific Pte. Ltd (trụ sở tại Singapore) có ký hợp đồng chuyển nhượng vốn 100% cổ phần tại Cty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam - Hà Nội cho Cty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam. Giá trị giao dịch này lên đến hơn 4.800 tỷ đồng.
Phía Cty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam đã nộp tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp (nộp thay) từ giá trị chuyển nhượng nói trên là hơn 823 tỷ đồng. Tuy nhiên, Cty Heineken Asia Pacific Pte. Ltd đã có văn bản gửi Cục thuế thành phố Hà Nội đề xuất được miễn, giảm số thuế này theo Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa hai Chính phủ Việt Nam - Singapore. Theo hiệp định này, doanh nghiệp FDI được quyền chọn nộp thuế ở Việt Nam hoặc Singapore. Thông thường, họ sẽ chọn nộp thuế ở nước có mức thuế phải nộp thấp hơn.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Vụ Thanh tra Thuế (thuộc Tổng cục Thuế), quy định tại Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam - Singapore và Luật Dân sự nêu rất rõ trường hợp giá trị bất động sản trên tổng tài sản chuyển nhượng cao hơn 50% thì nghĩa vụ thuế đối với hoạt động chuyển nhượng nói trên phải thực hiện kê khai và nộp thuế ở nước sở tại (tức tại Việt Nam). Qua thanh tra, Vụ Thanh tra kết luận, giá trị bất động sản trên tổng tài sản chiếm hơn 50%, do đó Heineken phải có nghĩa vụ nộp số thuế trên tại Việt Nam. Từ thời điểm chuyển nhượng vốn nói trên đến khi cơ quan thanh tra Thuế vào làm việc, toàn bộ số thuế chưa được nộp vào ngân sách.
Cuối tháng 12/2019, ngay sau khi Tổng cục thuế ban hành kết luận thanh tra, Cty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam buộc thực hiện nộp 917,2 tỷ đồng tiền thuế vào ngân sách, trong đó số thuế chuyển nhượng là gần 823 tỷ đồng và phần còn lại tiền chậm nộp của doanh nghiệp.
Trước đó 2 thương vụ chuyển nhượng vốn đình đám cũng bị cơ quan thuế truy thu được hơn 4.000 tỷ đồng, đó là Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam (Metro Việt Nam) và hệ thống siêu thị Big C đã bị ngành thuế phát hiện hành vi lợi dụng chuyển giá để trốn thuế.
Cần tiếp tục "truy tìm" doanh nghiệp vi phạm
Câu chuyện doanh nghiệp FDI tại Việt Nam dính nghi án chuyển giá đã được nhắc đến từ lâu. Hàng loạt các dấu hiệu như doanh nghiệp kê khai lỗ lũy kế trong nhiều năm liên tiếp nhưng vẫn mở rộng sản xuất được nêu ra. Tuy nhiên, cơ quan chức năng gần như chưa “điểm mặt chỉ tên” doanh nghiệp cụ thể vì thiếu chứng cứ rõ ràng.
Từ hàng chục năm nay, cơ quan chức năng đã “đau đầu” tìm cách hóa giải nghịch lý này. Đây là hiện tượng gian lận chuyển giá; là việc một số doanh nghiệp FDI có mối quan hệ liên kết (nhất là trong các tập đoàn đa quốc gia) giao dịch, thực hiện chính sách với hàng hóa, dịch vụ… với nhau không theo giá thị trường nhằm “bóp” số thuế phải nộp với nước sở tại.
Các hình thức chuyển giá có thể là “phù phép” tăng giá trị tài sản góp vốn; nâng khống giá trị tài sản vô hình (phần mềm, bằng sáng chế, thương hiệu, công thức pha chế…); mua, bán nguyên vật liệu, thành phẩm với giá “trời ơi”; kê “vống” chi phí quảng cáo, quản lý, hành chính…
Theo một báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có năm có 40-50% doanh nghiệp FDI tại Việt Nam kê khai lỗ, trong đó rất nhiều doanh nghiệp lỗ liên tục nhiều năm, nhiều doanh nghiệp báo lỗ lũy kế đến mức âm vốn chủ sở hữu. Bất thường là họ vẫn tiếp tục hoạt động bình thường, thậm chí mở rộng quy mô kinh doanh.
Theo các chuyên gia, ngoài việc mạnh tay với nạn chuyển giá, giao dịch liên kết..., cơ quan thuế cần công bố công khai những "ông lớn" FDI báo lỗ kéo dài, nhằm thúc đẩy việc phát triển một môi trường sản xuất kinh doanh minh bạch và bình đẳng.
Tuy nhiên, theochuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, trốn thuế, chuyển giá là một trong những thủ đoạn phổ biến của một số “ông lớn” FDI. Tuy nhiên, để tìm ra và có đủ bằng chứng doanh nghiệp FDI chuyển giá rất khó khăn. Để phát hiện ra việc doanh nghiệp trốn thuế, cơ quan chức năng của Việt Nam phải hợp tác quốc tế với cơ quan chức năng của các nước có trụ sở của doanh nghiệp FDI.
Ông Doanh dẫn ví dụ, để xác định hành vi chuyển giá của Coca Cola, ngành thuế phải phối hợp với cơ quan quản lý của Coca Cola ở các nước và xác định giá thành nguyên vật liệu, máy móc thiết bị và giá bán sản phẩm. Trên cơ sở này, cơ quan thuế Việt Nam mới có thể tìm ra bằng chứng việc DN trốn thuế, chuyển giá.
Cũng theo ông Doanh, việc cơ quanchức năng phát hiện và truy thu thuế của Coca-Cola và mong tiếp tục phát hiện, xử lý các doanh nghiệp FDI khác trốn thuế, chuyển giá. Từ đó tạo ra sự công bằng, cạnh tranh bình đẳng giữa các Cty trong và ngoài nước. Đồng thời, ông cũng đưa kiến nghị, cần có sự quyết liệthợp tác của cơ quan quản lý thuế của Việt Nam với các nước, chúng ta có thể tìm ra được nhiều trường hợp khác nữa.
Cùng quan điểm, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, DN chuyển giá có nhiều hình thức như thành lập Cty mẹ - Cty con, hoặc ngay cả chuyển giá từ vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Ngành thuế có đơn vị chuyên theo dõi lĩnh vực chuyển giá và có đủ văn bản pháp luật để xử lý việc này. Tuy nhiên, quan trọng nhất là cán bộ thực thi cần có đủ năng lực để tìm tư liệu chứng minh được việc DN FDI chuyển giá.
Theo các chuyên gia, ngoài việc mạnh tay với nạn chuyển giá, giao dịch liên kết, cơ quan thuế cần công bố công khai những "ông lớn" FDI báo lỗ kéo dài, nhằm thúc đẩy việc phát triển một môi trường đầu tư minh bạch và bình đẳng tại Việt Nam.
"Mạnh tay" cách nào?
Liên quan đến hoạt động chống chuyển giá, trốn thuế, theo một cán bộ Vụ Thanh tra Thuế (Tổng cục Thuế), Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 điều 8, Nghị định 20/2017/NĐ-CP (Nghị định 20) quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Trong đó, điểm quan trọng nhất được sửa đổi là việc tăng trần chi phí lãi vay cho doanh nghiệp từ 20% lên 30%.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Vụ Thanh tra (Tổng cục Thuế) cho biết chuyển giá không chỉ ở VN mà vấn đề đang gây đau đầu cho nhiều quốc gia. Để ngăn chặn hoạt động chuyển giá, công cụ chống chuyển giá sẽ được VN luật hóa với các nhóm chính sách trong thời gian tới.
Nói cách khác, chính sách chống chuyển giá sẽ được nâng cấp thành luật với các quy định gồm nguyên tắc quản lý thuế đối với doanh nghiệp có quan hệ giao dịch liên kết, quy định về hồ sơ xác định giá giao dịch.
Đặc biệt, cách xác định giá đầu tư đối với máy móc, thiết bị nhập khẩu từ các bên có giao dịch liên kết cũng sẽ được quy định rất chặt chẽ. Nhưng quan trọng nhất là phải xây dựng cơ sở dữ liệu về tỉ suất lợi nhuận để đưa ra so sánh.
"Giống như Coca-Cola vào đây thì phải so sánh với các doanh nghiệp đang kinh doanh nước giải khát có ga khác. Ngoài ra, phải căn cứ trên chi phí đầu vào và các yếu tố khác..., ngành thuế sẽ phối hợp với các ngành phải xây dựng cho được hệ thống cơ sở tỉ suất lợi nhuận của từng ngành chứ không áp tùy tiện" - vị này cho hay.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, chủ nhiệm CLB Đại lý thuế TP.HCM, cũng cho rằng việc áp dụng các thủ thuật nhằm giảm chi phí thuế, chuyển lợi nhuận từ nơi có thuế suất cao sang nơi có thuế suất thấp là chiêu mà nhiều tập đoàn đa quốc gia thường áp dụng.
Các tập đoàn này cũng thuê các luật sư rất giỏi của nước sở tại để "vận dụng" các kẽ hở của luật. Luật pháp dù chặt chẽ nhưng khó bao quát hết tất cả ngóc ngách.
Do vậy, theo ông Nghĩa, cần có sự hợp tác quốc tế để có thể trao đổi thông tin, đồng thời tăng cường đội ngũ chuyên trách về chống chuyển giá bởi lực lượng này của ngành thuế còn quá mỏng.
Còn Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, hiện nay, nguồn lực của Việt Nam hạn chế, trình độ sử dụng công nghệ còn rất thấp. Trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam cần tiếp nhận công nghệ mới, hiện đại nên FDI vẫn giữ vị trí quan trọng, là một trong những “kênh” giúp Việt Nam tiếp nhận công nghệ mới. Tuy nhiên, chiến lược thu hút FDI phải thay đổi theo hướng thu hút nguồn vốn có chất lượng chứ không chỉ thu hút số lượng. Một trong những định hướng thu hút FDI thế hệ mới đã được Bộ Chính trị nêu rõ trong Nghị quyết 50 về vấn đề này.
“Cần có chế độ ưu đãi cho DN FDI riêng biệt tùy theo đặc điểm từng ngành nghề, từng lĩnh vực, từng địa phương, chứ không ưu đãi đại trà bằng thuế, đất đai như chính sách trước đây. Ngoài ra, đối với những lĩnh vực mà nguồn lực trong nước và tư nhân làm được để nguồn lực trong nước làm”, ông Long kiến nghị.
Chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng, trong bối cảnh doanh nghiệp tư nhân trong nước chưa thể vươn lên, Việt Nam vẫn rất cần sự đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc khuyến khích đầu tư FDI không được quá chênh lệch và bất bình đẳng với doanh nghiệp tư nhân trong nước như trước đây.
Để tăng chế tài xử phạt, răn đe các doanh nghiệp FDI có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đề nghị, trong năm 2020, Tổng cục Thuế phải xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn để tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật Quản lý thuế sửa đổi (có hiệu lực từ 1/7/2020). Đặc biệt, Bộ trưởng Dũng yêu cầu ngành Thuế phải tiếp tục đẩy mạnh thanh kiểm tra, chống thất thu ngân sách, chống chuyển giá theo phương pháp phân tích rủi ro.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận