Tự chủ tài chính tại các cơ sở giáo dục đại học công lập
Tự chủ đại học là xu thế tất yếu của xã hội phát triển và các trường đại học công lập buộc phải thích nghi với cơ chế tự chủ tài chính.
Hoạt động trong môi trường mới, các trường đại học công lập cần phải nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, có như vậy mới có thể phát triển bền vững. Trên cơ sở nhận diện các rào cản đối với công tác quản lý tài chính ở các trường đại học công lập hiện nay, bài viết đề xuất một số giải pháp, nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính ở các trường đại học công lập trong bối cảnh thực hiện cơ chế tự chủ.
Đặt vấn đề
Tuy là lĩnh vực ưu tiên đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) nhưng Nhà nước khó có khả năng thực hiện việc chi trả toàn bộ cho giáo dục đại học (GDĐH) trong bối cảnh thu ngân sách gặp không ít khó khăn so với nhu cầu chi tiêu hiện nay.
Nhận thức được vai trò quan trọng của GDĐH và trong bối cảnh nguồn lực NSNN chi cho GDĐH ở trong hạn mức nhất định; trên tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 (thay thế Nghị định số 43/2006/NĐ-CP) quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
Nghị định số 43/2006/NĐ-CP và Nghị định số 16/2015/NĐ-CP là 2 văn bản pháp lý cơ bản điều chỉnh cơ chế tự chủ tài chính của các cơ sở GDĐH, trong đó có các trường đại học công lập (ĐHCL). Các văn bản này thể hiện rõ quan điểm chuyển đổi cơ chế quản lý hệ thống GDĐH của nước ta từ mô hình Nhà nước thực hiện sang mô hình Nhà nước giám sát; chủ trương này đúng đắn và phù hợp với xu hướng phát triển GDĐH của thế giới.
Kết quả triển khai cơ chế tự chủ tài chính đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập
Trong thời gian qua, cơ chế tự chủ tài chính áp dụng đối với các cơ sở GDĐH công lập đã đạt được nhiều kết quả tích cực, mở ra cơ hội phát triển trên cả khía cạnh quy mô và chất lượng đào tạo, cụ thể như:
Mô hình này tạo sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, các sản phẩm khoa học trở nên thiết thực và ứng dụng vào đời sống xã hội. Bên cạnh đó, các cơ sở GDĐH có điều kiện cung cấp dịch vụ gắn với chuyên ngành đào tạo mà xã hội có nhu cầu cao như ngoại ngữ, tin học, kế toán... Số thu từ các hoạt động dịch vụ tăng nhanh và tại không ít cơ sở GDĐH hiện là nguồn thu lớn để cải thiện đời sống vật chất của giảng viên và người lao động.
Việc giao quyền cũng tăng tính chủ động, tăng trách nhiệm cho các cơ sở GDĐH công lập và góp phần tăng thêm nguồn lực cho hoạt động phát triển các trường. Các cơ sở GDĐH công lập có điều kiện chủ động điều chỉnh cơ cấu chi theo mục tiêu nâng cao chất lượng giảng dạy, chất lượng giảng viên; tăng tỷ lệ chi trực tiếp cho hoạt động đào tạo, gia tăng thu nhập cho giảng viên, giữ người tài.
Một số bất cập, hạn chế trong thực hiện tự chủ tài chính đối với các cơ sở giáo dục đại học
Bên cạnh những kết quả đạt được, cơ chế tự chủ tài chính cũng còn tồn tại một số bất cập, cản trở sự phát triển của các cơ sở GDĐH.
Trong xu hướng gia tăng mức độ tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục đại học, nguồn thu từ học phí ngày càng chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 70-80% tổng thu của các trường. Phần kinh phí ngân sách nhà nước cấp có xu hướng giảm dần, nhờ đó áp lực chi ngân sách cho giáo dục đại học đã giảm hơn so với trước.
Cơ chế tự chủ tài chính hiện nay chủ yếu mới được tiếp cận trên giác độ cơ sở GDĐH, với tư cách là một đơn vị sự nghiệp công lập. Thực tiễn vận hành cho thấy, hiện còn thiếu những quy định pháp lý về tự chủ phù hợp với mô hình quản lý cơ sở GDĐH hiện hành. Tại hầu hết các cơ sở GDĐH đều có viện (hoặc trường trong viện), trung tâm, doanh nghiệp trực thuộc trường; nhiều cơ sở GDĐH có cơ sở GDĐH thành viên, trong cơ sở GDĐH thành viên lại có các trung tâm, doanh nghiệp... Vì vậy, vấn đề quản lý thu, chi của các đơn vị trực thuộc; vấn đề hạch toán và thẩm quyền quyết định của các cơ sở GDĐH chưa được hướng dẫn một cách cụ thể và thống nhất, dẫn đến có nhiều cách hiểu và triển khai trong thực tiễn, tiềm ẩn rủi ro cho các nhà quản trị trường.
Giải pháp phát triển giáo dục đại học trong điều kiện tự chủ tài chính
Nhằm hạn chế những bất cập còn tồn tại, tự chủ tài chính tại các cơ sở GDĐH cần quan tâm tới một số giải pháp sau:
Các trường đại học nên được giao quyền tự chủ hơn trong quản lý thu, chi tài chính phù hợp theo quy định. Cơ chế tự chủ cần được thực hiện trong môi trường công khai, minh bạch các hoạt động thu, chi tài chính và các hoạt động chuyên môn liên quan đến thu, chi tài chính như việc mở ngành/chuyên ngành đào tạo, công tác tuyển sinh, hoạt động cung cấp dịch vụ...
Nhà nước cũng cần quy định khung chi tiêu các nguồn thu sự nghiệp của các cơ sở GDĐH với các nội dung chủ yếu: Tỷ trọng chi cho con người, tỷ trọng chi cho xây dựng cơ sở vật chất, tỷ trọng chi nghiên cứu khoa học, tỷ trọng chi mua sắm trang thiết bị hỗ trợ phát triển chuyên môn... Cùng với mở rộng quyền tự chủ, hoạt động thanh tra, kiểm toán nội bộ được tăng cường nhằm đảm bảo tính chính xác, minh bạch và công bằng trong quản lý, sử dụng tài chính của các cơ sở GDĐH công lập.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2006), Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;
2. Chính phủ (2014), Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với một số cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017;
3. Chính phủ (2015), Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;
4. Chính phủ (2015), Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận